Giá / Mô hình kinh tế

Trở Ngại Sản Xuất Mía Đường

Trở Ngại Sản Xuất Mía Đường
Tác giả: 
Ngày đăng: 13/06/2013

Trong sản xuất và tiêu thụ mía của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) hiện nay, ngoài chịu ảnh hưởng chung của cơ chế thị trường, thì nhiều nơi nằm trong vùng nguyên liệu vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, dẫn đến việc giá thu mua mía nguyên liệu giảm.

Theo kế hoạch, vụ mía 2013-2014, Casuco sẽ ký hợp đồng bao tiêu với nông dân khoảng 1,2 triệu tấn mía, với giá sàn bảo hiểm là 830 đồng/kg, mía 10 CCS tại cầu cảng nhà máy. Mức giá này, thấp hơn 70 đồng/kg so với cùng kỳ. Lý giải về giá bao tiêu giảm, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho biết: Thời gian gần đây, do tình hình đường nhập lậu còn diễn ra gay gắt, dẫn đến giá đường trên thị trường liên tục giảm mạnh, việc sản xuất đường không có lãi nên giá bao tiêu mía cũng bị “liên lụy”. Nếu như vào thời điểm này của năm trước, giá đường bán ra tại công ty từ 16.000-17.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn trên dưới 14.000 đồng/kg. Giá thấp kéo theo việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Hiện công ty vẫn còn tồn kho trên 10.000 tấn đường, trong khi mọi năm đã tiêu thụ hết trước đó khoảng 1 tháng. Việc Casuco đưa ra mức giá bao tiêu vào thời điểm này chỉ mang tính bảo hiểm cho nông dân, đến khi thu hoạch sẽ thu mua theo giá thị trường nhưng không dưới giá đã ký kết.

Bên cạnh giá đường giảm, một nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến giá thu mua mía hiện nay là do chất lượng nguồn mía nguyên liệu trong dân chưa cao, một số vùng sản xuất, mía còn lẫn nhiều tạp chất làm ảnh hưởng đến chữ đường. Trong sản xuất mía, chữ đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là thước đo và quyết định đến giá thu mua, vì chữ đường càng cao thì giá mía càng tăng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít nông dân chưa thật sự quan tâm đến chữ đường. Thông thường, mỗi vụ mía người dân phải đánh lá từ 4-5 lần để mía thông thoáng, lớn nhanh, ít sâu bệnh, đặc biệt không bị lẫn nhiều tạp chất trong quá trình thu hoạch. Riêng vùng mía tại TP.Vị Thanh và huyện Long Mỹ, đa phần bà con ở 2 khu vực này chỉ đánh lá 2 lần từ khi trồng đến thu hoạch, điều này dẫn đến hệ lụy là, mía sẽ còn lẫn nhiều tạp chất và ảnh hưởng đến chữ đường, kéo theo giá thu mua giảm.

Bà Nguyễn Thị Nhung, ở ấp Mỹ 1, xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh, bộc bạch: “Mía sau khi trồng 1-2 tháng sẽ đánh lá lần đầu, đến tháng thứ 5 hoặc 6 thì đánh lá lần 2 và bỏ luôn cho đến khi thu hoạch. Sở dĩ làm theo hình thức này là nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư”. Với cách tiết kiệm trên, vô tình người dân đã tự hạ giá mía của mình, bởi khi vào vụ thu hoạch rộ, nhân công chỉ đốn mía ở phần gốc và chặt ngọn rồi bó lại chở đến nhà máy đường. Lúc này, vẫn còn nhiều lá mía bám trên thân nên gây ra tình trạng lẫn tạp chất và hạ chữ đường là điều khó tránh khỏi.

Ngoài tạp chất bên ngoài, một lý do khác làm cho chữ đường giảm là việc người dân vẫn còn bón phân urê trước khi thu hoạch mía vài ngày. Vì bón phân trong giai đoạn này, có thể giúp thân mía sẽ lớn nhanh nhưng rễ sẽ hút và trữ nước lại trong thân, tuy có năng suất nhưng chữ đường giảm đi khá nhiều. Chính vì vậy, dù mía đạt năng suất cao, nhưng không có chữ đường thì nguồn lợi nhuận của nông dân sẽ giảm. Phó Tổng Giám đốc Casuco Nguyễn Hoàng Ngoan cho biết thêm: Hiện nay, Bộ NN&PTNT yêu cầu tất cả các nhà máy đường đều phải mua mía theo chữ đường, nên các hộ trồng mía phải chú trọng nâng cao chất lượng cây mía. Loại bỏ tạp chất trước khi nhập vào nhà máy mới đảm bảo được lợi nhuận là một việc làm cần thiết.

Trong nền kinh tế thị trường, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo mục tiêu lợi ích kinh tế, lợi nhuận cho các cổ đông góp vốn đầu tư và công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, còn phải thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ cho người trồng mía như: bao tiêu và đưa ra mức giá sàn trước khi mùa thu hoạch mới bắt đầu, đầu tư mía giống, khoa học kỹ thuật trong vùng mía nguyên liệu… Trước điều kiện kinh tế khó khăn, trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp có thể chấp nhận lỗ hoặc lợi nhuận ít hơn để chia sẻ với chủ mía. Tuy nhiên, nếu tình trạng thua lỗ cứ kéo dài sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lẫn nông dân.

Theo Casuco, để duy trì việc sản xuất đường trong thời gian tới và để đảm bảo đầu ra cũng như đời sống của người trồng mía, bên cạnh việc nhà máy đường phải cải tiến công nghệ sản xuất, người dân cũng cần thay đổi tập quán canh tác. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn mía nguyên liệu, thường xuyên sử dụng các giống mía mới chất lượng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của đường trong nước với thế giới. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần quan tâm, xem xét hạ lãi suất ngân hàng, có cơ chế để nông dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng cho nhà máy đường về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT. Bên cạnh đó, cần có biện pháp mạnh hơn nữa ngăn chặn đường nhập lậu để cứu lấy các nhà máy đường trong nước và giúp nông dân trồng mía giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống…


Có thể bạn quan tâm

Không Có Gạo Giả Ở Hà Nội Không Có Gạo Giả Ở Hà Nội

Kết quả xét nghiệm từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy mẫu gạo được cho là “gạo giả” hoàn toàn là gạo thật. Hàm lượng amilo trong loại gạo này cao khiến gạo nấu lâu thành cơm hơn các loại khác.

13/06/2013
Cá Tra Nguyên Liệu Thiếu Hụt Trầm Trọng Cá Tra Nguyên Liệu Thiếu Hụt Trầm Trọng

Trong khi thị trường xuất khẩu cá tra sôi động trở lại, nhưng hai tỉnh đầu nguồn là Đồng Tháp và An Giang lại đang bị ngập lũ khiến cho nguồn cung cá tra nguyên liệu lại càng thiếu hụt nghiêm trọng

13/06/2013
Tôm Bệnh Do Quản Lý Tôm Bệnh Do Quản Lý

Các địa phương có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đều rất bức xúc trước tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi tôm, nhiều người nói thẳng đó là hành vi “đổ chất độc vào ao tôm”. Hậu quả nghiêm trọng chẳng những gây thiệt hại lớn cho tôm nuôi, làm thiệt hại ngành thủy sản mà còn gây ra nhiều rủi ro cho môi trường sinh thái

13/06/2013