Giá / Mô hình kinh tế

“Trắng” Bãi Nghêu Ở Tân Thành (Tiền Giang)

“Trắng” Bãi Nghêu Ở Tân Thành (Tiền Giang)
Tác giả: 
Ngày đăng: 25/03/2013

Ông Trần Văn Vinh, một trong những người gắn bó với nghề nuôi nghêu ở biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông - Tiền Giang) tâm tư: Có lẽ trong lịch sử mấy chục năm nuôi nghêu, năm nay nghêu chết nặng nhất và thiệt hại của địa phương cũng nhiều nhất.

 
Trung tuần tháng 3, vào ban ngày nước biển phủ đầy nhưng trên mép bờ biển vẫn thấy vỏ nghêu chết phủ trắng xóa do những cơn sóng đánh dạt vào. Hơn 20 năm nuôi nghêu ở vùng biển Tân Thành, ông Trần Văn Vinh đúc kết: Những năm trước nghêu cũng chết, có sân chết nhiều, sân chết ít, sân không chết nên người dân tiếp tục đeo bám để tiếp tục theo nghề và bám biển. 
Trong 5 năm liên tục gần đây, nghêu đều có chết, có năm ít năm nhiều, nhưng riêng năm nay nghêu chết phủ trắng cả bãi. Điều đặc biệt là năm nay người nuôi lại đầu tư rất lớn vào con nghêu, người từ vài ha đến vài chục ha, nên diện tích thiệt hại cũng rất lớn. 
“Đến thời điểm hiện nay, người nuôi nghêu có vốn nhà bỏ ra gần như mất hết vốn, còn người nuôi đi vay thêm hoặc vay vốn 100% thì hoàn toàn phá sản, không có khả năng thanh toán. Tình trạng vỡ nợ đối với người nuôi nghêu năm nay sẽ đại trà chứ không còn cá biệt như những năm trước” - ông Trần Văn Vinh chia sẻ. 
Gần cả đời gắn bó với con nghêu Tân Thành, cũng có lúc thăng, lúc trầm, nhưng có lẽ năm nay ông Nguyễn Văn Nhịn, xã Tân Thành, thiệt hại nặng nề nhất. Ông Nguyễn Văn Nhịn nói rằng, những năm gần đây nghêu chết liên tục và năm nay là tăng lên đỉnh điểm. Ông có 50 ha nghêu (trong đó có liên kết nuôi với một vài người khác) là một trong những người có diện tích nuôi nhiều nhất và có thời gian nuôi nghêu lâu năm ở xã Tân Thành, nhưng năm nay diện tích thiệt hại nhẹ nhất khoảng 60%, thiệt hại nặng là 100% trong gần 100% diện tích nghêu được thả nuôi hiện nay. 
“Có lẽ trong lịch sử nuôi nghêu ở vùng biển Tân Thành, năm nay là năm thiệt hại lớn nhất, số lượng vốn đầu tư cũng nhiều nhất do giá giống khi thả nuôi quá cao, dao động từ 140 - 170 đồng/con nghêu giống. Tính chung thiệt hại của vụ nghêu năm nay hơn 12 tỷ đồng. Số nghêu còn lại đến nay chưa bán được con nào, nghêu đang ở mức 55 con/kg. Sau cơn hoạn nạn này sẽ không còn bao nhiêu người có khả năng gắn bó với nghề nuôi nghêu, trong khi hiện nay chưa nghe nói chính sách hỗ trợ của Nhà nước” - ông Nguyễn Văn Nhịn tâm tư như thế. 
Câu hỏi lớn đang được đặt ra là vì sao con nghêu Tân Thành liên tục bị chết nhiều năm và năm nay tăng lên đỉnh điểm nhưng dường như chưa có lời giải thỏa đáng. Nhiều đoàn của các ngành cũng đã về bãi biển Tân Thành, nhất là sau những đợt nghêu chết để tìm hiểu nguyên nhân kể cả lấy mẫu nước, mẫu nghêu về phân tích nhưng vẫn chưa đưa ra kết quả cụ thể. 
Riêng trường hợp nghêu chết bất thường như năm nay, người nuôi ở đây dự đoán nguyên nhân có thể là do môi trường nước. Bởi gần đây có hiện tượng túi nilon cũ tràn phủ vào bãi nuôi nghêu. Hiện tượng này từ trước đến nay chưa có. Do đó bà con nuôi nghêu nghĩ không biết phải do cải tạo hệ thống sông ngòi, kinh mương đã đẩy lượng chất thải này ra biển, làm ảnh hưởng đến các sân nghêu. 
Một trong những điều bất thường của vụ nghêu năm nay là tình trạng nghêu chết diễn ra sớm hơn mọi năm. Ông Trần Văn Vinh nói rằng, thông thường người nuôi nghêu canh thả giống đến tháng Chạp hàng năm là thu hoạch do những năm về trước nghêu chết từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch của năm sau. Nhưng năm nay nghêu bắt đầu chết vào thời điểm tháng Chạp năm trước, trúng vào thời gian chuẩn bị thu hoạch nghêu, sớm hơn dự đoán của người nuôi khoảng 2 tháng. 
“Cũng có thể nghêu chết sớm hơn mọi năm do năm trước nhuần 2 tháng, đồng thời vừa rồi có gió mùa Đông Bắc thổi mạnh và kéo dài hơn. Trước tình thế này người nuôi nghêu đề nghị Nhà nước giảm tiền cho thuê đất hoặc miễn hẳn tiền thuê đất trong vài năm để người dân tìm cách khôi phục lại nghề nuôi nghêu” - ông Trần Văn Vinh cho biết. 
Không khí ảm đạm do nghêu chết kéo dài cả bãi biển, thiệt hại nặng nhất ở ấp Cầu Muống, Cây Bàng, Tân Phú của xã Tân Thành. Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, hiện nay có khoảng 183 hộ nuôi nghêu bị thiệt hại với trên 1.200 ha, ước thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng. Xã đang đề nghị huyện, tỉnh khoanh nợ hoặc giảm tiền thuê đất cho người nuôi nghêu. 
Thiệt hại vụ nghêu năm nay không chỉ đối với người nuôi, mà còn ảnh hưởng đến nhiều người trong và ngoài xã. Nghêu chết đã kéo theo hàng ngàn lao động ở địa phương sống bằng nghề đi bắt nghêu không có việc làm. Tân Thành xóa đói giảm nghèo nhanh hơn các xã khác cũng phần nào nhờ nghề nuôi nghêu. Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm bãi nghêu đã giải quyết việc làm cho 300.000 ngày công lao động, giá trị của mỗi ngày công khoảng 150.000 đồng. Đây lại là lao động giản đơn không cần đến tay nghề cao nhưng có thu nhập đảm bảo cơ bản cuộc sống của người dân. 
Khi trao đổi với chúng tôi về tình hình và thực trạng con nghêu hiện nay, bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cũng tâm tư: Nghêu chết đang là vấn đề nóng của địa phương và được theo dõi hàng ngày. Theo thống kê sơ bộ, số diện tích nuôi nghêu bị thiệt hại khoảng 1.200 ha, trong đó diện tích thiệt hại thấp nhất là 50%, nhiều nhất là 100%. 
Những ngày qua, huyện đã phối hợp với Chi Cục Thú y, Chi cục Thủy sản và các ngành tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng vùng nuôi nghêu Gò Công để tìm hiểu nguyên nhân. Tiếc rằng nhiều năm qua vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra được nguyên nhân cụ thể vì sao con nghêu bị chết. 
Còn đối với chính sách hỗ trợ người nuôi nghêu bị thiệt hại, bà Huỳnh Thị Tỏ nói rằng, hiện nay huyện đang phối hợp với các ngành để thống kê, đánh giá tình hình thực tế, sau đó mới có đề xuất với tỉnh về các chính sách hỗ trợ người nuôi nghêu bị thiệt hại như thế nào, còn hiện tại chưa có chính sách hỗ trợ nào được thực hiện. 
Câu chuyện con nghêu Gò Công Đông những ngày qua trở nên đề tài nóng bỏng không chỉ đối với các sở, ngành, địa phương mà còn đối với các phương tiện thông tin truyền thông trên cả nước. Lãnh đạo xã Tân Thành nói rằng, hàng chục phương tiện thông tin truyền thông từ Đài THVN, VTC, THTG và rất nhiều cơ quan báo in cũng đã tìm về Tân Thành để phản ảnh về thực trạng con nghêu Gò Công đang bị chết một cách bất thường.


