Giá / Mô hình kinh tế

Trồng Củ Cải Làm Giàu

Trồng Củ Cải Làm Giàu
Tác giả: 
Ngày đăng: 30/05/2012

Trước đây, do chỉ độc canh cây lúa, hiệu quả thấp, đời sống gia đình anh Lê Hồng Phương (xã Tân Quý Tây, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) thường thiếu trước, hụt sau. Năm 2001, khi về quê vợ ăn giỗ nghe nói ở đây có người “phất” lên nhờ trồng củ cải trắng, thế là anh khăn gói “tầm sư học đạo”.

Nóng lòng muốn thử sức mình, về nhà, sau khi bàn với vợ, anh hối hả mướn 2.500 m2 vườn với ý định trồng thử. Không ngờ, trồng được hai vụ (90 ngày), bán được giá, anh lãi 30 triệu đồng. Thấy anh kiếm tiền dễ quá, dù còn 9 tháng mới hết hợp đồng, chủ đất vội đòi đất lại...

Biết chắc ăn, anh quyết định bỏ ra 80 triệu đồng, trong đó vay ngân hàng 50 triệu để cải tạo 10.000 m2 ruộng. Thấy anh thuê máy, hì hục cuốc đất, đào ao, lên liếp, đắp bờ bao, có người bảo anh “khùng”. Anh chỉ cười xòa rồi lại tiếp tục công việc, lòng mong chờ ngày thu hoạch.

Để củ cải to và đẹp, anh Phương cho biết: “Sau khi lên liếp, tôi tiến hành gieo hạt, lấp tro và rải rơm phủ lên trên. Sau 7 ngày bắt đầu tưới phân lần một, và định kỳ 7 ngày tưới một lần, đến trước thu hoạch 10 ngày thì ngưng. Loại phân tôi thường sử dụng là phân vi sinh, urê, DAP, và lân với liều lượng 12 kg urê + 10 kg DAP + 50 kg phân lân và 100 kg phân vi sinh cho 1.000 m2 đất”.

Hai năm đầu anh lãi 120 triệu đồng. Nghe tin, có người gặp anh học hỏi kỹ thuật rồi trồng củ cải...

Năm 2005, cùng với trồng củ cải  trắng, anh thả 60 kg cá mè vinh. Theo anh, củ cải trắng có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 40 - 45 ngày), có thể trồng quanh năm, mỗi năm trồng được sáu vụ. Nuôi cá, lúc nhỏ cho ăn thức ăn công nghiệp, khi cá lớn, tận dụng lá củ cải gãy nát làm thức ăn. Cách tính ấy đã đem về cho anh khoản lãi hơn 200 triệu đồng.

Phấn khởi với kết quả đạt được, năm 2006 anh thuê máy cải tạo tiếp 4.500 m2 ruộng, nâng tổng diện tích canh tác lên 1,45 ha với 0,85 ha trồng trọt và 0,6 ha mặt nước thả 30 kg cá mè vinh và trắm cỏ. Để tận dụng đất, phân bón và công chăm sóc, anh trồng xen canh một vụ ớt trái vụ trên đất trồng củ cải. Về kỹ thuật, theo anh, khi ớt gieo trong bầu bên ngoài được 25 - 30 ngày và củ cải trồng được 5 ngày thì đặt ớt xen vào. Thu hoạch xong củ cải thì bón vôi và đậy màng phủ cho ớt. Được hỏi: “Tại sao phải trồng ớt trái vụ và chỉ trồng một vụ?”. Anh Phương giải thích: “Ớt là cây “ăn thức ăn” mạnh nên mỗi năm chỉ trồng một vụ và phải trồng vào đúng mùa nghịch là tháng 3 dương lịch để tháng 6 thu hoạch, bán có giá hơn”.

Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, bình quân mỗi năm anh Phương thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thu Phí Dịch Vụ Môi Trường Rừng Thu Phí Dịch Vụ Môi Trường Rừng

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều người cho rằng, từ nguồn phí này sẽ góp phần bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn.

30/05/2012
Cá Chết Hàng Loạt Vì Bệnh Liên Cầu Khuẩn Cá Chết Hàng Loạt Vì Bệnh Liên Cầu Khuẩn

Kết quả cho thấy, cá chết là do bị bệnh liên cầu khuẩn. Nguyên nhân cá bị bệnh là do thời tiết nắng nóng, sức đề kháng giảm trong khi đó mầm bệnh đã tồn tại trong môi trường ao nuôi. Ngoài ra, các hộ dân không vệ sinh ao nuôi đúng kỹ thuật, thả với mật độ dày, cho cá ăn phân chuồng chưa qua xử lý

30/05/2012
Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng

Những ngày này, từ Tỉnh lộ 941 nhìn sang bờ bên kia kênh Mặc Cần Dưng, thuộc địa phận xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang), người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa leo để kịp cân cho thương lái. Phong trào trồng dưa leo trên đất ruộng được bà con áp dụng phổ biến khoảng 2 năm nay đã giúp nhiều gia đình có thu nhập khá cao

30/05/2012