Trễ Vụ Hè Thu Và Áp Lực Sâu Bệnh Trên Lúa Ở Bình Thuận
Thời gian qua, do hạn hán kéo dài, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và sản xuất hè thu tại một số địa phương ở Bình Thuận. Đây cũng chính là nguyên do dẫn đến việc trễ thời vụ xuống giống, gây áp lực về tình hình sâu bệnh trên cây trồng gia tăng.
Theo hướng Bắc, chúng tôi có dịp đi dọc theo tuyến quốc lộ 1A để tận mắt chứng kiến màu xanh từ lớp mạ non, thay thế dần cho từng cánh đồng khô cằn của một tháng trước đó ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong. Nhiều chân ruộng đã được phủ khắp nước tưới, từng chiếc máy cày đang chạy hết công suất. Còn người nông dân tay cầm cuốc dọn cỏ, đắp bờ, khẩn trương xuống giống vụ hè thu 2013.
Mặc dù so với khung thời vụ sản xuất mà Sở Nông nghiệp & PTNT đã đề ra, tiến độ gieo trồng lúa của nông dân trong tỉnh bị trễ khoảng 1 tháng do nắng hạn (kế hoạch tập trung sản xuất trong tháng 4/2013). Nhưng nhờ những ngày gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã kịp đón nhận từng cơn mưa đầu mùa, góp phần xoa dịu cho các cánh đồng trơ đất vì hạn hán thời gian trước đó.
Ông Phạm Hữu Thủ - Trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết, đến thời điểm giữa tháng 5/2013, toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 15.000 ha lúa/37.000 ha kế hoạch vụ. Trong đó, một số địa phương đã sản xuất diện tích khá lớn như Tánh Linh 5.285 ha, Đức Linh 3.600 ha, Hàm Thuận Bắc 3.000 ha và Bắc Bình 2.650 ha. Phấn đấu đến cuối tháng 5/2013 toàn tỉnh sẽ xuống giống được khoảng 2/3 diện tích và đến cuối tháng 6 sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, từ lý do trễ khung thời vụ, đã kéo theo nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất lúa. Theo kỹ sư Trần Minh Tân - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV), đáng chú ý nhất hiện nay là nguy cơ xuất hiện các loại sâu bệnh trên lúa rất cao. Cụ thể, hiện ở một số cánh đồng đang xuất hiện rầy nâu tuổi 4 – 5 ở mật số thấp. Ngoài ra, bệnh đạo ôn lá gây hại trên lúa hè thu, giai đoạn đẻ nhánh - đòng.
Diện tích nhiễm 67 ha phân bố ở huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc. Kỹ sư Trần Minh Tân cho biết thêm: Từ việc trễ thời vụ sản xuất hè thu sẽ kéo theo trễ vụ đông xuân. Đồng thời, tăng nguy cơ xuất hiện nhiều sâu bệnh ở cuối vụ hè thu như rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn cổ bông. Bên cạnh đó, lúa sẽ làm đòng, trổ vào mùa mưa nên dễ bị đổ ngã, lem lép hạt. Mặt khác, khi thu hoạch lúa nếu gặp mưa thì tỷ lệ nảy mầm cao, gây thất thoát và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản...
Trước những khó khăn đó, Chi cục BVTV khuyến cáo, các địa phương cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ ruộng lúa, khi phát hiện những khu vực có mật độ rầy trên dưới 3 con/tép, nên xử lý bằng thuốc đặc hiệu. Đặc biệt chú ý không sử dụng các nhóm thuốc gây tái phát rầy cuối vụ theo hướng dẫn của Chi cục BVTV. Cũng theo chỉ đạo của Chi cục BVTV tỉnh, khi phát hiện có bệnh đạo ôn lá, cần ngừng bón đạm.
Đồng thời không để ruộng khô nước và tích cực phun thuốc trừ bệnh. Song song các biện pháp đối phó với sâu bệnh trên lúa, để tăng hiệu quả sản xuất vụ hè thu 2013, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương phải chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, đất đai và căn cứ tình hình thời tiết, nguồn nước sản xuất. Ngoài ra, chủ động các phương án đối phó với thời tiết bất lợi, khoanh vùng sản xuất, xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng; gieo trồng tập trung, đúng mật độ, kiên quyết không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa.
Khuyến cáo nông dân sử dụng giống nguyên chủng hoặc xác nhận, giống kháng rầy để gieo trồng. Mặt khác, đẩy mạnh việc ứng dụng phương pháp sạ hàng với lượng giống gieo từ 100 - 120 kg/ha, nếu sạ lan (gieo thẳng) thì không vượt quá 150 kg/ha. Lưu ý phải theo dõi diễn biến rầy nâu di trú, số lượng rầy vào đèn tại địa phương...
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá ban đầu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT, hiện trung bình mỗi tỉnh người dân bỏ ruộng với diện tích từ 100ha trở lên.
Vừa qua, tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè) đã diễn ra Hội nghị triển khai Quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Trọng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cùng hơn 30 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống có nhận đàn cá tra chọn lọc của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.
Hiện người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải “gồng lưng” chịu lỗ từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Đã lỗ, còn bị doanh nghiệp ép giá, chiếm dụng vốn khiến nông dân không còn tiền tái đầu tư nuôi mới. Tình trạng “treo ao” diễn ra khắp vùng, có nơi diện tích “treo ao” lên đến 60%. Sản phẩm chiến lược quốc gia vì đâu nên nỗi?