Trồng Ngô Cao Sản Thu Được ... Cùi
Hơn 100 hộ dân của 2 xã Đông và Lơ Ku (huyện Kbang, Gia Lai) khốn đốn khi trồng giống ngô NK67 không có hạt, hoặc có hạt nhưng nảy mầm, ra rễ…
Nỗi buồn ngô không hạt
Theo số liệu chúng tôi có được, đến thời điểm này thiệt hại của người dân 2 xã Đông và Lơ Ku lên đến 108 hộ với diện tích hơn 80ha. Trong đó, xã Đông có 95 hộ với diện tích 69,52ha; xã Lơ Ku có 13 hộ với diện tích 11ha. Tại hiện trường, diện tích ngô hoàn toàn không hạt chiếm khoảng 70%; số còn lại chỉ lơ thơ đôi hạt.
Hộ thiệt hại ít như ông Đinh Hêh ở thôn 1 cũng đến 5 sào; nhiều như hộ ông Nguyễn Văn Đệ ở thôn 6 1,8 ha. Đặc biệt như hộ anh Phạm Văn Hùng, thôn 1, xã Đông thiệt hại lên đến 3,5ha…
Ông Đoàn Thanh Hùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Kbang cho biết: Trong cơ cấu giống cây trồng vụ mùa của huyện, ngô chiếm tỷ lệ gần 1/3 diện tích trồng trọt – tức khoảng 9.000 ha/29.000 ha. Cũng theo ông Hùng, giống ngô NK67 từng được đưa vào sản xuất ở Kbang từ năm 2010.
Lúc đó giống ngô này cho năng suất khá cao từ 7-8 tấn/ ha, cá biệt có hộ đạt trên 10 tấn/ha. Tin tưởng vào điều này, mùa vụ năm nay người dân trên địa bàn huyện gieo giống ngô NK67 chừng 100ha. Lúc đầu, ngô phát triển khá tốt do thời tiết thuận lợi. Chỉ đến khi gần thu hoạch người dân kiểm tra thì mới té ngửa là ngô không hạt…
Qua quan sát của chúng tôi, ngô NK67 phát triển rất tốt, cây to, cao khoảng 2m nhưng lột bẹ ngô thì không thấy hạt, hoặc chỉ lưa thưa vài hạt; có cây thì có rất nhiều bắp nhưng không có hạt nào. Riêng ở xã Lơ Ku thì ngô có ra hạt nhưng lại nảy mầm, ra rễ khi chưa thu hoạch. Nhiều nông dân đã thực sự bị “choáng” khi nguồn thu của gia đình trông chờ vào vụ ngô đã công toi…
Cam kết hỗ trợ nông dân
Ông Trương Công Định ở thôn 7, xã Đông trồng 2,2ha ngô bằng loại giống NK67 than thở: “Thấy ngô lên đều, phát triển tốt, thời tiết thuận lợi, tưởng rằng năm nay được mùa, ai dè…”. Đồng cảnh ngộ với ông Định, anh Huỳnh Văn Thành, thôn 7, xã Đông trồng 2,5ha ngô NK67 và bị thiệt hại trên 70%.
Gia đình ông Huỳnh Quốc Bảo, ở thôn 7, trồng 2ha ngô ở khu vực tây sông Ba bằng loại giống NK67, khi ngô đến giai đoạn trổ cờ thì bị nghẹn cờ, bắp ra nhỏ, không phát triển và cây bị khô héo dần, cả đồng ngô chỉ một màu vàng rực.
"Việc thống kê diện tích thiệt hại, mức độ thiệt hại và việc hỗ trợ phải hoàn thành trước ngày 20.7 theo biên bản làm việc”. Ông Đoàn Thanh Hùng
Điều đáng nói là các hộ xung quanh trồng ngô bằng giống DK88 hay Bioseed 9698 thì vẫn bình thường khiến lòng ông Bảo rối bời... Như để khẳng định thêm giống NK67 có vấn đề, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết: Gia đình có 2ha đất, trồng 1,3ha giống ngô NK67 thì không có hạt; trong khi 7 sào còn lại ông trồng giống cũ thì vẫn phát triển bình thường… Theo người dân địa phương, chi phí cho 1ha ngô phải mất trên dưới 15 triệu đồng. Bình thường mỗi ha sẽ thu về 6-7 tấn ngô hạt, giá bán hiện tại trên dưới 30 triệu đồng…
Sau khi có sự phản ánh của người dân đến các cấp chính quyền, phía đơn vị phân phối giống ngô NK67 là Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương kiểm tra thực tế để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, trong cuộc làm việc giữa các bên liên quan ngày 9.7, phía Công ty phân phối không thừa nhận giống ngô NK67 có vấn đề.
Dù vậy, tại buổi làm việc, đại diện Công ty Syngenta cũng đã cam kết hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trên 70% là 13,26 triệu đồng/ha và dưới 70% là 6,63 triệu đồng/ha. Hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt và công ty sẽ trả trực tiếp cho từng hộ dân dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều năm nay, ông Bùi Vĩnh Hiệp, xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp An Nhứt (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã sử dụng phân vi sinh trong việc bón lót cho ruộng lúa của mình. Nhờ đó, năng suất lúa tăng lên 1 tấn/ha, tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 50% so với trước.
Với mong muốn nông dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần với ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất việc hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh qua từng năm, kết thúc vào cuối năm 2015...
Phấn đấu đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 7.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, cấp chứng nhận mới cho 800 ha và tái cấp chứng nhận khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân đều chưa thấy được lợi ích mà VietGAP mang lại. Do đó, sự tích cực tham gia chương trình VietGAP của không ít bà con đã giảm hơn trước...