Tôm Thẻ Chân Trắng - Cứu Cánh Của Người Nuôi Tôm
Hiện có nhiều thông tin trái chiều về hiệu quả cũng như tác hại của con tôm thẻ chân trắng. Thế nhưng, nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thành công với con tôm thẻ chân trắng và xem đối tượng này như là cứu cánh của người nuôi tôm.
Đổi đời nhờ… tôm thẻ
Cũng như các tỉnh thành phát triển nghề nuôi tôm biển khác ở ĐBSCL, Tiền Giang cũng bắt đầu bằng con tôm sú. Trong những năm đầu, con tôm này đã mang lại hiệu quả khá cao cho người nuôi tôm, nhiều căn nhà khang trang trong vùng nước lợ Gò Công đua nhau mọc lên do con tôm sú mang lại. Thế nhưng, càng về sau con tôm sú càng bộc lộ nhiều nhiều yếu điểm của nó, bởi thời gian nuôi kéo dài, vòng vốn quay chậm, tỷ lệ dịch bệnh tăng cao,…
Thực tế cũng cho thấy, nhiều hộ gia đình nuôi tôm ăn nên làm ra vì tôm sú, rồi điêu đứng cũng vì tôm sú. Thậm chí, nhiều người nuôi tôm tỏ ra “sợ hãi” con tôm sú vì lãi ít thua nhiều. Ông Lê Thanh Tùng, người nuôi tôm ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, trước đây thấy nhiều người nuôi tôm sú giàu to nên ông dành toàn bộ mấy công đất nhà đào ao nuôi tôm sú. Vậy mà, càng nuôi gia đình ông lại càng ngập sâu vào nợ nần, nào là nợ ngân hàng, nợ tiền thức ăn, thuốc, giống của các đại lý tổng cộng tới vài trăm triệu đồng. Khi đó, ông tính bán hết mấy ao tôm để trả nợ, nhưng lần này may mắn đã mỉm cười với ông Tùng khi ông quyết định vay mượn tiền bạc đánh cược với số phận bằng cách nuôi tôm thẻ. Qua hơn 2 tháng trời hồi họp chăm sóc, theo dõi sự phát triển của con tôm thẻ, cuối cùng ao tôm thẻ đầu tiên của ông Tùng đã thu hoạch, tính ta tới 8 tấn tôm/ha, cao hơn hẳn tôm sú. Trên đà thắng lợi, ông Tùng vừa trả nợ vừa để dành vốn tiếp tục nuôi tôm thẻ. Chỉ sau vài vụ nuôi tôm thẻ, ông Tùng đã trả hết nợ và bắt đầu tích luỹ vốn.
Còn ông Lại Văn Tính, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) là người nuôi tôm thẻ chân trắng thành công với lợi nhuận hàng tỷ đồng suốt 3 năm qua, khi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu cho phép thả nuôi tôm thẻ đại trà ở ĐBSCL. Và vụ tôm năm nay, anh Tín lại tiếp tục thắng lợi lớn với con tôm thẻ này. “Tôi có 5 ao nuôi tôm thẻ với diện tích gần 2,5 ha. Năm nay, tôi đã thu hoạch vụ một vụ tôm thẻ được 22 tấn tôm cỡ 60 - 70 con/kg, bán với giá 112.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả các chi phí đầu vào như thức ăn, giống, nhân công, nhiên liệu,… tôi còn lời 50% (khoảng 1,3 tỷ đồng)”, ông Tính vui vẻ cho biết.
Theo ông Đinh Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Phước Trung, khi tôm thẻ chính thức được cho nuôi ở Tiền Giang, nó đã nhanh chóng trở thành cứu cánh cho những người đang ôm nợ vì tôm sú.
Tôm thẻ… ăn đứt tôm sú
Làm bài toán so sánh hiệu quả kinh tế giữa nuôi tôm sú và tôm thẻ, ông Lại Văn Tính khẳng định tôm thẻ chân trắng hơn hẳn tôm sú, bởi thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn chỉ khoảng 45 - 50 ngày tuổi đã có thể xuất bán và mang lại lợi nhuận cho người nuôi. Khi tôm về đích đúng ngày đúng tháng tối thiểu là 2,5 tháng, tôm thẻ sẽ đạt kích cỡ khoảng 100 con/kg, năng suất bình quân 8 - 10 tấn/ha. Với giá bán hiện nay ngay tại ao là 80.000 - 85.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), sau khi trừ hết chi phí, nông dân lời 40.000 - 45.000 đ/kg.
