Tỷ Phú Trên Núi Tiên
Học xong phổ thông, Hào nuôi biết bao ước mơ và hoài bão cho tương lai. Nhưng những ước mơ đó không thể thực hiện được khi anh bị tai nạn trong một lần ngã xe. Sau đó, nhiều năm liền Hào mất sức chẳng làm được việc gì, lúc nào cũng cảm thấy bi quan, chán nản. May mắn, một người con gái gần nhà đem lòng yêu anh. Chính cô gái đã giúp anh có thêm nghị lực để thêm tin yêu cuộc sống.
Chặng đường khó
Tháng 10.2007 họ nên vợ nên chồng. Đôi vợ chồng trẻ được bố mẹ dựng cho ngôi nhà nhỏ và chia cho ít đất dưới chân núi Tiên. Đất ít, chồng làm nông, vợ chạy chợ nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Khi chị Thành (vợ anh Hào) mang thai và sinh con, gánh nặng kinh tế lại đè lên đôi vai anh.
Đầu năm 2009, anh quyết định vay Ngân hàng NNPTNT 30 triệu đồng. Tình cờ xem trên ti vi thấy nhiều nơi chăn nuôi thu nhập cao, anh quyết định làm. Nhưng lúc đó, trong xã chưa có nhà nào chăn nuôi. Bàn với vợ, chị Thành ủng hộ nhiệt tình ý tưởng của chồng. Ngay hôm sau anh mua vật liệu về xây chuồng nuôi lợn và nuôi gà, vịt.
Ban đầu vợ chồng anh chỉ nuôi vài chục con gà, mấy con vịt và đôi lợn. Nhờ được chăm sóc tốt, lợn, gà, vịt lớn nhanh. Những lứa lợn, gà, vịt đẻ đầu tiên, vợ chồng anh để lại nuôi. Nhìn đàn gà, vịt, lợn ngày càng nhiều, vợ chồng anh vui mừng vì từ nay nhà sẽ không còn bị đói. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì bệnh dịch tràn về. Bán chạy, bán tháo, lỗ to, hai vợ chồng chán nản. Nhưng dừng lại lúc này thì lấy đâu ra tiền để trả nợ, anh tiếp tục mua giống về nuôi.
Thành tỷ phú
Rút kinh nghiệm đợt trước, lần này anh cẩn thận hơn trong việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Anh đăng ký tham gia học lớp sơ cấp thú y rồi tự phòng chống dịch bệnh. Năm 2010, anh quyết định đưa 7 sào đất vườn nhà mở trang trại. Thu hoạch lứa đầu tiên, hai vợ chồng đã dư tiền để trả nợ ngân hàng và sửa sang lại nhà cửa. Giờ đây, trang trại của vợ chồng anh có trên 100 con lợn, 400 - 500 con ngan, 1.000 con gà thịt và hơn 500 con vịt đẻ.
Trung bình mỗi năm xuất chuồng hai lứa lợn, thu từ 150 - 200 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, trang trại đem về cho vợ chồng anh hơn 700 triệu đồng, trừ chi phí, lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Có nguồn thu nhập cao và ổn định, bà con trong vùng thường xuyên đến học tập kinh nghiệm để về áp dụng vào chăn nuôi trong gia đình.
Hiện nay, ngoài chăn nuôi, vợ chồng anh còn là đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô trên toàn huyện và tạo việc làm cho 5 nhân công với mức lương từ 3- 5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công, anh Hào cho biết: Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, trước hết phải biết cách phòng chống dịch. Điều này tôi học ở lớp thú y và tìm hiểu trong sách báo, trên mạng Internet. Thứ 2 là thức ăn. Ở nông thôn, ngô khoai sắn nhiều, mình mua về rồi chế biến như vậy giá thành rẻ hơn mua thức ăn gia súc của nhà máy rất nhiều. Điều thứ 3 là phải nắm được đặc tính sinh trưởng của gia súc, gia cầm để có biện pháp chăm sóc thích hợp. Thứ 4 là chuồng trại phải thoáng mát hợp lý. Kết hợp được những yếu tố đó thì sẽ thành công.
“Trung bình mỗi năm, trang trại đem về cho vợ chồng tôi hơn 700 triệu đồng, trừ chi phí, lãi từ 300 - 400 triệu đồng”.Anh Lê Văn Hào
Có thể bạn quan tâm
Giúp nông dân nuôi bò sữa có nguồn thu nhập ổn định, người tiêu dùng có được sản phẩm chất lượng là mục tiêu của Công ty FrieslandCampina Việt Nam trong hơn 17 năm qua
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 52 trại sản xuất giống thuỷ sản, mỗi năm sản xuất trên 8 tỷ con giống các loại, dẫn đầu các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung. Chất lượng giống thuỷ sản sản xuất trong tỉnh được đánh giá cao không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp lượng giống khá lớn cho các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung.
Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ phối hợp với Trạm Khuyến nông Thanh Thủy và Công ty TNHH Dekalb Việt Nam thực hiện mô hình trồng ngô mật độ cao trên diện tích 3 ha. Mô hình trồng thử nghiệm giống ngô DK8868, với khoảng cách hàng cách hàng 60-65 (cm), cây cách cây 20-25 (cm) kết hợp bón phân NPK khép kín, mật độ 6,5-7 vạn cây/ha.