Từ Tổ Đội Đến Nghiệp Đoàn Nghề Cá
Mấy năm gần đây, cụm từ “tổ đội đánh bắt” được bổ sung vào “từ điển” của ngành hải sản. Nó như “cú hích” cho ngành hải sản, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển trong thời khốn khó và đầy bất trắc. Những tổ đội này ban đầu được thành lập ở Đà Nẵng rồi nhân ra Quảng Nam, Quảng Ngãi… và đến nay nhiều địa phương miền Trung áp dụng như một điển hình trong hoạt động đánh bắt xa bờ.
Tỷ phú từ tổ đội
Không phải ngẫu nhiên mà người dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) gọi ông Phong là tỷ phú ngư dân. Tên đầy đủ của ông là Trương Phong (57 tuổi), chủ của 6 tàu hành nghề giã cào xa bờ, tổng công suất 2.680 CV, là tổ đội mang số 25 của xã Nghĩa An. Giọng hào sảng, ông kể: “Lâu nay chúng tôi đánh bắt các vùng biển xa thường kéo dài trên 30 ngày, bốn tàu trực tiếp tham gia đánh bắt, hai tàu còn lại thay nhau vận chuyển hải sản. Làm như vậy vừa giữ được hải sản tươi và hiệu quả đánh bắt cũng cao hơn”. Dù bây giờ tuổi đã cao, không trực tiếp tham gia cùng anh em bạn tàu bám biển nhưng thông qua máy I-com tại nhà, ông chỉ huy các tàu đánh bắt tiến vào ngư trường nào, gặp luồng nước nào thì có cá… Vậy nên, mùa biển nào đội tàu của ông cũng bội thu. Theo tính toán sơ bộ, mùa đánh bắt năm 2011 ông thu về gần 1,5 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí và trả tiền công cho 45 lao động.
Ở xã Nghĩa An, Nghĩa Phú của huyện Tư Nghĩa, không chỉ có tổ đội của ông Phong mà đã có 31 “Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển” được thành lập, với 214 tàu, 199 tổ viên, gồm 1.984 lao động. Tổ sản xuất có từ 8 - 10 thành viên là các chủ tàu; đội sản xuất có từ 3 - 4 thành viên. Khi sản xuất trên biển, từng tổ một có sự thỏa hiệp khai thác trong cùng ngư trường. Trong tổ sẽ chia sẻ những thuận lợi trong quá trình đánh bắt như thông báo cho nhau về luồng cá, ngư trường, kinh nghiệm đánh bắt...; đồng thời giúp đỡ khi gặp khó khăn như tàu bị hư hỏng, hết nhiên liệu, bị thiên tai... Hàng năm từng thành viên trong tổ tự nguyện đóng góp 1 triệu đồng tiền quỹ. Số tiền này sẽ hỗ trợ cho tàu của thành viên nào gặp khó khăn, hư hỏng để sửa chữa, mua sắm thêm ngư lưới cụ.
Cần quy trình khép kín
Nghề biển - tiếng là hưởng lộc từ biển nhiều nhưng người “mang của biển về làm giàu” như ông Trương Phong quả là hiếm. Bởi lẽ, với ngư dân miền Trung, bám biển là cái nghiệp. Mà đã là nghiệp thì không thể bỏ chứ làm giàu từ biển thì ít mà trả giá cho biển lại quá nhiều.
Vừa trở về sau chuyến hành nghề lưới vây trúng lớn tại vùng biển Hoàng Sa, tàu ĐNa 90323 (340CV) của anh Lê Dũng (Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) cùng 3 tàu khác trong tổ đội đánh bắt số 9 lại chuẩn bị cho chuyến biển mới. Tổ đội đánh bắt số 9 có 7 tàu thành viên, công suất từ 160CV đến 500CV chủ yếu hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyến đi vừa qua gần nửa tháng nhưng tàu anh Dũng đánh bắt gần 15 tấn cá ngừ.
Thấy trúng luồng cá, anh Dũng liên lạc với tàu ĐNa 90052 của anh Lê Văn Tiến (Xuân Hà, Thanh Khê) cùng tổ đánh bắt qua I-com để cùng đánh bắt. Chuyến biển này, mỗi tàu thu được khoảng 250 triệu đồng. Anh Dũng cho biết: Chuyến đi như thế được coi là thành công nhưng nay chi phí lớn quá vì cái gì cũng cao nên dư chẳng được bao nhiêu. 12 ngày, hơn 20 người và hai tàu thu được khoảng 500 triệu nhưng trừ chi phí, tiền chia cho bạn… mỗi tàu chỉ được gần 40 triệu đồng, chưa tính lãi suất ngân hàng, hao mòn tàu. Theo anh Dũng, tàu chỉ có 4 hầm, mỗi hầm chỉ chứa được 4 tấn cá nên đầy hầm phải quay vào bờ ngay mặc cho có trúng luồng cá hay không. Mỗi lần như thế vừa mất chi phí cả chục triệu đồng vừa tốn thời gian đi lại.
Hiệu quả của tổ đội đánh bắt xa bờ hiện là không thể phủ nhận. Nếu so với trước đây, sau khi thành lập các tổ đội đánh bắt thì đời sống ngư dân khá giả hơn, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa xây dựng quy ước hoạt động cụ thể hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên nhiều tổ đội hoạt động theo kiểu tùy thích. Bên cạnh đó, hạn chế hiện nay đó là ngành thủy sản cũng như các địa phương chưa tạo được quy trình khép kín từ khâu đánh bắt, thu mua và tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy mặc dù sản lượng đánh cá ngày càng tăng, số lượng tàu vươn khơi ngày càng nhiều nhưng đời sống ngư dân vẫn chưa khá lên được vì chi phí còn quá lớn.
Ở Quảng Ngãi, ngoài việc ra đời các tổ đội đánh bắt, một Nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trong cả nước được thành lập thí điểm ở Lý Sơn, gồm 35 tàu cá với 428 ngư dân cùng nhau liên kết, tương trợ trên biển những lúc gặp thiên tai hoặc bị tàu nước ngoài đe dọa.
Ông PHAN HUY HOÀNG, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi:
"Bên cạnh việc thành lập tổ đội, nghiệp đoàn đánh bắt, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu xây dựng và phát triển 10 hợp tác xã (HTX) dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xung quanh các cửa biển của tỉnh như Sa Cần, Sa Kỳ, Cửa Đại, Mỹ Á, Sa Huỳnh nhằm cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, tổ chức các dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ để chủ động khai thác và tránh được việc ép giá từ các đầu nậu. Như vậy, hiệu quả đánh bắt mới cao, người tham gia trực tiếp đánh bắt mới thực sự có lợi".
Có thể bạn quan tâm
Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng dự báo trong tháng 3/2013 với nhiệt độ ban ngày cao, ban đêm xuống thấp, ẩm độ cao... sẽ dễ xuất hiện bệnh rụng lá và bệnh phấn trắng trên hầu hết diện tích cao su của tỉnh Lâm Đồng và có nguy cơ phát triển thành dịch. “Thủ phạm” chính gây bệnh được xác định là do nấm Oidium Haver Hypomyces.
Trước nguy cơ cây xạ đen bị khai thác cạn kiệt ở những khu rừng già, trong xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sau nhiều năm canh tác trên các thửa ruộng khô nước, ông Sơn quyết định làm lễ "kết duyên" cây xạ đen với mảnh đất quê mình.
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi con đặc sản, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội triển khai thí điểm mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trên địa bàn huyện Đan Phượng.