Giá / Tin nông nghiệp

Trồng mãng cầu na Thái cho thu nhập cao

Trồng mãng cầu na Thái cho thu nhập cao
Tác giả: Đức Toàn
Ngày đăng: 08/08/2019

Với đặc trưng trái to, trọng lượng từ 700-1,2kg, vị ngọt thanh, màu sắc đẹp, giống mãng cầu na Thái (nguồn gốc Thái Lan) đã và đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, thời gian gần dây, mãng cầu na Thái được nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh trồng thí điểm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác.

Trồng mãng cầu na Thái đem lại thu nhập cao cho nông dân

Giống cây trồng mới

Có mặt tại vườn mãng cầu na Thái của gia đình anh Bùi Minh Chứa (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, An Phú), chúng tôi thật sự bất ngờ trước những trái mãng cầu to gấp 3-4 lần so với những trái mãng cầu thông thường. Qua giới thiệu được biết, đây là giống mãng cầu na Thái-một trong những loại cây trồng mới ở địa phương.

Mô hình trồng mãng cầu na Thái được gia đình anh Bùi Minh Chứa triển khai trên diện tích 1ha đất của gia đình. Theo anh Chứa, phần đất này trước đây canh tác lúa nhưng hiệu quả sản xuất không cao, do giá cả bấp bênh. Khoảng năm 2017, sau khi tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy mô hình trồng mãng cầu na Thái phát triển ở nhiều địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao, anh Chứa đã mạnh dạn cải tạo đất ruộng, phát triển mô hình trồng mãng cầu na Thái trên diện tích 4 công đất. Sau 1 năm trồng thử nghiệm, anh Chứa đã mở rộng diện tích thêm 5 công để phát triển loại cây trồng mới này.

Qua 2 năm triển khai, anh Chứa cho biết, mãng cầu na Thái là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Từ lúc xuống giống cho đến ra trái từ 16-18 tháng, năng suất bình quân khoảng 300kg/công (vụ đầu tiên) và tăng dần ở các năm tiếp theo do tán cây phát triển. Trái mãng cầu na Thái khi chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, hình dáng trái cũng như những loại mãng cầu khác, nhưng xét về trọng lượng thì trái to lớn gấp 3-5 lần so với mãng cầu thông thường, trái nhỏ nhất đạt 700gr, có trái nặng tới 1,1-1,2kg.

Quy trình chăm sóc giống mãng cầu na Thái tương tự mãng cầu ta truyền thống. Sau khi thu hoạch, nông dân chủ động tỉa cành, bón phân vào những thời điểm thích hợp để nuôi cây. Cây mãng cầu na Thái ít bị sâu bệnh phá hoại, nên chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên, trên cây mãng cầu vẫn có một số loại sâu bệnh gây hại, chủ yếu là rệp sáp hại trái, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái không được đảm bảo. Do đó, nông dân cần phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh rệp sáp và có biện pháp xử lý để đảm bảo năng suất, chất lượng trái theo yêu cầu.

Hướng đi mới cho nông dân

Thời gian gần đây, mãng cầu na Thái được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi trái có trọng lượng lớn, mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon dùng để ăn hay làm quà biếu. Hiện nay, trái mãng cầu na Thái rất “hot” theo thị hiếu của người tiêu dùng. Theo anh Chứa, một trong những điểm đặc biệt của cây mãng cầu na Thái là có thể chủ động được thời gian ra hoa, kết trái bằng việc cắt, tỉa cành, thúc đẩy cây ra hoa, cho trái. Vì vậy, trong các vụ sản xuất tiếp theo, anh Chứa sẽ nghiên cứu để xử lý cây ra hoa, đậu trái và thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán để bán giá cao hơn so với hiện nay. “Mãng cầu na Thái có thể thu hoạch 2 đợt/năm. Tuy nhiên, để đảm bảo thu nhập, gia đình tôi xử lý cho ra hoa, tạo trái để bán trong dịp Tết Nguyên đán; thông thường, giá mãng cầu na Thái được thương lái thu mua với giá 70.000 đồng/kg. Thời điểm Tết, giá có thể trên 100.000 đồng” - anh Chứa chia sẻ.

Với nhiều ưu điểm như: thời gian trồng không quá dài, năng suất cao và ổn định, được thị trường ưa chuộng nên giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Thời gian tới, anh Chứa sẽ vận động bà con, người thân mở rộng diện tích trồng mãng cầu na Thái, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cũng như tìm kiếm đầu ra cho loại cây trồng này.

Theo Hội Nông dân xã Phước Hưng, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từ đó xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân, trong đó đáng kể nhất là mô hình trồng mãng cầu na Thái của gia đình anh Bùi Minh Chứa. Mô hình đã mở ra hướng đi mới để người dân chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, cải thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.


Có thể bạn quan tâm

Khám phá thủ phủ chuối Mật mốc miền Trung Khám phá thủ phủ chuối Mật mốc miền Trung

Sản phẩm chuối quả ở đây chủ yếu xuất đi các thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan… và một phần tiêu thụ nội địa.

08/08/2019
Nhân giống hoa cúc xúc tiền Nhân giống hoa cúc xúc tiền

Anh Nguyễn Thế Báu (Lâm Đồng) là người đầu tiên của địa phương ứng dụng công nghệ cao trồng và nhân giống các loại hoa cúc Đà Lạt.

08/08/2019
Cherry Nam Mỹ thích nghi xứ dừa Cherry Nam Mỹ thích nghi xứ dừa

Anh Nguyễn Tấn Cường (29 tuổi) ở ấp Phước Hậu, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bước đầu thành công với mô hình trồng giống cherry Brazil.

08/08/2019