Trồng Mía Giống Mới Theo Kỹ Thuật Hàng Đôi
Ngày 22/12/2011, tại xã Vĩnh Thuận-Vĩnh Thạnh, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Bình Định đã tổ chức hội thảo chuyên đề nhân rộng mô hình “Trồng thâm canh các giống mía mới theo kỹ thuật trồng mía hàng đôi”. Tham gia hội thảo có đại diện Trung tâm KNKN tỉnh, đại diện các trạm khuyến nông An nhơn, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh,...
Hơn 80 đại biểu nông dân của 4 huyện trong vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường, cùng nông dân tham gia mô hình trồng thâm canh giống mía mới tại xã Vĩnh Thuận.
Vụ trồng mía năm 2011, tại làng 5 và làng 6 xã Vĩnh Thuận, Trung tâm KNKN đã cùng trạm Khuyến nông Vĩnh Thạnh đã đưa vào thực hiện Mô hình trồng thâm canh các giống mía mới K84-200 và K88-65 theo kỹ thuật trồng mía hàng đôi, lượng giống là 14 tấn/ha tương đương với 60-66 ngàn hom/ha; mía được trồng theo hàng đôi khoảng cách hàng 0,4 m (hàng đôi) và hàng cách hàng là 1,2 m, hom mía đặt gối đầu lên nhau. Việc đầu tư phân bón thực hiện theo quy trình thâm canh tiên tiến với lượng phân bón đầu tư cho 1 sào (500 m2) là: 700 kg phân chuồng, 75 kg phân hữu cơ vi sinh, 20 kg urê, 25 kg super lân, 20 kg KXCl và 25 kg vôi; toàn bộ phân Hữu cơ, vôi và phân lân được sử dụng để bón lót, số phân còn lại chia làm 3 lần bón thúc vào các tháng thứ 1, 2 và 3 sau khi trồng.
Kết quả mô hình cho thấy: các giống mía K84-200 và K88-65 đều là các giống có dạng hình cao cây, đẻ nhánh tốt, tính chống đổ ngã khá; và đều thuộc nhóm giống chín trung bình, thời gian sinh trưởng 8-10 tháng; tại thời điểm hiện nay cây mía trong mô hình mới chỉ đạt 8 tháng tuổi, năng suất mía ước đạt từ 101-126,4 tấn/ha dự kiến đến khi thu hoạch sẽ đạt từ 120- 140 tấn/ha.
Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung đánh giá các giống mía K84-200 và K88-65 mới được đưa vào sản xuất là các giống có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, chịu hạn tốt và chịu đầu tư thâm canh cao thích hợp với kỹ thuật trồng hàng đôi; ngoài ra việc ứng dụng kỹ thuật trồng mía mới theo phương pháp trồng hàng đôi tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đồng thời giúp tăng năng suất mía từ 15 – 20 %. Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này nhằm chuyển giao nhiều giống mía mới, cùng kỹ thuật trồng mía hàng đôi nhằm giúp bà con nông dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc, kinh tế mũi nhọn là ngư - nông – lâm. Bên cạnh sự phát triển con tôm, cây lúa thì việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi vịt cũng mang lại hiệu quả khá lớn cho bà con nông dân, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình...
Từ tháng 5-2010, bệnh vàng lá, rụng lá, khô cành do nấm corynespora gây ra hoành hành chủ yếu trên các vườn cao su giống RRIV4, cùng với nhược điểm của giống này là dễ đổ, nên tháng 7-2010, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) khuyến cáo loại bỏ giống RRIV4 ra khỏi bảng I, cấm trồng, mua bán.
Từ một loại cây trồng làm nông dân xã Thắng Hải (Hàm Tân - Bình Thuận) điêu đứng, vì giá “trượt dốc” không phanh dẫn đến phải chặt phá hàng loạt. Hai năm gần đây, giá nhãn luôn giữ mức từ 13 - 17 ngàn đồng/kg, diện tích loại trái cây này đang được khôi phục và tăng lên đáng kể, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mùa quả ngọt…