Giá / Tin thủy sản

U80 nuôi cá nước ngọt thu tiền tỷ

U80 nuôi cá nước ngọt thu tiền tỷ
Tác giả: Trọng Hoàng
Ngày đăng: 23/07/2019

Ở tuổi 80, ông Nguyễn Ngọc Pha (cư ngụ tại ấp 4, xã Tóc Tiên, TX Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn rất say mê với nghề nuôi cá nước ngọt. Sở hữu hơn 8 ha diện tích mặt nước, mỗi năm trang trại của ông xuất bán ra thị trường khoảng 400 tấn cá thịt.

Ông Nguyễn Ngọc Pha 80 tuổi vẫn miệt mài bên ao cá

Lên Tóc Tiên hỏi gặp ông Pha 80 tuổi nuôi cá nước ngọt có lẽ ai cũng biết. Ông nổi tiếng vì một người ở tuổi như ông vẫn có đủ sức khỏe để quản lý 7 ao nuôi cá thịt với diện tích mặt nước trên 8 ha thật sự hiếm.

Ông tiếp chúng tôi khi ông đang cùng các công nhân kéo cá tra và cá trê lai thương phẩm để bán cho thương lái, ông Pha chia sẻ: “Hệ thống ao nuôi thả nuôi khoảng 430.000 con giống cá tra (loại 100 con/kg), 2.000 kg cá trê giống (loại 120 - 150 con/kg) và một số đối tượng truyền thống (cá trắm, trôi, mè, chép, rô phi đơn tính, một ít ba ba). Mỗi năm xuất bán nhiều đợt ra thị trường, sản lượng khoảng 400 tấn cá thịt các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ở khu vực Tóc Tiên, nguồn nước để cung cấp cho các ao nuôi không được chủ động. Về mùa mưa, chủ yếu dựa vào nguồn nước từ sườn núi và mạch ngầm trong lòng đất. Vào mùa khô, các ao nuôi hầu như không có nước để thay. Có năm gặp những cơn mưa kéo dài, lượng nước từ sườn núi đổ về làm vỡ bờ ao cá đi hết.

“Trước đây, toàn vùng này chỉ nuôi các đối tượng cá truyền thống, theo hình thức nuôi lồng ghép. Sản lượng không cao, thị trường tiêu thụ rất khó, vì sản lượng ít nên thương lái thường hay ép giá. Nhưng những năm gần đây, nhờ tìm được nguồn thức ăn phụ phế phẩm sẵn có tại địa phương, kết hợp thêm nguồn mì tôm thải từ nhà máy, gia đình chuyển sang nuôi đơn hai đối tượng cá tra và cá trê lai. Với những ao có nguồn thức ăn phù du tốt thì kết hợp thả ghép khoảng 10% cá rô phi và các loài khác”, ông Pha cho biết thêm.

Theo kinh nghiệm của ông Pha, cá giống mua từ các cơ sở sản xuất có uy tín, con giống đạt chất lượng, mật độ thả nuôi phù hợp. Thức ăn trong hai tháng đầu sử dụng cám công nghiệp. Từ tháng thứ ba trở đi nguồn thức ăn chủ yếu là các phụ phế phẩm ở các lò mổ và mì tôm loại, kết hợp xay nhuyễn, nấu chín, khẩu phần thức ăn theo trọng lượng cá nuôi trong ao. Định kỳ sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý nguồn nước ao nuôi và bùn đáy. Với phương pháp này, cá nuôi phát triển tốt, kích thước đồng đều, nguồn nước nuôi luôn ổn định, cá lớn nhanh. Cá nuôi đến lứa xuất bán thương lái tìm đến ao thu mua mà không phải bị ép giá như trước đây.

Dù đã 80 tuổi, nhưng ông Nguyễn Ngọc Pha vẫn miệt mài với nghề nuôi cá thương phẩm. Không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những nghiệp, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng quy trình nuôi cá thịt cho riêng mình. Nguồn lãi thu được ông vẫn tiếp tục tái đầu tư cải tạo và  nâng cấp ao nuôi, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc nuôi cá. Bên cạnh đó, gia trại còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Pha còn sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật nuôi cho nhiều người trong và ngoài địa phương. Ông chính là là một tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo.


Có thể bạn quan tâm

Thị trường tôm tháng 6/2019 và dự báo Thị trường tôm tháng 6/2019 và dự báo

Những ngày cuối tháng 6/2019 giá đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại và theo dự báo của các doanh nghiệp, giá tôm sẽ tăng mạnh từ đầu quý 4/2019 nhất là tôm thẻ cỡ lớn

23/07/2019
Điều kiện môi trường có nhiều biến động gây bất lợi cho tôm nuôi Điều kiện môi trường có nhiều biến động gây bất lợi cho tôm nuôi

Đầu tháng 5-2019, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh hơn 16.038ha, đạt trên 32,3% kế hoạch, trong đó, tôm sú hơn 4.054ha và tôm thẻ 11.984,6ha

23/07/2019
Chuyển giao công nghệ mới trong nuôi tôm Chuyển giao công nghệ mới trong nuôi tôm

Hội Nghề cá các tỉnh ĐBSCL và doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tổ chức hội thảo giới thiệu và hợp tác chuyển giao công nghệ mới trong nuôi tôm.

23/07/2019