Có thể bạn quan tâm

Quy Hoạch 4.500ha Trồng Cây Ăn Quả Chủ Lực Quy Hoạch 4.500ha Trồng Cây Ăn Quả Chủ Lực

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả Nam bộ đến năm 2020. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã chọn 12 loại cây ăn quả chủ lực, trong đó có 5 loại cây được trồng rải vụ. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000ha, bao gồm 12 loại cây ăn quả chủ lực như: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, thơm, cam, mãng cầu và quýt.

25/03/2013
Làm Giàu Trên Vùng Cát Trắng Làm Giàu Trên Vùng Cát Trắng

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan trang trại “sản xuất, chăn nuôi tổng hợp” của kỹ sư ngành công nghệ thông tin Nguyễn Thanh Tuấn ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

25/03/2013
Mô Hình Trồng Sen Kết Hợp Nuôi Cá Mô Hình Trồng Sen Kết Hợp Nuôi Cá

Trước đây, một số nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) tận dụng các ao, hầm, đìa bàu, mương vườn… cạnh nhà trồng sen chỉ để làm cảnh cho đẹp. Nhưng, từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với từng vùng sinh thái và tạo nguồn thu nhập bền vững cho nông dân, nhiều hộ nông dân ở các xã Phú Đức, Phú Cường, thị trấn Tràm Chim...

25/03/2013