Giá / Tin nông nghiệp

Trồng dâu tây trong chậu

Trồng dâu tây trong chậu
Tác giả: Phương Duy
Ngày đăng: 05/12/2019

Để trồng dâu tây trong chậu phát triển tốt và cho trái ở nhà phố, cần chú ý đặc tính của cây cũng như điều kiện trồng và chăm sóc phù hợp. Đầu tiên là chọn giống, cần chọn giống dâu chịu nhiệt (giống của Nhật, New Zealand), giống này có thể chịu được 40 độ C.

Có thể mua túi hạt bán ở siêu thị, cửa hàng về gieo hoặc mua cây con từ các trại giống ươm sẵn. Chú ý chọn cây con khỏe mạnh, mập mạp, không bị cháy bìa lá hay có vết bệnh xuất hiện (chấm đen, nâu, vết thối nhũn).

Chú ý, cây dâu tây ưa ẩm, tuy nhiên lại không chịu úng ngập, vì vậy cần chọn giá thể trồng phù hợp, đảm bảo độ ẩm, thoáng khí, tơi xốp, không bị lèn chặt khó thoát nước. Có thể phối trộn đất (50%) với 50% còn lại là trấu mục, phân trùn quế, ít xơ dừa, cát sông, không nên sử dụng nhiều xơ dừa. Hoặc có thể chọn đất dinh dưỡng phối trộn sẵn trong bao. Đất trồng nên trộn nấm Trichoderma phòng ngừa bệnh cho cây. Trước khi trồng, có thể sử dụng phân sinh học tưới vào đất nhằm bổ sung dinh dưỡng hữu cơ và chất sinh học có ích cho đất, giúp cây tăng sức đề kháng và chống chịu cho cây tốt hơn.

Chọn chậu trồng hay dụng cụ trồng thoát nước tốt, nếu tận dụng chai nhựa, chậu cũ trong nhà thì khoét thêm lỗ thoát nước đảm bảo không ứ đọng nước sau tưới hoặc mưa. Do cây dâu tây có trái ở phần gốc nên chọn chậu/khay trồng có đường kính vừa phải (20 - 25 cm) để trái phơi ra ngoài chậu, rũ xuống nhìn đẹp mắt hơn, trái no tròn đều. Đồng thời, dễ quan sát trái có bị hư hay bị kiến ăn mà xử lý ngay. Trên bề mặt chậu nên để lớp trấu hoặc vỏ đậu, rơm - tránh trái tiếp xúc trực tiếp với đất trên mặt chậu dễ bị hư thối.

Bố trí nơi trồng dâu tây ở sân thượng, ban công hay khoảng sân vườn phù hợp.

Chăm sóc cây dâu tây đơn giản, mỗi ngày tưới 2 lần lúc sáng sớm và chiều mát, tránh tưới lúc nắng gắt hay ban đêm (tăng độ ẩm cây dễ nhiễm bệnh), tưới vừa đủ ẩm, tuyệt đối không tưới ướt đẫm, đọng nước trong chậu trồng. Cây dâu tây là đối tượng rất dễ bị sâu, bệnh tấn công, tuy nhiên để có trái sạch và không ô nhiễm quanh nhà cần tránh và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu bệnh hóa học. Giải pháp ưu tiên là tăng cường hữu cơ và sinh học, đất trồng ban đầu chứa nhiều hữu cơ, bổ sung nấm đối kháng Trichoderma. Định kỳ 7 ngày tưới gốc phân hữu cơ sinh học/lần, kết hợp phun chế phẩm sinh học Chitosan vừa cung cấp dinh dưỡng nuôi cây, tăng sức đề kháng giúp cây khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh hại cây và trái. Có thể bổ sung phân NPK 16-16-8 liều vừa phải 15 ngày/lần nếu muốn thúc cây. Sử dụng dung dịch gừng, tỏi, ớt (xay nhuyễn) ngâm rượu rồi pha nước phun ngừa sâu và côn trùng gây hại. Sử dụng phân hữu cơ sinh học thường xuyên chất lượng trái ngon hơn, trái chắc và ngọt, bảo quản lâu, an toàn.

Cây dâu tây trồng khoảng 3 tháng cho trái, một số giống cho trái quanh năm, cây có thể sống 2 - 3 năm tùy chăm sóc.


Có thể bạn quan tâm

Hầm biogas – một công trình ba lợi ích Hầm biogas – một công trình ba lợi ích

Ứng dụng hầm biogas để xử lý ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích, tận dụng được các phế thải để làm khí đốt

05/12/2019
Biến rác thải thành phân bón Biến rác thải thành phân bón

Thu gom rác thải tái chế thành phân bón hữu cơ đang là hướng đi đúng đắn, giúp tạo ra lượng phân hữu cơ vi sinh phục vụ cho nông nghiệp sạch

05/12/2019
Nhà sấy Solar-D: sấy an toàn, gấp 73% so với sấy tự nhiên Nhà sấy Solar-D: sấy an toàn, gấp 73% so với sấy tự nhiên

Nhờ tính đa dụng cao, khả năng phơi sấy của nhà sấy Solar-D (nhà sấy năng lượng mặt trời) so với phơi sấy tự nhiên hơn 73%

05/12/2019