Giá / Mô hình kinh tế

Tu Hài Cát Bà Chết Hàng Loạt, Người Nuôi Thủy Sản Lao Đao

Tu Hài Cát Bà Chết Hàng Loạt, Người Nuôi Thủy Sản Lao Đao
Tác giả: 
Ngày đăng: 10/06/2012

Những năm gần đây, nhiều người nuôi thủy sản ở Cát Bà (huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng) ăn nên làm ra nhờ con tu hài. Tuy nhiên, thời gian gần đây bỗng tu hài có triệu chứng teo vòi, bỏ ăn rồi chết hàng loạt không rõ nguyên nhân khiến người dân điêu đứng.

Thiệt hại lớn

Vịnh Lan Hạ, nơi tập trung khá nhiều số bè nuôi cá lồng và tu hài trên biển của bà con ngư dân trên đảo Cát Bà. Hiện tại đây đã có tới 267 bè với hàng triệu khay lồ nuôi tu hài của bà con ngư dân. Con giống tu hài được ươm nuôi trong các khay lồ bằng nhựa, chứa cát. Mỗi khay lồ được ươm từ 25 đến 35 tu hài giống. Các khay lồ thả trong nước biển và có dây buộc neo với bè nổi trên vịnh bằng các cục xốp lớn.

Ngồi thẫn thờ trên bè gần cửa vụng Tùng Gấu, mắt nhìn ra vịnh xa xăm, buồn bã, ông Nguyễn Văn Hường, 65 tuổi, ở xã đảo Việt Hải (Cát Hải) nói như mếu: Gắn bó với nghề biển nơi đây từ năm 1990, lúc đầu thì chài lưới, rồi chuyển nuôi cá lồng từ năm 2001. Ba năm trở lại đây, phong trào nuôi tu hài phát triển mạnh. Năm đầu, vợ chồng ông dành hết số tiền kiếm được để đầu tư 400 triệu đồng mua gỗ, phao, dây, khay lồ và con giống nuôi gần 4.000 khay lồ tu hài. Năm sau lại đầu tư tiếp 600 triệu đồng nuôi tu hài, thu về gần một tỷ đồng. Số vốn này, ông lại đầu tư tiếp 10 nghìn khay lồ nuôi tu hài với hy vọng thu về ngót ba tỷ đồng trong năm nay. Thế nhưng, tu hài chưa kịp xuất bán đã đổ bệnh, chết hàng loạt. Thế là ngôi nhà ở quê mới xây xong phần móng mà vợ chồng ông dự định hoàn tất để nghỉ lúc tuổi già sau khi thu hoạch lứa tu hài này đành gác lại...

Ở gần đó, bè nuôi có số lượng ít của anh Trần Văn Cường, 28 tuổi, trú tại tổ 10 khu 2, thị trấn Cát Bà cũng có tới 1.300 khay lồ với số vốn đầu tư khoảng 130 triệu đồng. Nếu suôn sẻ, thu hoạch sẽ được khoảng 300 triệu đồng. Nhưng khi bệnh dịch lây lan, anh đành bán vội thu về vỏn vẹn hai chục triệu đồng. Nay đành phải đi thả lưới bắt cá, bắt cùm cùm (một loại giống cua, nhưng hai càng to và cứng hơn nhiều) để bán lấy tiền nuôi gia đình. Anh cho biết, bè nuôi của bố anh - ông Trần Văn Dũng, có số khay lồng gấp mười lần của anh cũng trong tình trạng tương tự. Hơn một tỷ đồng cùng với bao công sức vất vả của gần năm trời đành trôi theo nước biển mặn chát.

Không riêng gì hộ ông Hường, anh Cường, ông Dũng, gần ba trăm bè nuôi tu hài trên Vịnh Lan Hạ cũng đều trong tình trạng như vậy. Ông Hường chỉ hàng loạt bè nuôi trơ trọi, vắng bóng người trên vịnh. Hàng chồng khay lồ cát để nuôi tu hài đã được kéo lên khỏi biển, chất đống trên các bè. Nhiều khay lồ mới được kéo lên, mùi tu hài chết bốc ra khăn khẳn. Theo ước tính, có tới gần trăm bè nuôi có vốn đầu tư từ một đến ba tỷ đồng, khoảng 70 bè nuôi nhỏ hơn đầu tư từ 100 đến 500 triệu đồng. Nếu tính thiệt hại sau thu hoạch phải đến trăm tỷ đồng - ông Hường khẳng định. Những khay lồ tu hài chưa nhiễm bệnh, nhưng cũng phải thu hoạch sớm dù chưa đủ lớn, sợ tu hài chết không kịp thu hoạch. Ðã thế, số tu hài này còn bị ép giá, khiến người nuôi càng thêm thiệt hại...

Cần sự vào cuộc của các ngành chức năng

Tu hài chết hàng loạt, người nuôi lao đao, nhưng điều đáng nói là đến nay, họ cũng không biết vì sao tu hài lại chết? Cách đây khoảng sáu, bảy tháng, tu hài bắt đầu chết rải rác, sau đó lan nhanh trên diện rộng. Nhiều người nuôi rơi vào tình cảnh khó khăn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc phát triển các bè nuôi tu hài trên Vịnh Lan Hạ phần lớn do tự phát. Một số người nuôi tu hài trong những năm đầu thấy có lãi, mọi người tự phát triển theo mà không theo quy hoạch hoặc hướng dẫn kỹ thuật nào. Việc phát triển bè nuôi một cách tự phát, kèm theo đó là rác thải sinh hoạt, các nhà vệ sinh trên bè, dư lượng thức ăn của các bè nuôi cá... đang khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường trong vùng vịnh gia tăng. Cùng với đó là con giống tu hài và nhiều giống thủy sản khác không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng và dịch bệnh, quy trình kỹ thuật nuôi tu hài cũng không được hướng dẫn thấu đáo... được xem là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tu hài chết hiện nay.

Việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển là hướng đi đúng của bà con ngư dân nhằm khai thác và phát triển nguồn tài nguyên biển, tăng sản phẩm xã hội, làm giàu cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi tu hài và các bè nuôi tu hài một cách tự phát tràn lan như hiện nay trên Vịnh Lan Hạ lại thiếu sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng không chỉ dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi. Nghiêm trọng hơn, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang không ngừng gia tăng trên biển Cát Bà.

Có thể bạn quan tâm

Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL; song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

10/06/2012
Thả Gần 60kg Cá Giống Vào Hồ Thủy Điện Sông Ba Hạ Ở Phú Yên Thả Gần 60kg Cá Giống Vào Hồ Thủy Điện Sông Ba Hạ Ở Phú Yên

Sáng 26/4, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thả gần 60kg cá giống (tương đương khoảng 12.500 con) vào hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhằm tái tạo các loại cá giống nước ngọt tại địa phương, với các loại cá trê, lóc, chép, trắm cỏ, rô đồng…

10/06/2012
Bí Đỏ Thiệt Hại Kép Ở Xuân Đông (Đồng Nai) Bí Đỏ Thiệt Hại Kép Ở Xuân Đông (Đồng Nai)

Cây bí đỏ đã bén rễ đất Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) được hơn 10 năm. Nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ loại cây này, nhưng có lẽ đây là năm đầu tiên người trồng bí bị mất giá lẫn thất mùa.

10/06/2012