Trồng Khoai Trên Đất Lúa
Chúng tôi về thôn Lập Định 3, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) thấy những ruộng khoai sáp xanh mơn mởn.
Đây là cây cứu cánh của người dân nơi đây. Người tiên phong trồng khoai sáp là ông Nguyễn Văn Thơm. Từ năm 2004 ông chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai, năm nào cũng cho năng suất ổn định từ 1,5 - 1,7 tấn/sào, sau khi trừ chi phí lãi từ 7 - 10 triệu đ/sào. Vào dịp Tết khoai sáp tiêu thụ mạnh từ 13.000 - 15.000 đ/kg, lãi gần gấp đôi ngày thường. Vụ Tết vừa qua, với 3 sào khoai sáp, năng suất đạt 1,5 tấn/sào, bán 14.000 đ/kg, trừ chi phí ông Thơm lãi hơn 30 triệu.
Tương tự, nhiều bà con cũng nhờ khoai sáp mà thoát nghèo, có chút dư giả. Trước khi trồng khoai sáp, gia đình Nguyễn Thị Tâm trồng lúa năng suất thấp, ít lãi. Vụ khoai gần đây bà trồng 5 sào, thu hoạch 7,5 tấn, trừ chi phí lãi hơn 30 triệu đồng. Bà đang tiếp tục thuê đất trồng thêm 5 sào khoai sáp nữa.
Cách ruộng khoai nhà bà Tâm không xa, ruộng nhà anh Phan Tấn Đức, người cùng thôn đang thu hoạch 2,5 sào khoai sáp. “Mặc dù thời điểm này, giá khoai sáp hạ còn 10.000 đ/kg giảm 5.000 đồng/kg so với trước Tết, nhưng nếu so với trồng lúa thì thấy khoai lợi nhuận vẫn cao hơn. Trung bình 1 sào này tôi thu được 1,5 tấn củ lãi hơn 8 triệu đồng", anh Đức nói.
Theo người dân nơi đây, khoai sáp rất dễ trồng, trồng bằng củ hay trồng bằng ngó; khoảng cách giữa 2 luống là 70 cm, giữa 2 cây là 25 cm. Cây khoai sáp thích hợp trên chân ruộng vì đất luôn ẩm ướt. Tuy nhiên giai đoạn cây làm củ cần tăng cường bón phân kali để tăng hàm lượng bột cho củ. Nếu trồng khoai sáp liên tục trên ruộng thì trước khi trồng phải bón vôi để diệt khuẩn, phèn. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoai phải mất trên 6 tháng và 2 năm trồng 3 vụ.
Theo ông Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa, khoai sáp là cây trồng có hiệu quả, lợi nhuận kinh tế cao nên bà con ngày càng đầu tư mở rộng diện tích. Hiện toàn xã có trên 40 ha (tăng 15 ha so với năm ngoái) tập trung chủ yếu ở các thôn Lập Định 1, Lập Định 2, Lập Định 3 trên chân ruộng lúa 1 - 2 vụ.
Cũng theo ông Minh, để mô hình phát triển bền vững, giúp nông dân tăng thu nhập, năm 2010, địa phương đã thành tổ liên kết trồng khoai sáp Đồng Bé với 12 thành viên tham gia, diện tích canh tác hơn 10 ha. Tổ liên kết được tập huấn chuyển giao TBKT vào SX nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV; đồng thời chọn lựa kỹ về chất lượng và mẫu mã sản phẩm khi đưa vào tiêu thụ. Được sự hỗ trợ vốn của các ngành chức năng, tổ đã liên kết với tư thương đưa sản phẩm vào siêu thị. Mặc dù số lượng tiêu thụ chưa nhiều, nhưng giá cao và ổn định hơn thị trường bên ngoài.
Ông Lê Dương, thành viên Tổ liên kết cho biết, nhằm tránh tình trạng tư thương ép giá do bà con xuống giống và thu khoai sáp cùng thời điểm, các thành viên đã lên kế hoạch SX xen nhau để có thể luân phiên thu hoạch. Cách làm này không những hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá, mà có thể hỗ trợ công lao động cho nhau.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều người dân ở xã Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum) đang quên thời gian, ăn ngủ cùng với những con cá tầm quý giá. Theo giá thị trường hiện nay, mỗi ký trứng cá tầm giá trên dưới 30 triệu đồng. Và với môi trường thiên nhiên thích hợp, Kon Plông là một trong rất ít nơi ở Việt Nam nuôi được cá tầm thương phẩm
Hiện nay trên trà lúa vụ Hè thu 2011 đang giai đoạn đòng- trổ bông đang bị rầy nâu- rầy lưng trắng, bệnh chết cây lúa phát sinh gây hại. Theo tổng hợp của Chi cục BVTV tỉnh Quảng Ngãi, diện tích nhiễm rầy cả tỉnh đến nay là 763 ha, mật độ trung bình 750- 1500 con/m2, cục bộ nơi cao 3000- 5000 con/m2, rầy đang tuổi 2-3
Ngày 13-8, ông Võ Đăng Ký, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua lấy mẫu xét nghiệm, kết luận nguyên nhân cá bống tượng chết trong thời gian qua là do bị ghẻ gây lở loét trên thân và sưng gan