Trồng Rau Muống Lấy Hạt Có Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất và kinh doanh giỏi, Hội Nông dân xã Hiệp Xương (An Giang) có nhiều giải pháp tập trung thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng lợi nhuận và nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, mô hình “Trồng cây rau muống lấy hạt” là một trong những điển hình của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân.
Nhiều năm nay, nhờ đột phá chuyển đổi cây trồng, từ 3 vụ nếp/năm, Hiệp Xương đã có trên 100 héc-ta đất chuyển sang trồng 2 vụ nếp và 1 vụ trồng rau muống lấy hạt. Đây được xem là mô hình sản xuất hiệu quả, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nông dân. Ông Lê Văn Kịch (sáu Kịch), Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau muống lấy hạt Hiệp Xương cho biết, ban đầu chỉ có một vài hộ trồng tự phát, đến nay toàn xã có gần 40 hộ tham gia, với diện tích trên 100 héc-ta.
Vụ đông xuân 2012 - 2013 vừa qua, ông sáu Kịch thu hoạch được 1 héc- ta rau muống lấy hạt, năng suất đạt 3,5 tấn hạt, thương lái mua với giá 3.100đ/kg, trừ tất cả chi phí sản xuất, ông sáu Kịch còn lời khoảng 50 triệu đồng/héc-ta. Ông sáu Kịch khẳng định: “Trồng 1 công rau muống lấy hạt lời gấp 3 lần trồng 1 công lúa. Trong thời điểm thu hoạch, nếu không bị kẹt đồng vốn, nếu có điều kiện để hạt trữ lại đến tháng 7, tháng 8 âm lịch sẽ bán được giá hơn”.
Ông sáu Kịch cho biết thêm, rau muống rất dễ trồng. Tuy nhiên, mùa mưa thường bị nhiễm sâu bệnh, còn mùa khô rau muống phát triển hơn. Do vậy, nông dân thường trồng rau muống lấy hạt vào vụ đông xuân, kỹ thuật khá đơn giản, khâu làm đất tương tự xới đất trồng lúa, có thể sạ hoặc cấy. Song, chỉ khác là phải cấy thành hàng, mỗi cây cách nhau khoảng 3 tấc – 4 tấc (hồi trước người trồng rau muống thường gieo sạ), lúc có chiều cao khoảng một gang tay thì mới được mang ra cấy. Áp dụng kỹ thuật cấy, rau muống lấy hạt năng suất sẽ cao hơn so với sạ và xử lý cỏ dại dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Tráng (ấp Hiệp Trung, xã Hiệp Xương) thực hiện mô hình “2 vụ nếp + 1 vụ rau muống lấy hạt” được hơn 7 năm. Vụ đông xuân 2012 - 2013, ông trồng 1 héc-ta rau muống lấy hạt, sau khi thu hoạch và trừ chi phí, thu lãi trên 40 triệu đồng. Ông Tráng còn khoe, nếu trồng 1 vụ rau muống lấy hạt thu hoạch xong, tiếp tục trồng 2 vụ nếp hè thu và thu đông tiếp theo, chi phí trồng nếp cũng giảm đi rất nhiều.
Ông sáu Kịch nhấn mạnh, tuy dễ trồng nhưng nông dân cũng phải học hỏi để hiểu biết cụ thể về kỹ thuật canh tác, nhất là từ khâu cải tạo đất, vun liếp và tạo rãnh thoát nước ứng phó thời tiết có thể xảy ra. Điều quan trọng hơn, người trồng rau muống lấy hạt cần theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, từng giai đoạn phát triển, đến lúc thu hoạch… để phòng trừ sâu bệnh, tạo cho hạt khô, chắc, đáp ứng yêu cầu thị trường và người sản xuất.
Rau muống từ khi gieo hạt, cấy cây con đến lúc thu hoạch, thời vụ kéo dài khoảng 120 ngày. Còn anh Nguyễn Minh Trí (ấp Hiệp Trung, xã Hiệp Xương) bộc bạch: “Vụ đông xuân 2012 - 2013, tôi trồng 18 công rau muống lấy hạt, lợi nhuận mang lại gấp 3 lần trồng lúa. Sắp tới, tôi vẫn tiếp tục thực hiện mô hình trồng 2 vụ nếp và 1 vụ rau muống lấy hạt”.
Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng ấp Hiệp Trung, để hỗ trợ cho nông dân trồng rau muống lấy hạt, UBND xã Hiệp Xương đã quyết định thành lập tổ hợp tác chuyên canh, giúp bà con nông trao đổi kỹ thuật canh tác sản xuất và thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đúng chu kỳ lấy hạt, người nông dân Hiệp Xương mới cắt thân cây để phơi từ 15 ngày đến 20 ngày cho héo cây rồi thu gom, đem suốt lấy hạt và sàng làm sạch trước khi bán cho thương lái. Hiện nay, nông dân Hiệp Xương trồng rau muống lấy hạt, chủ yếu sử dụng giống rau muống do thương lái mang từ nơi khác đến bán. Rau muống lấy hạt có 2 loại giống (thân cây tím và thân cây trắng), giống được bà con nông dân nơi đây ưa chuộng và trồng phổ biến trong những năm qua là giống thân tím.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân cho hay, quỹ “Hỗ trợ nông dân” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã thẩm định dự án hỗ trợ cho 20 nông dân trồng cây rau muống lấy hạt, với tổng vốn trên 600 triệu đồng. Theo Hội Nông dân xã Hiệp Xương, vụ đông xuân 2013 - 2014, nông dân trồng rau muống lấy hạt ở đây cũng sẽ liên kết với doanh nghiệp để trồng thí điểm giống rau muống thân trắng và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng ký kết.
Có thể bạn quan tâm
Có những lúc tưởng chừng đang đi bên bờ vực thẳm, vậy mà cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành đã vượt qua. Giờ đây anh là ông chủ của một trang trại rộng gần 6 mẫu với thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.
Vụ mùa năm nay, huyện Sơn Dương gieo cấy hơn 6.200 ha lúa. Ngay từ đầu vụ huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện làm đất đảm bảo nước tưới tiêu, cung ứng giống... đến nay hầu hết diện tích gieo cấy đang hồi xanh đẻ nhánh, phát triển tốt..
Rời làng nuôi tôm hùm Xuân Tự 1, 2, xã Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hoà), tôi tìm đến phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng. Tại đây, rất dễ bắt gặp những giọt nước mắt người nuôi tôm.