Ùn Ùn Nuôi Cá Lóc Giống Tự Phát
Nguy cơ làm ô nhiễm môi trường nước và rớt giá cá lóc.
Thời gian gần đây, do sức hấp dẫn từ hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá lóc giống mang lại nên có rất nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã đổ xô đào ao cá lóc. Việc mở rộng diện tích nuôi cá lóc tự phát trên nền đất lúa không theo sự khuyến cáo và quy hoạch của ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước.
Mô hình ương nuôi cá lóc giống thời gian gần đây phát triển rất mạnh ở các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân của tỉnh An Giang. Trong đó, điều đáng lưu ý là ở nhiều nông thôn nên rộ lên phong trào lấy đất nông nghiệp để đào ao, vuông thả cá lóc.
Ông Trần Văn Hải, một người dân vừa đào ao nuôi cá lóc giống ở huyện Châu Phú cho biết như thế này: “Giá lúa rẻ quá rồi. Thấy người ta nuôi cá có giá thì cũng nuôi theo. Mới thả cá mấy ngày nay đây”.
Bên cạnh đó, điều đáng báo động là đến thời điểm này, việc phá đất lúa để đào ao nuôi cá lóc giống diễn ra ồ ạt nhưng sự can thiệp của chính quyền địa phương dường như chậm chạp.
Ông Nguyễn Hữu Dư ở tỉnh An Giang có kinh nghiệm hơn 8 năm nuôi cá lóc cho rằng: “Làm cái nghề này không dễ dàng chút nào. Làm lúc thuận lợi thì ngon chứ lúc bất lợi rồi thì tiêu tan hết. Không phải ai nuôi cũng được đâu”.
Nhiều người dân An Giang lo ngại sản lượng cá lóc sẽ ngày một tăng, tất yếu sẽ làm thay đổi mức cung – cầu, dễ dẫn đến tình trạng cá lóc bị rớt giá và người nuôi lại bị thua thiệt.
Ông Trần Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú cho biết thêm: “Mình làm chưa có định hướng, quy hoạch. Cũng như cá tra khi cung vượt cầu thì hậu quả rất rõ. Địa phương hiện nay cũng có sự tuyên truyền cho bà con nắm. Sau đó, có quy hoạch cụ thể để sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường”.
Bài học về mở rộng diện tích để nuôi cá tra, bấp chấp yêu cầu của thị trường đã dẫn đến những thua lỗ của người nuôi vẫn còn đó. Nay là con cá lóc với hy vọng đổi đời. Có thể nói, việc nuôi, trồng tự phát những sản phẩm nông nghiệp mà mình có chứ chưa theo cái thị trường cần vẫn còn cố hữu nhiều trong suy nghĩ và hành động của người dân ĐBSCL. Đây là một vấn đề lớn đặt ra cho các ngành hữu quan và cả xã hội trong việc hoạch định chính sách và định hướng trong sản xuất, chăn nuôi để giúp người nông dân có những cách làm khoa học hơn nhằm phát triển sản xuất, thay đổi cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Gia đình anh Trần Xuân Việt, ấp Cái Nai, xã Hòa Tân, TP Cà Mau trước đây có 6 công đất ruộng chủ yếu trồng lúa. Do vùng đất nhiễm phèn mặn nên thu nhập chỉ đủ xoay trở trong gia đình.
Đề tài đã tiến hành thử nghiệm và chứng minh được loại phân này phát huy hiệu quả cao trên đất chua mặn, đất hạn, đất nghèo dinh dưỡng.
Ước tính sơ bộ, vụ Đông Xuân 2011 – 2012, cả nước đạt sản lượng 20,26 triệu tấn, tăng 466.000 tấn so với vụ năm trước.