Giá / Tin thủy sản

Tôm thẻ chân trắng kết hợp cá điêu hồng

Tôm thẻ chân trắng kết hợp cá điêu hồng
Tác giả: Thái Thuận
Ngày đăng: 18/07/2017

Nghiên cứu này được thực hiện tại tỉnh Nam Định, nhằm đánh giá tác động cũng như tìm ra giải pháp thích hợp để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Nuôi TTCT kết hợp cá diêu hồng cho hiệu quả bền vững     Ảnh: CTV 

Tổng quan về mô hình

Cá điêu hồng (Oreochromis sp.) là loài ăn tạp, chúng có thể ăn cả thực vật, động vật thủy sinh, động vật đáy, mùn bã hữu cơ trong ao nuôi và thậm chí cả chất thải của đối tượng nuôi khác. Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng và phát triển nhanh không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước có nghề nuôi tôm trên thế giới. Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng sẽ giảm thiểu vi khuẩn gây bệnh như AHPND/EMS (acute hepatopancreatic necrosis disease/Early Mortality Syndrome) (SalgueroGonzálezet al., 2016).

Mô hình được thực hiện tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong vùng: như hiện tượng xâm thực mặn, ngọt hóa một số thời điểm, một số vùng. Vì vậy, sự phù hợp của mô hình được xem là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản ở vùng duyên hải.

Quy trình kỹ thuật

Chuẩn bị ao nuôi:

Tiến hành tát cạn ao, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý bùn đen ở đáy ao, phơi đáy 10 - 15 ngày, cày xới đáy ao để loại bỏ khí độc NH3, H2S. Bón vôi cải tạo đáy và bờ ao, nhằm diệt tạp, nâng cao pH, tăng khả năng đệm của nước ao nuôi, phơi đáy ao 3 ngày. Ao có diện tích 2.000 - 2.500 m2 là phù hợp.

Chọn giống: Chọn tôm và cá giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, cá không bị xây xước, dị tật dị hình… Tôm thẻ chân trắng cỡ 2 - 3 cm/con, cá điêu hồng trọng lượng 5 + 0,35 g.

Mật độ nuôi: Thả tôm chân trắng với mật độ 100 con/m2. Tôm giống trước khi thả ra ao nuôi được thuần hóa về nước ngọt trên các bể ương 7 - 10 ngày. Cá điêu hồng với mât độ 2 con/m2.

Môi trường: Ở thời điểm thả tôm giống, nước ao có nhiệt độ dao động 22 - 250C, với ao nước ngọt có độ mặn 0 - 0,5‰, ao nước lợ có độ mặn 5 - 10‰. Ôxy hòa tan được cung cấp bổ sung bằng cách bật quạt nước, mỗi ao nuôi được lắp đặt 2 hệ thống quạt 6 cánh ngay từ tháng nuôi thứ 2. Hàng ngày quạt nước thường được bật ngay từ 21 giờ đêm cho đến 6 giờ sáng hôm sau, trong những ngày thời tiết thay đổi quạt còn được bật ngay cả ban ngày vừa để cung cấp ôxy hòa tan vừa thoát khí độc ra khỏi ao nuôi.

Thức ăn: Thức ăn được dùng cho cá điêu hồng là thức ăn viên nổi có hàm lượng đạm 30 - 35%. Một điểm khác biệt ở đây là tôm thẻ chân trắng trong mô hình được cho ăn thức ăn vịt đẻ hàm lượng đạm 18 - 19% (thức ăn có hàm lượng đạm ít hơn so với các mô hình thông thường).

Cho ăn: Hàng ngày cho ăn 2 lần vào 8 - 9 giờ sáng và 4 - 5 giờ chiều.

