Tỷ Phú Gà Lương Phượng Ở Hà Nội
Vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tìm tới trang trại gà siêu trứng của ông Đôn Đức Hùng tại Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ một người tàn tật, giờ đây ông Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.
Với diện tích chỉ 3.000 m2, ông Hùng nuôi gần 5.000 gà siêu trứng. Chỉ tính riêng tiền trứng, mỗi ngày ông thu về trên 1 triệu đồng. Nếu tính cả thu nhập từ bán gà giống, mỗi năm trang trại gà mang về cho gia đình ông hơn 300 triệu đồng tiền lãi.
Ông Hùng cho biết, do có ý tưởng ấp ủ một trang trại gà nên từ năm 1992, ông đã tận dụng phần diện tích nhỏ trong vườn để nuôi gà. Nhận thấy nhu cầu của người dân về giống gà và nhu cầu sử dụng trứng làm thức ăn, ông quyết định phát triển đàn gà theo quy mô trang trại, vừa cung cấp giống, vừa bán trứng. Năm 2002, ông đầu tư 2 tỷ đồng, đấu thầu 3.000 m2 để xây dựng chuồng trại và mua giống gà Lương Phượng siêu trứng. Một trại gà hoàn chỉnh được ông Hùng thiết kế từ chuồng nuôi đến việc tự làm mưa nhân tạo trên mái, cửa hút ánh sáng, chuồng riêng cho gà đẻ trứng… "Tôi thấy thiết kế như vậy vừa chống nóng cho gà tốt, vừa đỡ được điện, lại tạo được sự thông thoáng, giúp đảm bảo tốt môi trường sống của đàn gà", ông Hùng nói.
Mấy chục năm trước, không ai có thể tưởng tượng cậu bé bại liệt ngày nào, giờ có thể trở thành tỷ phú. Vượt lên số phận, ông tự thiết kế một chiếc xe ba bánh phù hợp với cơ thể bệnh tật của mình. Với chiếc xe tự chế, ông Hùng từng lên tận Lạng Sơn để làm ăn, buôn bán. Nhưng sau những đợt đi ngược về xuôi, cái nghề mà ông lựa chọn và gắn bó lại là nuôi gà Lương Phượng. Hơn một chục năm gắn bó với con gà, có lẽ thời điểm ông Hùng nhớ nhất là năm 2003 - 2004.
Dịch cúm gia cầm ập đến, trứng không tiêu thụ được và bị hỏng. Năm ấy, hơn 200 triệu đồng đội nón ra đi, trong khi ông vẫn còn nợ nần chồng chất từ hồi đầu tư trang trại. Nhưng khi dịch qua đi, đàn gà của ông Hùng không nhiễm bệnh, nhờ đó trứng và giống lại bán chạy. Cứ đều đều 400 triệu đồng tiền lãi một năm, ông trả được nợ, và đến giờ, còn tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, với mức lương trung bình 2 triệu đồng/tháng.
Đến giờ, trại gà của ông Hùng chưa một lần bị dịch cúm. Đó là vì ông luôn tìm hiểu và áp dụng các biện pháp khoa học. Nhưng không giữ làm bí quyết riêng cho mình, ông Hùng còn sẵn sàng chia sẻ với bất cứ ai tìm đến trang trại để trao đổi kinh nghiệm.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) được chọn triển khai tại 9/9 xã trên toàn địa bàn huyện cho 5.423 hộ dân, trong đó có 3.618 hộ nghèo và 570 hộ cận nghèo. Gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bác Ái xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị trong chăn nuôi và nông sản hàng hóa từ lợi thế sẵn có của địa phương.
Đợt thử nghiệm đầu tiên trồng 200 gốc đu đủ trên đất ruộng, anh Trương Văn Hiền ở tổ 3, ấp 2, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã thu kết quả không ngờ. Bình quân mỗi cây cho trên 60 kg, giá trung bình 4.000 đồng/kg, anh thu về gần 50 triệu đồng. “Thừa thắng xông lên”, năm 2009 anh tiếp tục mở rộng diện tích 0,7ha, trồng 1.700 cây đu đủ và hiện cây sắp đến ngày thu hoạch…
Phát triển chăn nuôi gia súc liên kết đang là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi đơn lẻ. Nhận thức rõ vấn đề này, HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hùng Cường, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã xây dựng hiệu quả mô hình sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng, cải thiện đời sống cho người dân.