“Thời gian gần đây, người nuôi tôm thẻ khu vực này đã thả giống với mật độ thấp khoảng 50 - 80 con/m2 so với trước đây là hơn 100 con/m2, nên việc chăm sóc, quản lý ao nuôi thẻ cũng không quá khó khăn. Thực tiễn cũng cho thấy, thẻ cũng ít phát sinh dịch bệnh, tỷ lệ nuôi thành công cao hơn tôm sú”, ông Tính cho biết.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây là địa phương có nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ thuộc tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định: “Tôm thẻ chân trắng ít dịch bệnh hơn tôm sú, nuôi được nhiều vụ hơn, lợi nhuận cũng cao hơn tôm sú. Thực tế tại địa phương, số hộ chuyển từ tôm sú sang tôm thẻ ngày càng nhiều”.
Theo ông Nguyễn Văn Quí, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), con tôm thẻ tỏ ra có hiệu quả kinh tế lớn nên bây giờ mà cấm dân nuôi là rất khó, bởi hiện nay diện tích tôm thẻ phát triển rất mạnh ở Gò Công Đông nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung. Thực tế cũng cho thấy, con tôm thẻ chân trắng đã góp phần đáng kể trong tổng lượng tôm hàng hoá cũng như đem lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương cũng như cả tỉnh, trong khi đó thời gian qua con tôm sú lại bộc lộ nhiều rủi ro. Mặt khác, đã hơn 3 năm phát triển nhưng những lo ngại ở con tôm thẻ như hội chứng taura, gây huỷ hoại đa dạng sinh học thì chưa xảy ra ở địa phương. Hơn nửa, hiện nay cũng chưa có tài liệu khoa học chính thức nào công bố những tác hại này ở Việt Nam.
“Nếu cấm nuôi tôm thẻ chân trắng thì chắc chắn hàng ngàn hecta nuôi tôm ở Gò Công Đông (Tiền Giang) cũng như các tỉnh lân cận sẽ bỏ hoang vì đa số người nuôi tôm không còn mặn mà với con tôm sú”, ông Quí khẳng định.
Cũng chính vì những ưu điểm của tôm thẻ nói trên mà trong hơn 3 năm qua diện tích nuôi thẻ tại Tiền Giang tăng mạnh qua từng năm. Cụ thể, theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, năm 2008 diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ có 367,79 ha, năm 2009 tăng lên 532,44 ha, năm 2010 là 1.338,2 ha, và đến thời điểm này diện tích nuôi thẻ trên toàn tỉnh đã là 1.595,8 ha với gần 2.000 hộ nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phòng NN - PTNT Lục Ngạn (Bắc Giang) đang hỗ trợ 38 hộ nông dân ở thôn Thượng, xã Hồng Giang thực hiện mô hình trồng 4 ha giống cà chua Hồng Châu của Cty Sygenta Việt Nam. Đây là giống cà chua lai F1, có đặc điểm: kháng bệnh vàng xoăn lá tốt; sinh trưởng và phát triển khoẻ, chiều cao của cây đạt từ 1,2 – 1,4 m; tỷ lệ cây ra hoa và đậu quả sai (từ 80 – 120 quả/cây)
Hiện nay nhiều vùng nuôi tôm ở tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra tôm chết hàng loạt, khiến nông dân loay hoay chưa có biện pháp khắc phục. Đặc biệt 5 xã phía đông của huyện Tư Nghĩa đã xuống giống khoảng 150 ha diện tích ao, hồ, nhưng đã có hơn 100 ha tôm chết, khiến bà con rơi vào cảnh điêu đứng.
Tấm giấy chứng nhận GlobalGAP đã và đang nâng dần giá trị trái ngon ở ĐBSCL. Tuy vậy, bên cạnh cái được thì vẫn còn tồn tại cái chưa được GlobalGAP.