Giá / Mô hình kinh tế

Trồng rau nhút kiếm 300 triệu đồng/năm

Trồng rau nhút kiếm 300 triệu đồng/năm
Tác giả: Thành Hiệp
Ngày đăng: 08/07/2017

Rau nhút còn có tên rau rút đang được trồng phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cây mọc nổi trên mặt nước nên phát triển rất nhanh.

Ông Phan Văn Sỏi bên ruộng rau nhút

Ông Phan Văn Sỏi ở ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long cho biết: Bà con thả rau nhút quanh năm trên các mặt ao hồ hoặc trên ruộng có đắp đê giữ nước. Riêng ở những nơi bãi bồi phải đợi đến mùa nước nổi mới bắt đầu thả. Trước khi thả bà con dọn bãi, cắm cọc, phân lô để xuống giống. Người trồng nhiều vài ba công, ít nhất cũng vài trăm mét vuông. Trong mùa khô hạn, bà con tận dụng các mặt ao hồ có sẵn để thả.

Cách trồng rau nhút cũng khá đơn giản. Chọn những gốc rau khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, buộc đều khoảng vào những cây trúc hoặc sậy để giữ không cho trôi mất. Sau 30 ngày, rau sẽ phát triển, bò lan khắp mặt nước.

Riêng đối với ông Sỏi, qua nhiều năm canh tác, ông đã rút ra một bài học kinh nghiệm bằng cách dùng cọc nhựa để cắm giữa dề rau nhút, bình quân cứ 2m2 cắm 1 cây (1 công cần 200 cây). Sau đó ông buộc phần gốc của cọng rau nhút vào thân cọc. Khi nào phần gốc già, ông sẽ cắt bỏ cho lên bờ, phần ngọn cứ thế tiếp tục phát triển. Nhờ vậy mà dề rau nhút cứ phát triển, không cần phải trồng lại.

Ông Sỏi hiện có 6 công ruộng thả rau nhút trong bờ bao. Ông cho biết, rau nhút dễ trồng, ít bị rủi ro về giá cả nhưng muốn cho năng suất cao phải nắm vững quy trình kỹ thuật, nhất là khâu cắm cọc giữ cho rau không trôi giạt và xử lý phân, thuốc sao cho an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu trồng đúng kỹ thuật, môi trường nước sạch, chỉ sau 1 tháng là bắt đầu thu hoạch. Bộ phận sử dụng của rau nhút là thân, lá và đọt.

Thu mua rau nhút

Với nhiều năm kinh nghiệm, ông đã biết cách chăm sóc, biết cách xử lý môi trường nước giúp cho ao rau nhút phát triển quanh năm, mùa nào cũng có thu hoạch. Cứ nửa tháng cắt một lần, mỗi lần cắt một phần diện tích nên thu hoạch thường xuyên, bình quân mỗi lần cắt được 200 - 300kg rau tươi, giá dao động từ 13.000 - 15.000đ/kg. Đối với mùa nghịch, giá tăng gấp rưỡi. Rau cắt xong bó lại từng bó 1kg trước khi giao hàng.

Ông Sỏi cho biết với 6.000m2 rau nhút, bình quân mỗi tháng ông thu nhập trên 30 triệu đồng, trừ hết các chi phí gồm phân, thuốc và công lao động còn lời khoảng 25 triệu đồng. So với trồng lúa lợi nhuận cao gấp 6 lần.

Được biết ông là người đầu tiên đưa rau nhút về trồng ở địa phương. Thấy mô hình trồng rau nhút của ông mang lại hiệu quả cao nên nhiều nhà hàng xóm cũng hưởng ứng. Tính đến nay ấp Hồi Trinh có đến 8 hộ trồng rau nhút trên diện tích 3ha, hộ nào cũng ăn nên làm ra.

Ông Sỏi chia sẻ, trồng rau nhút cực hơn bất cứ loại rau nào khác vì phải thường xuyên có mặt trên ruộng nước để tưới phân, theo dõi sâu bệnh, chăm sóc từng cọng rau. Tới ngày thu hoạch cần đến 5 - 6 người cắt và 2 - 3 người cột trước khi giao hàng. Tuy nhiên đầu ra ổn định vì rau nhút ngày càng được nhiều người ưa chuộng.  

Sơ chế rau nhút


Có thể bạn quan tâm

Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng đinh lăng 'sạch' Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng đinh lăng 'sạch'

Chúng tôi tìm về xã Nghĩa Thắng, nơi được mệnh danh là vựa đinh lăng lớn nhất của huyện Nghĩa Hưng với khoảng 400 hộ tham gia trồng cây dược liệu quý hiếm này.

08/07/2017
Thầy giáo Mường nuôi lợn bán hoang dã thu 800 triệu mỗi năm Thầy giáo Mường nuôi lợn bán hoang dã thu 800 triệu mỗi năm

Mỗi năm xuất chuồng 600 con, thu hơn 800 triệu đồng, trang trại lợn bán hoang dã của thầy giáo người Mường mang lại hiệu quả kinh tế cao.

08/07/2017
2ha bưởi da xanh cho thu nhập hơn 3 tỷ mỗi năm 2ha bưởi da xanh cho thu nhập hơn 3 tỷ mỗi năm

Ông Nguyễn Xuân Long ở Khánh Hòa áp dụng mô hình VietGAP cho khoảng 2 ha bưởi da xanh, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.

08/07/2017