Trồng Đậu Xanh Cao Sản
Bà con 2 thôn Phú Sơn Nam và Phú Sơn 1, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) đang thu hoạch đợt cuối vụ đậu xanh cao sản, lần đầu tiên đưa vào SX trên vùng đất khô hạn theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong vòng 70 ngày kẻ từ khi tra hạt, đậu cho năng suất hơn 2 tấn/ha. Với giá 22 nghìn đồng/kg, người trồng thu hơn 40 triệu đồng/ha, cao gần gấp 2 lần trồng lúa.
Vụ này, hộ ông Trần Văn Mai ở thôn Phú Sơn Nam trồng 3 sào đậu xanh và đã thu hoạch xong. Nói về hiệu quả kinh tế, ông Mai cho biết, vụ đầu tiên canh tác đậu xanh, song loại cây này SX khá dễ. Đất tơi xốp, bón phân cân đối, chăm sóc chu đáo, đậu phát triển tốt, nhiều quả. Tính ra, sau 4 đợt thu hái, mỗi sào cho khoảng 100 kg hạt. Với giá từ 20 - 22 nghìn đồng/kg, mỗi sào thu hơn 2 triệu không khó.
Ông Mai cho biết thêm, kể từ ngày tra hạt giống đến khi thu hoạch, thời tiết không thuận, liên tục nắng mưa xen kẽ. Vào giai đoạn cây ra hoa kết trái nắng nóng gay gắt nên năng suất giảm đáng kể. Tuy vậy, qua vụ này cũng đủ cơ sở để khẳng định, đậu xanh cao sản hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Hoà Vang.
Ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV Đà Nẵng cho hay: Lần đầu tiên Chi cục phối hợp với xã Hoà Khương triển khai trồng 13 ha đậu xanh cao sản trên đồng đất khô hạn ở Hoà Vang. Thời tiết thuận lợi, chăm bón cân đối năng suất có thể đạt 3 tấn/ha. Ưu việt của loại cây này là dễ trồng và khả năng chịu hạn rất cao, sản phẩm dễ tiêu thụ.
Qua vụ này, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương ở Hoà Vang mở rộng diện tích, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những vùng không chủ động nước tưới. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nông dân phải áp dụng triệt để quy trình SX như hướng dẫn và sử dụng giống chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm
Đã nhiều năm nay anh Nguyễn Thanh Hồng ở ấp 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trồng bầu bí luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao. Với 1,2 hécta bầu bí, hàng năm gia đình anh lãi 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Rời quê hương Thanh Hóa vào nhập cư, làm ăn sinh sống ở xã Ea Trol – 1 xã miền núi của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Với số vốn 10 triệu đồng đã vay mượn của anh em, bà con, bạn bè ở quê, ông Nguyễn Tài Khoa mua 3 ha cà phê, gọi là vốn giắt lưng ban đầu để gia đình ông bén rễ và hình thành một cuộc sống mới ở vùng đất xa xôi này.
Từ khi Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Tiền Giang và Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Cai Lậy triển khai thí điểm các mô hình ương con theo hướng an toàn sinh học đến nay, các mô hình đã đem lại hiệu quả khả quan.