Giá / Tin nông nghiệp

Từ "chuối nghĩa tình" đến "chuối bền vững"

Từ
Tác giả: Hải Quân
Ngày đăng: 17/03/2017

Chiến dịch “chuối nghĩa tình” trong thời gian qua đã phát huy tác dụng, giúp nông dân có nguồn tiêu thụ khi giá chuối gần như “chạm đáy”. Tuy nhiên, đây là giải pháp mang tính nhân văn, hỗ trợ tạm thời chứ chưa thể giải quyết được tận gốc đầu ra cho bà con nông dân.

Trong ảnh: Công nhân của Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam dán nhãn chuối xuất khẩu sang Hàn Quốc tại nông trại của công ty ở huyện Xuân Lộc.

Do đó, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cần có những định hướng, biện pháp phát triển lâu dài, bền vững cho cây chuối để không còn phải “giải cứu” chuối bằng những chiến dịch “chuối nghĩa tình” trong tương lai.

* Hướng tới chuỗi cung ứng

Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư, việc phát triển chuối bền vững cần có lộ trình và chủ trương cụ thể, lâu dài. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương rà soát lại diện tích trồng chuối, lập ra quy trình sản xuất sạch, hình thành cánh đồng lớn và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước, xuất khẩu để tìm được đầu ra ổn định; đồng thời nâng cao việc dự báo, đánh giá về thị trường với cây chuối nói riêng và các loại nông sản, thực phẩm khác nói chung.

Bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, bày tỏ: “Muốn chuối phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, việc trước hết là hướng tới xây dựng những cánh đồng mẫu lớn với số lượng chuối tập trung.

Trong đó, cần hướng dẫn, tổ chức cho nông dân trồng và thu hoạch khoa học theo dạng “gối đầu”, đảm bảo cung cấp đủ lượng chuối tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng dồn hàng, ứ hàng như thời gian qua”.

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp tiêu thụ chuối bền vững giúp nông dân Đồng Nai” diễn ra vào đầu tháng 3 tại TP.Hồ Chí Minh, ông Đỗ Long, Chủ nhiệm câu lạc bộ Quản trị - khởi nghiệp, nhận định: “Nông dân hiện vẫn làm theo phong trào mà không nghiên cứu thị trường. Khi thị trường có biến động thì nông dân rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Vì vậy, về lâu dài vẫn cần có biện pháp bền vững, tìm thị trường đầu ra. Nông dân cần có một kênh tập trung, kết nối với các doanh nghiệp”.

TS.Phạm Thanh Duy, Phó giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn - Saemaul Undong (thuộc Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), cho rằng chính quyền địa phương và nông dân nên nghĩ tới việc tạo dựng thương hiệu cho cây chuối.

Theo đó, nông dân nên kết hợp các nhóm nhỏ lại với nhau, tránh phát triển tự phát và đặt ra những tiêu chí, quy chuẩn trong trồng trọt, công khai chất lượng chuối, đảm bảo không được tự ý tăng giá, đảm bảo hợp đồng dưới sự hỗ trợ và giám sát của nhà nước. Từ đó, phát triển chuỗi cung ứng cho sản phẩm chuối.

Ngoài xuất khẩu, có thể đưa chuối vào các bếp ăn công nghiệp, cơm trưa văn phòng, các cửa hàng tiện lợi trong nước... Đây cũng là một hướng đi có triển vọng trong tương lai.

* Đa dạng thị trường xuất khẩu

Muốn chuối già hương có đầu ra ổn định, không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như thời gian vừa qua, nông dân cần thay đổi tư duy canh tác, xây dựng mô hình trồng và thu hoạch chuối đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính hơn, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ…

Ông Son Young Wan, đại diện của Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam (chi nhánh TP.Hồ Chí Minh), người đã gần 10 năm “chìm nổi” với cây chuối già hương, cho biết: “Thổ nhưỡng của Đồng Nai khá phù hợp để trồng chuối. Nông dân ở đây luôn được đánh giá cao bởi sự cần cù, ham học hỏi. Đó là những lợi thế của địa phương".

Tuy nhiên, cũng theo ông Son Young Wan, nông dân cần có định hướng rõ ràng và kiên trì với mô hình phát triển, tập trung xây dựng thành cánh đồng lớn, đảm bảo đúng quy trình từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch mới phát huy được những thế mạnh đó.

Ông cho biết, hiện, thị trường Hàn Quốc đang có nhu cầu về chuối rất lớn nhưng muốn vào được thị trường này, nông dân cần tuân thủ các yêu cầu khắt khe về kích thước, chất lượng, vệ sinh thực phẩm và thẩm mỹ cho từng trái chuối.  

Bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh xác định, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ cùng với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tham mưu với lãnh đạo tỉnh tổ chức hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cho nông dân tham khảo những mô hình, phương thức sản xuất mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tìm đầu ra lâu dài cho cây chuối.

"Tuy nhiên, nông dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, thay đổi tư duy canh tác hiện đại và giữ được lập trường, uy tín để tiếp tục phát triển cây chuối và tiến tới việc xuất khẩu vào những thị trường khó tính” - bà Hằng chia sẻ.

Ông Phạm Khắc Cước, nông dân trồng chuối lâu năm ở xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), bày tỏ: “Qua việc đi thực tế, tham khảo mô hình trồng chuối xuất khẩu đi Hàn Quốc, tôi vỡ lẽ ra được nhiều điều, đặc biệt là việc tư duy trồng chuối theo hướng xuất khẩu và những kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch chuối đạt hiệu quả cao, hạn chế tối đa hao hụt”.


Có thể bạn quan tâm

Đoạn trường gom đất của các tỷ phú Đoạn trường gom đất của các tỷ phú

Để trở thành những tỷ phú, “điền chủ” như ngày hôm nay, những “siêu” nông dân đó đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, cũng như phải chịu đựng những dị nghị

17/03/2017
Gạo VietGAP, sao lại đóng bao bì mang tên hữu cơ? Gạo VietGAP, sao lại đóng bao bì mang tên hữu cơ?

Không khó nhận thấy trên thị trường có nhiều loại gạo được đóng bao bì mang tên hữu cơ nhưng chỉ đạt chứng nhận VietGAP. Điều này ngỡ vô lý

17/03/2017
Chợ đầu mối nông sản sạch đầu tiên của Đồng Nai Chợ đầu mối nông sản sạch đầu tiên của Đồng Nai

Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây tại xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) sẽ đi vào hoạt động. Đây là chợ đầu mối nông sản đầu tiên của tỉnh

17/03/2017