Giá / Mô hình kinh tế

Vải Thiều VietGAP Ngày Càng Được Giá

Vải Thiều VietGAP Ngày Càng Được Giá
Tác giả: 
Ngày đăng: 16/06/2012

Những năm qua, việc mở rộng diện tích vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được các cấp, các ngành và người dân trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) quan tâm. Mặc dù sản phẩm vải thiều VietGAP chưa có thị trường tiêu thụ riêng nhưng sản xuất vải thiều VietGAP đã và đang trở thành xu thế tất yếu ở "kinh đô" vải thiều Lục Ngạn…

Gia đình ông Vũ Lệnh Ân, thôn Kim Thạch, xã Thanh Hải có vườn vải thiều rộng hơn một ha, với 300 cây 10 năm tuổi. Là hộ có kinh nghiệm trong việc chăm sóc vải thiều nên nhiều năm liên tục nhà ông Ân được mùa, mỗi năm thu từ 16 - 24 tấn quả tươi, trị giá khoảng 200 triệu đồng. Cách đây hai năm, cũng như nhiều hộ dân trồng vải khác, ông Ân còn rất mơ hồ về kiến thức sản xuất vải thiều VietGAP. Bởi vậy, cứ khi nào ông cảm thấy cần bón phân là bón hoặc thấy quả vải có biểu hiện sâu bệnh là vác bình ra phun. Các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng theo kinh nghiệm nên nhiều khi gây lãng phí và ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả gia đình… Nhưng từ năm 2011, việc chăm sóc vườn vải thiều đã được ông Ân áp dụng theo cách khác khoa học hơn - sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua 6 lớp tập huấn kiến thức khoa học về quy trình sản xuất vải thiều sạch an toàn (bản chất là thực hành nông nghiệp tốt) nên ông Ân đã áp dụng hiệu quả vào vườn vải nhà mình. Theo đó, các công đoạn chăm sóc từ việc tỉa cành, tưới nước, 
bón phân loại nào, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ra sao đến việc thu hoạch quả vải… đều được ghi chép vào sổ nhật ký lưu trữ tại hợp tác xã (HTX) nhằm tạo ra sản phẩm vải thiều sạch. Ông Ân chia sẻ, việc sản xuất vải thiều VietGAP tuy phức tạp (bởi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất) hơn cách làm truyền thống nhưng không khó thực hiện. Hơn nữa nhờ áp dụng tốt kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong việc bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ loại thuốc hoá học chuyển dần sang các loại thuốc sinh học và bảo đảm thời gian cách ly nên sản phẩm làm ra không chỉ an toàn cho người tiêu thụ sản phẩm mà còn bảo đảm sức khoẻ cho cả chủ vườn. Nếu bà con trong xã cùng áp dụng sản xuất vải thiều VietGAP thì sẽ kiểm soát tốt sâu bệnh trên cây vải, giảm chi phí sản xuất. Thực tế năm vừa qua, gia đình tôi sản xuất vải thiều VietGAP cho chất lượng quả vải thơm ngon, giá cao hơn so với giá vải thiều bình quân của huyện khoảng 60%.

Kim Thạch là một trong hai thôn của huyện Lục Ngạn được Dự án FAPQD (Ca-na-đa) tài trợ thực hiện mô hình điểm thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ tháng 2 năm 2011. HTX hiện có 24 hội viên. Ông Nguyễn Đức Cảnh, Phó Chủ nhiệm HTX sản xuất và tiêu thụ vải thiều sạch Kim Thạch cho biết: Để kiểm soát chất lượng quả vải, chúng tôi đã giao trách nhiệm cho 6 tổ sản xuất tự kiểm tra chéo trên hồ sơ sổ sách ghi chép cũng như quá trình sản xuất thực tế vải thiều của hội viên về 65 tiêu chí của VietGAP. Hiện vườn vải của hội viên nào cũng đều có mã vườn và mã số khoản vườn. Quá trình sản xuất từng công đoạn cho cây vải được ghi chép và lưu giữ cẩn thận trên sổ sách và được kiểm tra giám sát chặt chẽ, bảo đảm sản phẩm vải thiều cung cấp ra thị trường đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, sổ hồ sơ sản xuất vải thiều của HTX được lưu trữ trong thời gian ba năm nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tiêu thụ. Tuy nhiên, cái khó của sản xuất vải thiều VietGAP 

hiện nay là chưa có thị trường tiêu thụ riêng nên dễ bị đánh đồng với vải thiều được sản xuất theo cách truyền thống. Mặc dù vậy nhưng tất cả hội viên trong HTX đều xác định sản xuất và tiêu thụ vải thiều sạch đã và đang là xu thế tất yếu, vừa bảo vệ sức khoẻ tốt hơn cho người sản xuất và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu thụ.

Thực tế, những năm gần đây, nhờ các cấp, các ngành quan tâm xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, kết hợp với việc người dân địa phương không ngừng mở rộng diện tích sản xuất vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nên thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng vươn xa hơn. Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn quả to, mã chín đỏ đẹp, ăn thơm ngon, ngọt lịm không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà đã có mặt ở nhiều quốc gia khác trên thế giới… Mặc dù chưa có thị trường tiêu thụ riêng nhưng ba năm gần đây, người dân sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP đều tiêu thụ thuận lợi và bán được giá cao hơn so với giá vải thiều bình quân ở Lục Ngạn khoảng 1,5 lần. Thậm chí nhiều xã sản xuất vải thiều sạch an toàn có tiếng cho chất lượng quả thơm ngon hơn như Giáp Sơn, Thanh Hải, Hồng Giang… tư thương đã quen mặt từng chủ vườn, họ đến đặt tiền thu mua trước hoặc đưa ô tô vào tận nhà thu mua.

Ông Liêu Xuân Hoà - Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn tâm sự: Do sản lượng vải của địa phương giảm nên năm nay vùng sản xuất vải thiều VietGAP có điều kiện tiêu thụ thuận lợi và được giá cao hơn. Cùng với việc tiếp tục vận động nhân dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất vải thiều sạch an toàn, thời gian này, Hội cũng đang chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều. Trong đó vấn đề quan trọng là bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho vải thiều Lục Ngạn, phòng chống gian lận thương mại, hạn chế và đẩy lùi việc tư thương ép cân, ép giá khi cân vải của nhân dân… Cùng đó, Hội sẽ tiếp tục tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu và bán vải thiều sạch an toàn ở Hà Nội, tạo điều kiện cho người dân thủ đô được ăn vải thiều chất lượng, đồng thời hỗ trợ việc tiêu thụ cho vùng sản xuất vải thiều VietGAP hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Trên Cây Lúa Mang Lại Lợi Nhuận Cao Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Trên Cây Lúa Mang Lại Lợi Nhuận Cao

Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa tổng kết mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao vụ hè thu năm 2013.

16/06/2012
Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Nuôi Cá Tra Ở An Giang Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Nuôi Cá Tra Ở An Giang

Theo nhiều hộ nuôi cá tra trong tỉnh An Giang, giá cá nguyên liệu đang dao động ở mức 22.000 đồng/kg, với giá này người nuôi không có lời.

16/06/2012
Làm Giàu Từ Con Rắn Ráo Trâu Làm Giàu Từ Con Rắn Ráo Trâu

Quyết tâm tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả, anh Phạm Văn Lòng, ngụ tại ấp Bàu Khai, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi rắn ráo trâu. Mô hình này đã đem lại lợi nhuận cao cho gia đình anh Lòng.

16/06/2012