Giá / Mô hình kinh tế

Trồng Dưa Hấu Xen Canh Trên Ruộng Bắp Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Tây Ninh

Trồng Dưa Hấu Xen Canh Trên Ruộng Bắp Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Tây Ninh
Tác giả: 
Ngày đăng: 03/05/2012

Một nông dân ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) vừa sang cho thương lái 1,8 ha dưa hấu với giá 110 triệu đồng. Trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông còn lãi 80 triệu đồng. Điều đáng nói là cách đây chỉ khoảng 2 tháng trên diện tích ruộng dưa hấu này là một đám bắp nhân giống. Ông đã bán đám bắp ấy được 135 triệu đồng, trừ hết các chi phí, ông còn lãi 70 triệu đồng. Như vậy là chỉ trong vòng khoảng 5 tháng, gia đình nông dân này thu lãi được 150 triệu đồng từ 1,8 ha ruộng.

Ông Mượn (thứ 2 từ phải qua) đang trao đổi với cán bộ Hội nông dân về cách trồng dưa hấu xen canh với cây bắp

Đó là gia đình lão nông Võ Văn Mượn (70 tuổi) ở ấp Lộc An, xã Lộc Hưng. Ông Mượn cho biết, ông đã hợp đồng với công ty nhân giống, trồng bắp giống đã hơn 10 qua, và cũng đã có hơn 10 năm gia đình ông trồng dưa hấu. Những năm trước đây, sau khi thu hoạch bắp xong, ông mới dọn đất rồi xuống giống dưa hấu. Hai năm nay gia đình ông đổi cách trồng là trồng dưa hấu xen cây bắp khi bắp chưa thu hoạch. Về cách trồng bắp nhân giống là cứ trồng 6 hàng cây bắp cái là xen 1 hàng cây bắp đực (để bắp thụ phấn). 

Chu kỳ sinh trưởng của cây bắp nhân giống từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch trái là 105 ngày. Khi trồng bắp được 90 ngày (còn 15 ngày nữa thu hoạch trái), ông Mượn cho chặt hết các hàng bắp đực và gieo hạt dưa hấu trên các hàng bắp đực này. 15 ngày sau khi gieo hạt dưa hấu là thu hoạch bắp trái. Lúc này dây dưa hấu cũng bắt đầu phát triển. Thu hoạch bắp trái xong, ông Mượn cho hạ cây bắp nằm xuống mặt đất. Dây dưa hấu sẽ bò lên thân cây bắp. 

Trồng dưa hấu theo cách này có nhiều cái lợi như: Không tốn tiền của, công sức làm đất, không mất thời gian chờ đợi bắp thu hoạch xong, không tốn công dọn dẹp thân cây bắp. Thân cây bắp khi hạ xuống còn được làm giàn lót cho dây dưa hấu bò lên, không bị đất cát vùi dập nếu có mưa sớm. Khi dưa có trái, trái dưa nằm trên thân cây bắp. Nhờ vậy trái dưa dễ phát triển và sạch sẽ. Thân cây bắp còn ngăn chặn cỏ dại mọc lên giữa các luống dưa. Đặc biệt là trồng dưa hấu theo cách này, dưa sẽ tiếp tục hấp thu lượng phân bón cho cây bắp vẫn còn tồn lưu trong đất. Từ đó giảm lượng phân bón cho dưa rất đáng kể.

Ông Mượn cho biết thêm, so với cách trồng dưa trước đây với cách trồng dưa xen trên ruộng bắp như hiện nay, ông giảm được gần 2/3 chi phí cho phân bón. Năng suất dưa cũng cao hơn. Trái dưa nặng trung bình khoảng 3 kg, có trái to nặng đến 4 kg (ông Mượn trồng giống dưa hấu 794 hạt lép). Chu kỳ của dưa hấu từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch là 60 ngày. Như vậy là chỉ hơn 5 tháng trong mùa nắng, trên cùng một diện tích đất, gia đình ông Mượn đã trồng và thu hoạch được hai loại cây trồng là bắp và dưa hấu, với mức lợi nhuận bình quân trên 80 triệu đồng/ha (sau khi trừ các chi phí). 

Sau khi thu hoạch dưa hấu xong, ông Mượn cho cắt dây dưa phơi nắng và đốt dây dưa lẫn cây bắp, và sau đó sạ lúa hè thu. Với cách trồng dưa hấu trên ruộng bắp, trước khi thu hoạch bắp như nêu trên, gia đình ông Mượn làm tăng nhanh vòng quay của đất, nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng đất nông nghiệp. Một cán bộ Hội Nông dân xã Lộc Hưng cho biết, vụ Đông Xuân 2011-2012 này, toàn xã trồng được 250 ha bắp nhân giống. Trong đó nông dân thực hiện trồng dưa hấu trên ruộng bắp, trước khi thu hoạch bắp (như cách làm của ông Mượn) có hơn 160 ha. Các ruộng dưa này đều cho năng suất cao. Hầu hết người trồng dưa trên ruộng bắp đều đạt hiệu quả, có thu nhập khá.

Có thể bạn quan tâm

Nuôi Rắn Hổ Hèo Giúp Nông Dân Tăng Thu Nhập Ở Thoại Giang (An Giang) Nuôi Rắn Hổ Hèo Giúp Nông Dân Tăng Thu Nhập Ở Thoại Giang (An Giang)

Chủ tịch UBND xã Thoại Giang (Thoại Sơn - An Giang) Đinh Văn Hiền cho biết, từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, 30 hộ nghèo của xã được hỗ trợ 120 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi rắn hổ hèo. Với chi phí đầu tư thấp, không đòi hỏi nhiều diện tích, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, mô hình này đem lại nguồn lợi nhuận khá lý tưởng cho các hộ nuôi.

03/05/2012
Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Cá + Lúa Ở Vùng Ngập Lũ Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Cá + Lúa Ở Vùng Ngập Lũ

Tỉnh Tiền Giang đang nhân rộng mô hình cá + lúa trên ruộng tại các huyện đầu nguồn phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè... Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha đồng thời mở ra hướng khả thi trong thực hiện mục tiêu “chung sống với lũ” bền vững, giúp nông dân an cư lạc nghiệp.

03/05/2012
Chàng Thanh Niên Trẻ Tiên Phong Nuôi Chim Trĩ Ở Uông Bí Chàng Thanh Niên Trẻ Tiên Phong Nuôi Chim Trĩ Ở Uông Bí

Được sự giới thiệu của cán bộ phường Bắc Sơn (TP Uông Bí - Quảng Ninh) chúng tôi tìm tới gia đình anh Trịnh Hữu Hiền ở khu 6, một thanh niên trẻ tiên phong nuôi chim trĩ ở địa phương.

03/05/2012