Triển Vọng Mô Hình Sản Xuất Nấm Cao Cấp Tại Điện Biên
Từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ KH&CN, Trại Giống Nông nghiệp huyện Điện Biên triển khai mô hình sản xuất nấm cao cấp trên diện tích 2.000 m². Sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện và chuyển giao công nghệ mô hình nấm cao cấp cho thấy: Khả năng sinh trưởng và phát triển của nấm tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu Điện Biên, mang lại giá trị kinh tế cao.
Từ việc tận thu tối đa các phế phẩm có sẵn như: Mùn cưa, rơm rạ, thân lõi ngô, bông phế liệu vào quy trình sản xuất, năm 2012, Trại Giống thu hoạch gần 100 tấn nấm thương phẩm, xuất bán chủ yếu cho thị trường khu vực lòng chảo Điện Biên. Hiện nay, 1kg nấm chân dài có giá từ 200 - 250 nghìn đồng, nấm linh chi có giá gần 300 nghìn đồng/kg, các loại nấm khác như: nấm sò tím, nấm hương, nấm sò vua giá dao động từ 100 - 150 nghìn đồng/kg. Khối lượng sản xuất nấm trong năm tương đối cao, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong tỉnh. Nấm thuộc loại thực phẩm sạch, chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng cao như: đạm, lipít... có lợi cho sức khỏe con người. Ngoài ra, nấm còn có tác dụng phòng và chữa bệnh tốt như nấm linh chi. Từ những lợi ích trên, nấm cao cấp thu hút được thị hiếu người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng để thay thế một số loại thực phẩm động vật kém an toàn như hiện nay.
Anh Phạm Ngọc Sáng, Phó trưởng Trại Giống Nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Quy trình sản xuất nấm cao cấp đòi hỏi kỹ thuật tương đối khắt khe. Thời gian bắt đầu bỏ phôi vào bịch đến khi sợi nấm ra nhũ, phát triển và cho thu hoạch kéo dài từ 70 - 75 ngày. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào công đoạn sản xuất nấm, cần tuân thủ nghiêm ngặt khâu chọn, xử lý và làm sạch nguyên liệu. Khi đưa bịch nấm lên sàn hoặc làm giàn treo, phải duy trì nhiệt độ thích hợp và tạo độ ẩm phù hợp. Thường nhiệt độ tốt nhất là từ 24 - 28 độ C và giữ độ ẩm ở mức 60 70% sẽ đảm bảo cho nấm sinh trưởng và phát triển tốt.
Do những đặc trưng đó, quá trình bắt tay vào thực hiện Dự án, Trại Giống gặp không ít khó khăn. Đây là mô hình sản xuất nấm công nghệ cao, áp dụng lần đầu tiên trên địa bàn, nên đội ngũ lao động kỹ thuật còn ít kinh nghiệm trong khâu chăm sóc. Tuy nhiên khắc phục tồn tại, Trại Giống nhận được nguồn vốn hỗ trợ và đào tạo nhân lực từ Dự án; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật sản xuất nấm theo dây chuyền công nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Trại Giống đã đào đạo được đội ngũ công nhân tương đối lành nghề, có cán bộ kỹ sư nông nghiệp, chuyên nghiên cứu sản xuất phôi giống nấm và kỹ thuật trồng nấm cao cấp. Bên cạnh đó, Trại Giống xây dựng một khu nhà chuyên biệt phục vụ sản xuất nấm cao cấp với hệ thống lò hơi, buồng hấp khí trùng, trang thiết bị sản xuất phôi nấm, phòng nuôi dưỡng chăm sóc sợi nấm...
Từ hiệu quả mô hình sản xuất nấm cao cấp, cho giá trị cao về kinh tế đã mở ra hướng phát triển nghề trồng nấm thương phẩm tại Điện Biên. Năm 2013, Trại Giống tiếp tục sản xuất, trồng 7.000 bịch nấm cao cấp. Ước tính đầu tháng 7 sẽ cho thu hoạch. Thời gian tới, Trại Giống tiếp tục mở rộng cơ sở vật chất, phục vụ sản xuất nấm cao cấp với quy mô lớn hơn; tập huấn nâng cao chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ lao động; tiến hành liên kết với các cơ sở, trung tâm dạy nghề thực hiện chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình trồng nấm cao cấp trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Từ tháng 3/2013 đến nay, trên các cánh đồng ớt ở huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), không khí tất bật mùa thu hoạch. Mới bước vào đầu vụ thu hoạch, giá ớt thu mua khá cao và ngày càng tăng, từ 12.000 đồng/kg lên gần 25.000 đồng/kg, thương lái vào tận ruộng thu mua nên đầu ra quả ớt rất thuận lợi.
Thời gian qua, nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm do biến động kinh tế đã làm ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có con cá tra. Thêm vào đó, đợt xét thuế chống bán phá giá lần thứ 8 của Bộ Công Thương Mỹ làm cho "đầu ra" của con cá tra đã khó lại càng thêm khó.
Với đặc điểm thổ nhưỡng đất cát bạc màu, thiếu nước tưới, ngoài một số ít diện tích chủ động nước sản xuất lúa, đất nông nghiệp ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) chỉ phù hợp với cây mì; song trồng mì thời gian dài làm cho đất nghèo dinh dưỡng, hiệu quả không cao. Trong điều kiện như vậy, những năm gần đây người dân chuyển sang trồng cây đậu phụng và điều đó đã giúp họ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.