Giá / Mô hình kinh tế

Tôm Thẻ Chân Trắng "Lên Đời"

Tôm Thẻ Chân Trắng
Tác giả: 
Ngày đăng: 19/10/2011

5 năm trở lại đây, người dân vùng ven biển tỉnh Bình Thuận đã bắt đầu chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) sau thất bại của con tôm sú. Những lợi ích kinh tế mang lại khiến người dân ngày càng tin tưởng và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi. Mới đây, thông tin sẽ đưa TTCT ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã phần nào giải tỏa tâm lý của những người đang nuôi tôm.

Cứ nhắc đến con tôm sú, nhiều người nuôi tôm ở xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) vẫn còn hãi hùng khi bao nhiêu vốn liếng cứ đội nón ra đi. Người vỡ nợ không phải là ít khi dịch bệnh trên tôm sú cứ xảy ra liên miên. Khi TTCT xuất hiện ở tỉnh Bình Thuận vào năm 2005, dân nuôi tôm như bắt được phao sau một thời gian dài "thoi thóp". Ông Hùng – một trong những người nuôi tôm lâu năm ở xã Vĩnh Hảo cho biết, sau một thời gian "vật lộn" với tôm sú, tìm đủ mọi cách gỡ vốn, nhưng càng làm càng thua lỗ. Nghe nhiều người giới thiệu giống TTCT với thời gian nuôi ngắn hơn (2,5 – 3 tháng) lại ít bệnh, nên gia đình quyết định thử vận may lần nữa.

Từ nuôi thử nghiệm, dè chừng, vay nợ... nhiều gia đình hôm nay đã thật sự đổi đời vì hiệu quả mà TTCT mang lại. Nếu năm 2006 chỉ có khoảng 100 ha, thì nay diện tích nuôi TTCT toàn tỉnh đã hơn 805 ha, tăng hơn 113 ha so với năm ngoái, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Phong với 348,34 ha. Mấy năm liền, người nuôi TTCT rất phấn khởi vì thắng lớn, do đó không tránh khỏi việc người dân ồ ạt thuê đất, mở rộng diện tích nuôi. Và việc nuôi tôm tự phát, không theo quy hoạch của ngành tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng con tôm. Từ năm ngoái đến nay, nhiều vụ nuôi TTCT bắt đầu có dấu hiệu bất ổn. Người nuôi cho rằng đó là những dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh trên TTCT cũng như đã từng xảy ra ở tôm sú. Còn ngành chức năng cho rằng, do thời tiết nắng nóng kéo dài và người dân không nuôi đúng theo quy trình, khuyến cáo của ngành chức năng. Việc xả thải trực tiếp ra môi trường từ năm này qua năm khác cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng tôm bị sụt giảm.

Anh Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận khẳng định: "Từ năm 2005 đến nay, chưa có dịch bệnh nào xảy ra trên TTCT. Những đợt tôm bị chết theo dây chuyền vừa qua một phần là do thời tiết và nguồn nước nuôi không đảm bảo. TTCT vốn dĩ là loài kháng bệnh tốt, nếu tỉnh Bình Thuận đưa các dự án quy hoạch vùng nuôi tôm giống lẫn tôm thương phẩm vào hoạt động, thì thương hiệu tôm giống Bình Thuận sẽ vươn xa hơn và thị trường sẽ dồi dào hơn, tôm thương phẩm cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, dự án các vùng quy hoạch nuôi tôm như ở Sơn Mỹ (Hàm Tân), Vĩnh Hảo, Chí Công (Tuy Phong) vẫn còn nằm trên giấy hoặc đã chuyển sang các dự án du lịch khác".

Vừa qua, khi Thông tư số 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ra đời, TTCT được đưa vào danh sách động vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, cùng với mức xử phạt từ 50 - 500 triệu đồng, buộc tái xuất hoặc tiêu hủy giống tôm, khiến người nuôi TTCT trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung hết sức hoang mang. Dù diện tích nuôi tôm thương phẩm của tỉnh còn khiêm tốn, nhưng TTCT thật sự đã trở thành "vị cứu tinh" của nhiều người dân. Anh Vinh nuôi tôm ở xã Chí Công thắc mắc: "Người ta cho rằng TTCT dễ gây dịch bệnh, có thể nhiễm sang các đối tượng tôm bản địa, gây thiệt hại đến sản xuất thủy sản và môi trường tự nhiên. Trong khi đó, bản thân tôm sú là loài bản địa nhưng đã gây dịch bệnh nghiêm trọng?". Trao đổi vấn đề này, anh Huy giải thích thêm: "Tôm sú đã mất khả năng kháng bệnh, lại mang tính thuần hóa lớn.

Giống tôm bố mẹ cũng không đảm bảo chất lượng, vì vậy việc nuôi tôm sú vô cùng khó khăn. Trong khi đó, TTCT đang giúp nông dân hái ra tiền và là nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu thủy sản. Gần đây, Bộ NN&PTNT đã cùng với Bộ TN&MT đã bàn bạc, thảo luận và sẽ đưa tôm thẻ chân trắng ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại". Lệnh cấm nuôi được bãi bỏ, người dân có thể yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, các hộ nuôi TTCT ở tỉnh Bình Thuận đang gặp phải khó khăn trong việc xây dựng bể xử lý nước thải vì chưa mang tính đồng bộ và chi phí đầu tư cao. Vì vậy, việc nuôi tôm tự phát vẫn diễn ra bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Vì lợi nhuận, dân bất chấp lấn đất rừng nuôi tôm, xả thải vô tội vạ, nuôi với mật độ dày, không cải tạo ao hồ thường xuyên và việc nuôi TTCT sẽ tiếp tục đi theo lối mòn của con tôm sú trong thời gian tới nếu ngành chức năng không có giải pháp mạnh tay


Có thể bạn quan tâm

Chủ Động Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Chủ Động Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi

Đã gần một tháng nay, nhiều hộ nuôi tôm ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình lo lắng vì nhiều diện tích ao hồ đã xảy ra tình trạng tôm bị dịch bệnh gây chết hàng loạt, làm ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập của người nuôi tôm...

19/10/2011
Nuôi Lợn Vẫn Lãi Nuôi Lợn Vẫn Lãi

Trong khi nhiều người nuôi lợn đã giảm quy mô hoặc chuyển nghề thì các xã viên HTX Chăn nuôi Nam Hưng (Nam Sách - Hải Dương) vẫn ổn định sản xuất và có lãi.

19/10/2011
Mở Rộng Diện Tích Bưởi Lên Trên 4.700 Ha Ở Tiền Giang Mở Rộng Diện Tích Bưởi Lên Trên 4.700 Ha Ở Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang xác định bưởi nằm trong 7 loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh cần đầu tư phát triển. Địa phương đã mở rộng diện tích bưởi lên trên 4.700 ha trồng các giống bưởi chất lượng cao: bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò mỗi năm cho sản lượng khoảng 80.000 tấn quả cung ứng thị trường. Diện tích trên tập trung nhiều nhất tại các huyện phía Tây: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè.

19/10/2011