Giá / Mô hình kinh tế

Trồng Cao Su Vùng Đất Trũng, Thấp: Coi Chừng Vỡ Mộng

Trồng Cao Su Vùng Đất Trũng, Thấp: Coi Chừng Vỡ Mộng
Tác giả: 
Ngày đăng: 17/06/2011

Trong mấy năm trở lại đây, phong trào trồng cao su tiểu điền (CSTĐ) tại Bình Dương phát triển hết sức mạnh mẽ. Trước lợi nhuận cao của loại cây trồng này nhiều nông dân đã bất chấp những quy luật sinh trưởng của cây cao su mà trồng loại cây này xuống vùng đất thấp, trũng nước và hệ quả của nó thì khó lường.

Bất chấp khuyến cáo

Hiện nay cây Cao Su giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp và làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của nông dân Bình Dương. Nhiều người đã trở nên giàu có nhờ trồng Cao Su. Hiện diện tích trồng Cao Su của Bình Dương là gần 130.000 ha. Diện tích CSTĐ chiếm khoảng 65% và có 70% diện tích CSTĐ đang trong thời kỳ khai thác mủ. Trong đó nhiều diện tích CSTĐ mới được phát triển gần đây. Cây Cao Su đang dần trở thành cây trồng chủ lực của nông nghiệp Bình Dương do dễ trồng, dễ chăm sóc và cho giá trị cao, ổn định. Xuất phát từ những lợi thế như vậy mà nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển CSTĐ.

Các huyện phía Bắc Bình Dương với lợi thế về đất đai, lao động đã và đang là những địa phương có phong trào trồng Cao Su hết sức mạnh mẽ. Trước việc giá mủ liên tục tăng cao, lợi nhuận quá lớn, nông dân càng đua nhau trồng Cao Su bất chấp địa hình, nguồn nước. Dọc theo các con đường trục các xã của huyện Phú Giáo trước đây còn thấy những cánh đồng lúa nhưng đến nay thì chỉ thấy màu xanh của những vườn cây Cao Su. Đất ruộng đã thành đất Cao Su, người làm lúa trước đây giờ không còn cầm liềm, thúng nữa mà đã thành thạo với những cây dao cạo, những thùng mủ Cao Su.

Theo phong trào, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư phân bón, cây giống Cao Su đem trồng tại các mảnh ruộng, các khu đất trũng thấp, đất phèn dọc các sông suối mà chưa biết chắc cây Cao Su có sinh trưởng bình thường hay không. Tại nhiều nơi nông dân còn dùng máy xúc múc đất dưới lòng suối để san phẳng mặt bờ suối và trồng Cao Su ngay sát bờ suối. Chính những kiểu trồng thiếu khoa học này mà nhiều người đã vỡ mộng với cây Cao Su.

Tùy thuộc vào loại đất ruộng khác nhau mà cây Cao Su trồng dưới ruộng cũng có năng suất khác nhau. Ông Đinh Văn Quyền - ngụ tại ấp Đồng Trâm, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo cho biết: “Đất ruộng của nông dân trong ấp tôi trước đây chủ yếu là từ đất gò chuyển thành đất ruộng nên khi không làm lúa nữa nhiều người đã trồng Cao Su và đã thành công. Tuy vườn cây có sức kháng bệnh thấp nhưng bù lại độ mủ của các vườn cây tại đây lại cao hơn nhiều so với các vườn cây trồng trên đất gò khác vì các diện tích đất tại đây được tích tụ các chất dinh dưỡng do quá trình trồng lúa trước đây mang lại”. Còn các diện tích Cao Su trồng tại các vùng rìa các sông suối, các vùng đất bưng thì người trồng lại gặp nhiều khó khăn hơn so với các diện tích đất khô ráo khác. Tại các vùng đất bưng úng nước người dân thậm chí còn “lên liếp” để trồng Cao Su. Tại nhiều vùng đất trũng khi mùa khô thì cây Cao Su an toàn nhưng đến mùa mưa thì thường bị ngập úng không có cách gì để chăm sóc hay cạo mủ.

Hệ quả khó lường

Đã có nhiều khuyến cáo về các hệ quả có thể xảy ra với những diện tích Cao Su trồng dưới vùng đất trũng nhưng bất chấp các khuyến cáo này, nông dân vẫn cứ tiếp tục trồng và cho đến nay nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Ông Bùi Quang Bính - ngụ tại xã Thanh An, huyện Phú Giáo cho biết: “Hiện nay bất chấp những khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhiều nông dân đã trồng Cao Su xuống cả đất chân ruộng ướt, đất phèn. Một số diện tích đã cho thu hoạch nhưng thấy mủ rất ít, độ thấp, nước mủ lỏng. Nhiều diện tích người dân không thể bán mủ nước mà đành phải gom lại đánh đông đem bán”.

Cây Cao Su không chỉ “hành quân” xuống các vùng đất ruộng thấp, bưng phèn mà hiện nay cây Cao Su còn thay thế trên các diện tích các loại cây trồng có giá trị khác như: điều, tiêu, cây ăn trái. Nhiều diện tích trồng cây ăn trái tại huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bến Cát đang dần dần bị thay thế bởi cây Cao Su.

Một số diện tích đã cho thấy năng suất của các vườn cây trồng kiểu này không hề cao như nhiều người mong đợi, lại phải tốn chi phí để phòng trừ sâu bệnh cao. Khi phong trào trồng Cao Su xuống các vùng đất thấp vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” thì các cơ quan hữu quan cần có những hướng dẫn cụ thể để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tránh các thiệt hại ngoài ý muốn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương Lê Văn Rum: Nông dân cần thận trọng trong chuyển đổi cây trồng

Những năm qua Sở NN&PTNT cũng đã nhiều lần khuyến cáo với bà con cần thận trọng chuyển đổi cây trồng, trong đó nhất là cây Cao Su được bà con đưa xuống ruộng trồng thay thế các loại cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế thấp. Nếu không tính toán khoa học, ồ ạt trồng Cao Su sẽ làm mất cân đối nền nông nghiệp, thậm chí phá vỡ quy hoạch mà tỉnh đã phê duyệt.


Có thể bạn quan tâm

Dịch Bệnh Khiến 200 Vạn Con Ốc Hương Bị Chết Dịch Bệnh Khiến 200 Vạn Con Ốc Hương Bị Chết

Ngày 4.6, ông Trần Hữu Phước - cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Dịch bệnh phát sinh trên vùng nuôi ốc hương thương phẩm tập trung ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn khiến hơn 200 vạn con trong số 300 vạn con ốc hương do ngư dân vừa thả nuôi đã chết.

17/06/2011
Dịch Bệnh Gây Hại 31,5 Ha Tôm Nuôi Dịch Bệnh Gây Hại 31,5 Ha Tôm Nuôi

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, đến nay, nông dân các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã sử dụng trên 1.915 ha mặt nước để nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp, hiện có 31,5 ha mặt nước nuôi tôm tại huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn đã bị dịch bệnh do virút đốm trắng và bệnh do môi trường gây hại. Đáng lo ngại là có một số vùng nuôi tôm đã xuất hiện hội chứng tôm chết sớm khiến cho người nuôi tôm lo lắng. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng để xử lý dịch bệnh, nhằm khống chế và hạn chế dịch bệnh lây lan, đồng thời hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tôm nuôi.

17/06/2011
Mô Hình Nuôi Lợn “Không Tắm” Mang Lại Hiệu Quả Cao Mô Hình Nuôi Lợn “Không Tắm” Mang Lại Hiệu Quả Cao

Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, không tắm cho lợn suốt quá trình nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

17/06/2011