Vải Thiều Được Giá, Nhà Vườn Thu Nhập Cao
Tại 2 vựa vải lớn của cả nước là Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) mùa vải năm nay tuy sản lượng không hơn so với mọi năm nhưng giá vải thiều năm nay cao, tiêu thụ tốt.
Năm nay, vải thiều Lục Ngạn có sản lượng 70 – 80 ngàn tấn quả tươi, trong tổng số 140 ngàn tấn của cả tỉnh Bắc Giang. Trúng vụ và giá bán hơn 20.000 đ/kg đã mang lại thu nhập cao cho người trồng vài. Vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ ở 3 sản phẩm chính: Quả tươi, vải sấy khô và vải chế biến đóng hộp xốp.
Thị trường nội địa chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Bắc Giang, các tỉnh phía Bắc lân cận và các tỉnh phía Nam chủ yếu là TPHCM. Lượng vải thiều Bắc Giang được xuất qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai, chiếm gần 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Giá xuất khẩu khoảng 6-7 NDT/kg (20.000 - 24.000 đ/kg).
Huyện Thanh Hà hiện có gần 4 ngàn ha vải, trong đó có hơn 1 ngàn ha là vải sớm, còn lại là vải thiều. Hiện diện tích vải sớm đã cơ bản thu hoạch xong, với sản lượng đạt khoảng 8 ngàn tấn, thấp hơn một chút cùng kỳ năm ngoái. Đầu mùa, vải sớm bán với giá 25.000 - 30.000 đ/kg, cao hơn năm trước khoảng 10 ngàn đ/kg.
Sau vụ vải sớm, vải thiều thời điểm này đã bắt đầu cho thu hoạch rộ. Bình quân, giá vải thiều tại vườn là 15.000 đ/kg. Những vườn vải có chất lượng cao được mua với giá hơn 20.000 đ/kg, cao hơn 5.000 đ/kg so với thời điểm này năm ngoái.
Với giá cao như vậy, thu nhập của người trồng vải ở Thanh Hà cũng cao hơn.
Nhằm nâng cao giá trị thương hiệu vải thiều Thanh Hà, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích thí điểm 32 ha. Mô hình được triển khai từ năm 2012, mùa vải năm nay huyện Thanh Hà tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP ra một số địa phương khác.
Có thể bạn quan tâm
Ông Phạm Văn Tánh, ấp Thanh Nhung I (Phước Trung, Gò Công Đông, Tiền Giang) vừa thu hoạch ao nuôi tôm đất 3.000m2 đầu tiên với lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Do không có nhiều kinh nghiệm nuôi đối với loại tôm này nên hiệu quả mang lại chưa cao, nhưng bước đầu có thể thấy đây là giải pháp thay thế an toàn đối với các ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh bị dịch bệnh.
UBND tỉnh Long An vừa phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích mía vùng quy hoạch là 11.000 ha, sản lượng 900.000 tấn mía, chiếm trên 90% sản lượng mía toàn tỉnh.
Gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Đồng Nai chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ vì giá bán cao, lời nhiều. Diện tích trồng thanh long ruột đỏ tăng nhanh. Tuy nhiên, đầu ra của loại trái cây này ra sao thì hầu hết người trồng rất mù mờ.