Giá / Tin nông nghiệp

Trồng kiệu lãi hơn 200 triệu đồng/ha

Trồng kiệu lãi hơn 200 triệu đồng/ha
Tác giả: Chí Trung - Nguyễn Ngọc
Ngày đăng: 28/07/2016

Dễ trồng

Việc trồng kiệu cũng giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nhàn rỗi tại địa phương có thu nhập từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày. Chị Trần Thị Mẫm ngụ xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết, gia đình có 5 người làm thuê có thu nhập khá trong các khâu xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, phơi kiệu giống.

Kiệu là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, ít phải đầu tư, nhanh cho thu hoạch và đem lại giá trị kinh tế khá cao. Mỗi ha nếu thâm canh tốt có thể cho năng suất từ 35 – 50 tấn củ. Nhu cầu cây kiệu trên thị trường nội địa cũng khá lớn nên dễ bán, được giá. Cây kiệu có thể trồng quanh năm nhưng thường có 2 vụ. Vụ chính trồng từ tháng 9 đến tháng 1, thu hoạch vào cuối tháng 1 – 2, vụ này cây sinh trưởng phát triển tốt nên cho năng suất cao, bán vào dịp tết được giá. Vụ phụ có thể trồng từ tháng 3 – 4 để thu hoạch vào tháng 7 – 8.

Hiện nay kiệu được trồng nhiều ở các xã Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Thọ, huyện Tam Nông và các xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với diện tích vài trăm ha kiệu thương phẩm. Hằng năm, những nơi này cung ứng cho thị trường vùng ĐBSCL hàng trăm tấn kiệu và kiệu giống, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Vụ kiệu năm nay, do thời tiết thuận lợi, tình hình sâu bệnh không đáng kể nên năng suất đạt cao, chất lượng kiệu giống đạt yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Thu ngụ ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết: “Kiệu dễ trồng, chịu hạn tốt, thị trường tiêu thụ mạnh nên làm kiệu thu lợi nhuận nhiều hơn so với trồng lúa. Tốt nhất là vụ kiệu tết vì giá cao, tiêu thụ mạnh”.

Cây trồng triển vọng cho nhà nông

Ông Phạm Văn Tư ngụ xã Phú Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết: “Nhà tôi trồng 10 công kiệu thương phẩm, với giá bán 12.000 đồng/kg sau khi trừ các khoản chi phí, còn lãi hơn 30 triệu đồng/công”.

Muốn trồng một công kiệu, người nông dân phải đầu tư trên 20 triệu đồng để mua kiệu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu bơm nước tưới, cỏ hoặc rơm khô để phủ gốc kiệu và thuê nhân công trồng kiệu... Chăm sóc kiệu cũng rất công phu - nhất là việc canh nước khi mới xuống giống kiệu. Nếu để thiếu nước, đất khô, kiệu sẽ không lên mầm được; còn để nhiều nước, kiệu sẽ bị ngập úng, thối giống.

Trước khi trồng, đất phải được cày ải, phơi khô và lên liếp chiều ngang mặt liếp 1,5m, chiều dài tùy thuộc thửa đất. Khoảng cách trồng hàng ngang, hàng dọc từ 4 - 5cm thành ô vuông nhỏ trên mặt liếp. Trồng xong, dùng cỏ hoặc rơm khô tủ đều lên mặt liếp. Khi cỏ, rơm khô nằm êm thì bơm nước tưới cho thấm ướt đều rồi xả bỏ, đến khi đất khô hết độ ẩm thì tiếp tục tưới nước. Nguồn nước cần phải chủ động. Khi kiệu nảy mầm thì bón phân, xịt thuốc trừ sâu và tưới nước kịp thời. Có thể dùng phân DAP, urê bón thường xuyên theo yêu cầu phát triển của cây kiệu.

Ngoài ra, sử dụng thêm phân bón lá và thuốc trừ nấm bệnh- vàng lá, cháy lá và các loại thuốc dưỡng rễ để kiệu phát triển nhanh. Phải chọn giống thật tốt, đảm bảo khi trồng lên trên 90%. Bình quân lượng giống cho 1.000m2 từ 120kg - 130kg. Chênh lệch này là do sự khác nhau về giống kiệu tươi và giống kiệu khô.

Hiện nay, kiệu thương phẩm giá 12.000 - 14.000 đồng/kg; kiệu giống giá từ 27.000 - 30.000 đồng/kg; so với vài tháng trước kiệu đã tăng giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Bình quân sau khi gieo trồng 4 - 5 tháng kiệu bắt đầu thu hoạch, nếu đạt năng suất kiệu tươi có thể đạt từ 4 - 5 tấn/công. Kiệu được tiêu thụ khá nhiều tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng…

Mô hình trồng kiệu hiệu quả trên đất lúa kém hiệu quả đã góp phần giải quyết vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm ở nông thôn.

Kinh nghiệm trồng kiệu đạt hiệu quả cao

Để đạt năng suất cao, hạn chế các loại sâu bệnh tấn công, bà con cần chọn kỹ kiệu giống chất lượng, sạch bệnh. Khi xuống giống cần làm tốt khâu kỹ thuật như: Cày ải, lên liếp cao từ 25 - 30cm, các liếp cách nhau bởi các rãnh rộng 30cm để thoát nước nhằm tránh ngập úng khi có mưa lớn và giữ nước tốt khi thời tiết nắng hạn kéo dài.

Bình quân xuống với số lượng từ 110 - 130kg/công (công = 1.000m2) tùy theo cấy dày hay thưa. Để kiệu phát triển tốt, cần sử dụng cân đối các loại phân, ngăn ngừa bệnh vàng lá, cháy lá, thán thư và các loại thuốc dưỡng để rễ kiệu phát triển nhanh.


Có thể bạn quan tâm

Kỳ tích khai phá rốn phèn miền Tây Kỳ tích khai phá rốn phèn miền Tây

TGLX được xem là “rốn phèn” khổng lồ ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, lãnh đạo và nhân dân lúc bấy giờ đã cải tạo nơi đây thành cánh đồng sản xuất lúa đầu tiên của cả nước.

28/07/2016
Thiếu chất xám, nông sản đất 9 rồng bị lép vế Thiếu chất xám, nông sản đất 9 rồng bị lép vế

ĐBSCL được xem là vựa lúa, thủy sản và cây ăn trái của cả nước. Tuy nhiên, việc đầu tư khoa học, công nghệ (KHCN) có quy mô lớn vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa xứng tầm. Vì lẽ đó, các sản phẩm làm ra của vùng có sức cạnh tranh rất yếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

28/07/2016
Từ tay trắng thành triệu phú nhờ... biết đan lát Từ tay trắng thành triệu phú nhờ... biết đan lát

Rời lực lượng thanh niên xung phong với hai bàn tay trắng, nhưng với ngón nghề đan lát lận lưng, anh Nguyễn Thành Lập (sinh năm 1973, ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã truyền nghề, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nghèo tại vùng đất nhiều khó khăn bậc nhất của TP.HCM.

28/07/2016