Giá / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Mô Hình Tổ Hợp Tác Sản Xuất Hành Tỏi Khánh Tân

Triển Vọng Mô Hình Tổ Hợp Tác Sản Xuất Hành Tỏi Khánh Tân
Tác giả: 
Ngày đăng: 29/07/2013

Đến thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) vào thời điểm vụ đông (vụ trồng chính), chúng tôi thấy những rẫy hành, tỏi trồng khoảng 2-3 tháng đang phủ màu xanh mướt mắt.

Như các vùng hành, tỏi khác trong tỉnh, hàng năm vào tháng 9, 10 nông dân Khánh Tân xuống giống gieo trồng tỏi và đến tháng 1, 2 thu hoạch. Riêng cây hành tím có thể làm 3 vụ nhưng vụ chính cũng bắt đầu từ tháng 9 và thu hoạch sau 2,5 đến 3 tháng trồng.

Những năm trước đây, nghề trồng hành, tỏi ở Khánh Tân phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tỏi bị cạnh tranh gay gắt về giá do tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan về. “Điệp khúc” được mùa mất giá, được giá mất mùa luôn lặp đi, lặp lại với người nông dân.

Để khắc phục thực trạng ấy, được sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ tháng 5-2012, Tổ hợp tác Sản xuất hành, tỏi Khánh Tân được thành lập, với 94 thành viên gồm các nông dân trồng hành, tỏi các thôn Khánh Tân và một số nông dân thôn Khánh Phước và Khánh Nhơn cùng xã (có canh tác hành, tỏi trên đất Khánh Tân).

Trên cơ sở Tổ sản xuất này, kết hợp với Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và dịch vụ Hải Việt, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh hỗ trợ hình thành Liên minh sản xuất hành, tỏi Hải Việt. Anh Đặng Thông, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hành, tỏi Khánh Tân cho biết: Đây là sự hợp tác tự nguyện giữa tổ hợp tác trồng hành, tỏi Khánh Tân với Công ty Hải Việt.

Thời gian hoạt động của Liên minh mới 7 tháng, còn quá sớm để đánh giá hiệu quả nhưng qua trao đổi, các thành viên đều đang đặt kỳ vọng qua liên minh sẽ xây dựng thương hiệu hành, tỏi có tiếng trên thị trường.

Khánh Tân là vùng đất pha cát, tơi xốp giàu mùn và khoáng chất, có giờ nắng trong ngày cao nên rất thích hợp với cây trồng hành, tỏi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn thôn có khoảng 200-250 ha diện tích chuyên canh cây hành, tỏi cung cấp cho thị trường mỗi năm từ 500 đến 1.000 tấn, trong đó có 50% là hành lá làm rau.

Anh Lê Văn Sơn, một nông dân đã có nhiều năm trồng hành chỉ vào rẫy hành 2 sào đang thuê người thu hoạch nói: Tôi đang trồng hành lá, thuận tiện là có thể sản xuất quanh năm, cứ bình quân mỗi đợt thu hoạch cho thu nhập mỗi sào 20 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 10 triệu đồng, nhưng với việc ra đời tổ hợp tác, sắp đến tôi sẽ chuyển sang trồng hành củ.

Theo nhiều nông dân địa phương, Khánh Tân được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với hành, tỏi, ngay cả trồng trong mùa mưa hành, tỏi vẫn rất ít khi bị nấm bệnh. Đề cập đến chất lượng hành, tỏi Khánh Tân, ông Võ Lợi, có diện tích 3 sào trồng hành, tỏi giải thích: Trồng hành, tỏi là nghề truyền thống có từ lâu đời ở đây, với đặc điểm củ tỏi thơm nồng khó nơi nào bằng, còn củ hành nhổ lên dù để lâu cũng không sợ hư thối.

Vụ đông năm nay, riêng Tổ hợp tác Sản xuất hành, tỏi Khánh Tân trồng diện tích 26 ha, trong đó có 10 ha tỏi và 16 ha hành. Tỏi đang trong giai đoạn chăm sóc, nhưng hành đã cho thu hoạch đạt năng suất bình quân 1,5-2 tấn/sào, cá biệt có hộ đạt 2,5 tấn/sào. Theo báo cáo của Tổ hợp tác, sản lượng chung của hành thu hoạch đạt trên 300 tấn, bình quân với giá bán hành củ 15.000 đồng/kg cho Liên minh và 14.200 đồng cho tư thương, đã đạt doanh thu gần 4,426 tỷ đồng (trong đó 75% sản lượng là bán cho Liên minh). Như vậy trừ chi phí, mỗi sào hành nông dân thu lãi trung bình trên 22 triệu đồng.

Theo anh Đặng Thông, nông dân tham gia Tổ hợp tác trong Liên minh Sản xuất hành, tỏi Hải Việt được Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh hỗ trợ 40% vốn đầu tư trong 2 năm, nhưng quan trọng hơn là sự liên kết hợp tác này sẽ giúp giải quyết, khắc phục tình trạng nông dân thiếu vốn sản xuất, bị tư thương ép giá và còn được đầu tư đúng mức cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp các dịch vụ cho vùng sản xuất hành, tỏi. Đặc biệt nông dân không còn phải lo vấn đề tiêu thụ sản phẩm vì đã có doanh nghiệp bao tiêu.

Có thể nói, Liên minh Sản xuất hành, tỏi Hải Việt không chỉ là cơ hội tạo ra phương thức làm ăn mới cho nông dân Khánh Tân mà còn giúp đánh thức tiềm năng của một vùng đất màu mỡ và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hành, tỏi. Với kinh nghiệm canh tác của nông dân và lợi thế về điều kiện sản xuất, qua liên kết với doanh nghiệp, Khánh Tân đang đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá sản phẩm và mở ra triển vọng mới trong việc tạo dựng thương hiệu hành, tỏi ở địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Người Nuôi Gà “Lênh Đênh” Theo Giá Trứng Ở Dak Lak Người Nuôi Gà “Lênh Đênh” Theo Giá Trứng Ở Dak Lak

Sau đợt tăng giá bất ngờ những ngày đầu năm 2013, đến nay giá trứng gà đang sụt giảm mạnh, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi lại một chiều tăng cao, khiến người nuôi gà không khỏi lao đao, nhiều gia đình ở Đak Lak lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần hoặc bỏ trống chuồng trại…

29/07/2013
Nông Dân Quay Lưng Với Cây Mía Nông Dân Quay Lưng Với Cây Mía

Mía một thời là cây công nghiệp chủ lực của huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Chính loại cây trồng này làm nên làng nghề mía đường tại xã Tân Phúc. Tuy nhiên sau khi chịu cảnh mía “đắng”, không ít hộ nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển sang trồng cao su, thanh long và một số cây ngắn ngày khác. Theo đó, làng nghề mía đường Tân Phúc đang bị lung lay...

29/07/2013
Vì Sao Ngư Dân Câu Mực “Giải Nghệ”? Vì Sao Ngư Dân Câu Mực “Giải Nghệ”?

Nghề câu mực khơi từ lâu được xem như một nghề ăn nên làm ra của ngư dân. Thế nhưng, hiện nay tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi hàng loạt đội tàu câu mực khơi đã “giải nghệ”.

29/07/2013