Trồng Xà Lách Xoong Thu Nhập Cao

Huyện Bình Minh (Vĩnh Long) là nơi trồng nhiều xà lách xoong nổi tiếng khắp vùng ĐBSCL. Ông Phạm Văn Thịnh, ở ấp Đông Thuận, xã Long Đình trồng 2 công xà lách xoong đang thu hoạch cho biết: Mỗi công thu hoạch được khoảng 300kg/vụ. Giá xà lách xoong thường xuyên biến động, đắt nhất là từ tháng 11 đến tháng giêng, giá khoảng 20.000 – 30.000đ/kg.
Xà lách xoong hiện nay thu hoạch bao nhiêu thương lái đến tận ruộng thu mua hết. Hai công xà lách xoong của ông trừ hết chi phí lãi trên 60 triệu đồng/năm. Có người nói xà lách xoong là loại rau “nắng không ưa mưa không chịu” nên người trồng phải đầu tư nhiều vốn liếng hơn so với các loại rau ăn lá khác.
Trồng xà lách xoong phải đào nhiều mương lấy nước và thoát nước. Nhất là việc lên liếp, làm giàn lưới che và lắp đặt hệ thống phun tưới bằng máy thay vì tưới tay. Xà lách xoong trồng được quanh năm, tốt nhất là tháng 11 và 12 vì thời điểm này trời mát, năng suất cao. Trung bình một ngày tưới khoảng 4 cữ nước.
Chị Ngô Thị Tươi ở xã Thuận An, huyện Bình Minh trồng 5 công xà lách xoong cho biết: Từ khi mở lộ làm cầu Cần Thơ diện tích đất làm ruộng bị thu hẹp lại. Vì vậy 2 năm nay chị chuyển sang trồng xà lách xoong, năm được giá cao lãi gần 100 triệu đồng. Hiện nay giá xà lách xoong đang ở mức 30.000 đồng/kg, thương lái vào tận ruộng thu mua. 5 công xà lách đang thu hoạch năng suất từ 300-400 kg/công.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bình Minh: Hiện nay, tại xã Long Đình, mỗi ngày nông dân thu hoạch từ 3 - 4 tấn rau tươi xuất đi TP.HCM và các tỉnh. Riêng tại xã Thuận An đã có 2 Tổ hợp tác sản xuất rau màu với tổng diện tích trên 23 ha, sản lượng hằng năm khoảng 1.400 tấn, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 200 lao động. Trồng xà lách xoong tuy nhọc nhằn nhưng thu nhập cao, ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Công ty TNHH Thái An (tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn - Bình Định, viết tắt là Công ty Thái An), chuyên nuôi gà thương phẩm và gà giống vừa đầu tư 2 dây chuyền tự động tải thức ăn nuôi gà. Hệ thống được lập trình sẵn, giúp giảm nhiều lao động, tăng lợi nhuận cho người nuôi gà theo phương thức công nghiệp.

Anh Nguyễn Đức Dũng (51 tuổi) ở thôn Tân Quang, xã Sông Phan, Hàm Tân (Bình Thuận) đã đưa gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng với mô hình trồng hồ tiêu trên trụ cây cóc rừng.

Ông Trần Bữu Hoàng, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm lên đến hàng trăm triệu đồng.