Chăm sóc: Sử dụng chế phẩm vi sinh có chứa các chủng loại vi khuẩn có lợi như Bacillus sp., Notrosomonas sp., Nitrobacter sp. Bổ sung 1 lần/tháng trong 2 tháng nuôi đầu và 1 lần/2 tuần trong tháng nuôi cuối. Ngoài ra, cũng cần định kỳ bổ sung mật  rỉ đường. Do nhu cầu độ kiềm cao của tôm thẻ chân trắng khi nuôi trong nước ngọt nhằm tránh hiện tượng mềm vỏ nên sử dụng Dolomite được bón định kỳ 2 lần/tháng.

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan được đo 2 lần/ngày vào 6 giờ sáng và 2 giờ chiều, các yếu tố khác như độ mặn, N-NO2, NH2, được đo 1 lần/tuần. Tốc độ sinh trưởng của cá, tôm được kiểm tra định kỳ 1 lần/2 tuần để kịp điều chỉnh lượng thức ăn. Thời tiết nắng nóng chú ý bật quạt nước đều và nâng mức nước lên vào những ngày lạnh.

Thu hoạch và kết quả

Nuôi cá trong vòng 6 tháng đạt cỡ > 800 g/con, nuôi tôm chung với cá trong vòng 3 tháng (một vụ cá kết hợp 2 vụ tôm) đạt cỡ 40 - 60 con/kg, trong khi đó nuôi hoàn toàn tôm thẻ chân trắng cùng thời gian, cho kết quả đạt 60 - 80 con/kg.  Mặc dù, ở mô hình nuôi tôm kết hợp cá diêu hồng này đã sử dụng thức ăn thấp đạm (sử dụng thức ăn nuôi vịt đẻ), cho thấy đây là ảnh hưởng tích cực của việc kết hợp giữa cá điêu hồng với tôm thẻ chân trắng, đã tạo môi trường sinh thái thích hợp cho tôm phát triển, hơn nữa, thức ăn có hàm lượng đạm thấp nhằm mục đích sử dụng triệt để nguồn dinh dưỡng trong ao nuôi, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển.

Trong quá trình nuôi, tôm nuôi không bị dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp, giảm chi phí thuốc và hóa chất của mô hình lên tới 30% và mang lại hiệu quả kinh tế tăng đến hơn 2,8 lần. Với mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế 124 - 126 triệu đồng/1.000 m2 ao nuôi.

Tuy nhiên, trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng cũng xuất hiện một số hạn chế cần khắc phục như: Tôm hay bị bệnh mềm vỏ do nước ngọt thường có độ kiềm thấp nên cần tăng cường bổ sung Dolomit cho ao nuôi; chất lượng cá điêu hồng giống thường bị hạn chế về màu sắc và gặp khó khăn trong việc tìm con giống sớm do ảnh hưởng của không khí lạnh khu vực phía Bắc; các hộ nuôi thường thu cá thương phẩm đồng loạt do ảnh hưởng của mùa vụ khi thu hoạch nên phần nào đã bị tác động của thị trường tiêu thụ (cung vượt cầu). Từ đó khiến giá bán không ổn định, thu nhập của người nuôi bấp bênh.


Có thể bạn quan tâm

Liên kết sản xuất cá tra bền vững Liên kết sản xuất cá tra bền vững

Để đi vào sản xuất cá tra một cách bền vững, ở An Giang đang xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình liên kết sản xuất cá tra nguyên liệu giữa DN với nông dân.

18/07/2017
Thí điểm triển khai mô hình Doanh Nghiệp Xã Hội, lối thoát cho con tôm xuất khẩu Thí điểm triển khai mô hình Doanh Nghiệp Xã Hội, lối thoát cho con tôm xuất khẩu

Kể từ năm 2018, Mỹ và EU sẽ áp dụng bắt buộc các nhà NK tôm phải thực hiện cấp chứng chỉ ASC và BAP,đồng thời thực hiện việc truy xuất điện tử các chứng chỉ này

18/07/2017
Thủy sản tự tin đạt mục tiêu hơn 7 tỷ USD Thủy sản tự tin đạt mục tiêu hơn 7 tỷ USD

Xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm nay đã tăng trưởng khá tốt và đã đạt khoảng hơn 3,5 tỷ USD.

18/07/2017