Trồng Bông Lài Giúp Nhiều Đồng Bào Khmer Có Cuộc Sống Sung Túc
Cũng là làm nông, nhưng từ lâu trồng cây bông lài đối với những người ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, được xem là một nghề truyền thống. Bởi, cây bông lài được trồng tập trung ở một vài khu vực vùng ven thành phố và hầu hết các hộ trồng lài đều đã có thâm niên trong nghề ít nhất là từ 10 - 40 năm. Nghề trồng bông lài không phải nhọc nhằn một nắng hai sương, nhưng nguồn thu mang lại khá cao và ổn định.
Những ngày trung tuần tháng 12, tuy không phải là mùa của cây lài ra hoa tập trung, nhưng ở các vùng trồng lài ven thành phố Trà Vinh, như phường 7, 8, 9; xã Lương Hòa, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, vẫn nhộn nhịp người tranh thủ hái nhanh những búp hoa lài để kịp trước khi trời sụp tối.
Theo những lão nông thâm niên trong nghề trồng lài thì chẳng còn ai biết rõ cây lài xuất hiện trên đất Trà Vinh từ khi nào. Lão nông Trang Hoàn Ngươn, ở ấp chợ, xã Lương Hòa, năm nay đã hơn 70 tuổi, có gần 40 năm trồng lài chỉ nhớ cây lài xuất hiện trên đất Lương Hòa vào đầu thập niên 70. Riêng gia đình ông đến với nghề trồng lài vào đầu năm 1973.
Theo ông Ngươn, nghề trồng lài có một “qui luật bất thành văn” là muốn vào nghề thì phải có được một cơ sở chế biến trà trong tỉnh đỡ đầu, ký kết hợp đồng thu mua thì mới dám bỏ vốn đầu tư trồng lài. Có thể nói, toàn bộ diện tích lài trong tỉnh đã được các cơ sở chế biến trà lài tính toán đến nhu cầu sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tuy các cơ sở chế biến trà nắm quyền chủ động, nhưng hàng chục năm qua mối “liên kết” này chưa bao giờ bị phá vỡ. Người trồng lài và các cơ sở chế biến trà luôn gắn bó cùng nhau, giữ chặt nguồn lợi cho cả đôi bên.
Ở tỉnh Trà Vinh, nghề chế biến trà lài nổi tiếng từ rất lâu đời và đã phát triển đến nay có hơn gần chục cơ sở chế biến trà lài. Tiệm trà Tái Thành, ở phường 2 thành phố Trà Vinh là tiệm trà có tiếng hàng chục năm nay cũng nhờ thương hiệu trà lài. Chủ tiệm trà Tái Thành cho biết, trà lài của Trà Vinh được nhiều khách hàng cả nước biết đến và ưa chuộng. Có rất nhiều kiều bào về thăm quê khi rời nước cũng tìm đến Trà Vinh để mua trà lài làm quà biếu.
Nhờ vậy, mà nghề trồng lài ở Trà Vinh theo thời gian phát triển thêm nhiều. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 200 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer, trồng gần 45 ha cây bông lài, cho sản lượng bình quân khoảng 2,78 tấn/năm.
Người dân thường trồng cây bông lài theo phương pháp ghép nhánh làm giống. Thời gian trồng chỉ từ 3 đến 4 tháng là bắt đầu có thu hoạch hoa, nhưng năng suất không cao. Khi cây đạt độ tuổi 1 đến 2 năm thì năng suất mới đạt đến đỉnh điểm. Cây bông lài rất dễ trồng chỉ tốn công làm cỏ, bón phân đúng định kỳ, sớm phát hiện sâu bệnh để phòng trị kịp thời.
Mùa thu hoạch chính của hoa lài là vào tháng 2, tháng 3 hàng năm, năng suất đạt khoảng 10kg/công/ngày, nhưng giá chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Nguyên do là lúc chính vụ thu hoạch bông lài thì lại nghịch với mùa thu hoạch trà, nhu cầu chế biến không nhiều nên hoa lài rớt giá. Còn vào mùa nghịch từ tháng 7 - tháng 11, năng suất chỉ đạt từ 3 - 4 kg/công/ngày, nhưng giá bán cao, từ 50 – 80 nghìn đồng/kg.
Tại xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tuy là vùng trồng lài “hậu bối” so với các vùng khác trong tỉnh Trà Vinh, nhưng hơn 10 năm qua, 70 hộ đồng bào dân tộc Khmer ở đây đã có cuộc sống khá sung túc, ổn định nhờ trồng hơn 9,5 ha cây lài. Ông Thạch Văn Thắng, ở ấp Cổ Tháp A, xã Nguyệt Hóa, cho biết: Ưu điểm của nghề trồng lài là mỗi ngày đều có thu nhập. Bình quân, một công lài ở độ tuổi trên 2 năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thuê lao động hái hoa...
Ông Thạch Văn Thắng còn cho biết thêm, cây lài còn được người dân ở Nguyệt Hóa xem là cây trồng “khai mở” phá bỏ thói quen sản xuất lạc hậu. Trên những vùng đất giồng cát của xã Nguyệt Hóa trước kia, hầu hết đồng bào Khmer chỉ biết chờ mưa xuống trồng khoai lang, trồng mì, rồi bỏ mặc cho đất, cho trời đợi đến ngày thu hoạch.
Nhưng kề từ khi cây lài bén rễ trên vùng đất giồng cát, cho thu nhập cao và ổn định, hầu hết những người không được ký kết hợp đồng trồng lài cũng chuyển sang trồng những cây hoa màu khác cho hiệu quả kinh tế cao như: bắp, dưa hấu, đậu phộng, đậu xanh…
Không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định, nghề trồng lài ở Trà Vinh còn tạo được việc làm cho hàng trăm lao động là các em nhỏ, người già với việc hái thuê hoa lài. Cứ 1 kg búp hoa lài hái xong, người hái thuê được trả 8000 đồng. Tuy không nhiều, nhưng là việc làm nhẹ nhàng, giúp các em nhỏ, người già có hoàn cảnh gia đình khó khăn đỡ phần nào trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch UBND xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang) Nguyễn Hoàng Vĩnh, cho biết thông tin trên. Theo ông Vĩnh, 2 vụ đông xuân và hè thu vừa qua, nông dân trong xã đã xuống giống 16.770 héc-ta và đều được thu hoạch dứt điểm bằng cơ giới, giảm chi phí khoảng 1 triệu đồng/héc-ta so với thu hoạch thủ công trước đây. Với năng suất bình quân 6,5 tấn/héc-ta, sản lượng lương thực toàn xã từ đầu năm đến nay đạt 97.285 tấn. Nông dân Lương An Trà hiện đang dọn đất chuẩn bị xuống giống vụ 3, dự kiến sẽ thực hiện trên 7 tiểu vùng, với diện tích 1.500 héc-ta.
Hải sâm là một loại hải sản có giá trị kinh tế cao, do đặc tính sống ở vùng nước nông, di chuyển chậm nên trong những năm qua, loài hải sản này đang bị khai thác với cường độ lớn và có nguy cơ cạn kiệt.
Không chỉ là nguồn thực phẩm tốt cho sức khoẻ con người và là bài thuốc quý mà rau ngót còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.