Tôm Thẻ Chân Trắng Chết Hàng Loạt
Hơn 10 ngày trở lại đây, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn hai huyện Cần Đước, Long An có số lượng tôm thẻ chết hàng loạt khiến hơn 30% diện tích nuôi tôm của hai huyện này tạm thời bị bỏ không, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trạm khuyến ngư vùng Hạ thuộc Chi cục thủy sản Long An, từ tháng 1 đến nay, tôm thẻ chân trắng của nhiều hộ nuôi tôm tại Cần Đước bắt đầu bị chết do nhiễm bệnh đốm trắng. Qua tháng 2 lượng tôm thẻ chân trắng của nhiều hộ nuôi bị chết tăng mạnh, và gần như lứa nuôi vào tháng 1 đã chết gần hết.
“Nguyên nhân ban đầu được chúng tôi xác định là do nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm, trong khi bà con nông dân lâu nay có tập quán nuôi tôm thường lấy nước trực tiếp từ sông Vàm Cỏ mà không qua hệ thống ao lắng nên gây chết tôm hàng loạt”, bà Vân cho biết.
Ngoài ra, do năm 2010, nhiều hộ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận cao, từ 45-50 triệu đồng/héc ta (sau 2 tháng nuôi) nên sang năm 2011 người dân chuyển từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng.
Số liệu thống kê của Trạm khuyến ngư vùng Hạ cho thấy, năm 2010 có gần 80% diện tích nuôi tôm sú, 20% nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng sang năm 2011 có gần 80% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vì thời gian nuôi tôm thẻ chân trăng ngắn mà lợi nhuận lại cao hơn.
Ông Bảy Bé, ấp Đông Nhì, xã Tân Chánh, xã có gần 550 héc ta nuôi tôm thẻ, chiếm 60% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Cần Đước cho biết, trong 10 ao nuôi tôm (có diện tích từ 0,5 -0,65 héc ta) thì có đến 5 ao nuôi tôm chết hàng loạt, tổn thất từ con giống, công lao động, thức ăn vào khoảng 10-15 triệu đồng/ao.
Theo ông Bé, chưa có năm nào mà nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao như năm nay. Ban ngày nhiệt độ ở mức 30-32 độ C nhưng ban đêm xuống còn 19-20 độ C. Với sự chênh lệch nhiệt độ lớn như vậy khiến tôm thẻ chân trắng (dưới 20 ngày nuôi) bị sốc và kèm theo nguồn nước đang có dấu hiệu ô nhiễm nên tôm thẻ chết hàng loạt. Theo cán bộ khuyến nông xã Tân Chánh, hiện có khoảng 40% diện tích nuôi tôm thẻ bị bệnh trên tổng diện tích đã thả.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trạm khuyến ngư vùng Hạ thuộc Chi cục thủy sản Long An, do lợi nhuận cao từ nuôi tôm thẻ chân trắng khiến số lượng hộ dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trong năm nay quá lớn, nhiều hộ dân lại không nghe theo khuyến cáo của trung tâm khuyến ngư nên thả tôm giống với một lượng dày đặc, trên 70 con/mét vuông, trong khi, đạt tiêu chuẩn là từ 40-50 con/mét vuông. Vì thế, tôm thẻ chân trắng không có không gian để sống nên tôm chết hàng loạt.
Theo bà Vân, hai huyện Cần Đước, Cần Giuộc có diện tích nuôi tôm lớn nhất Long An, vào lúc cao điểm có tổng diện tích lên đến 4.000 héc ta. Nhưng vài năm trở lại đây, các khu công nghiệp Phước Đông, Tân Lập, Tân Chánh được mở ra nên nhiều diện tích nuôi tôm chuyển sang làm khu công nghiệp. Cụ thể, vào năm 2005 Cần Giuộc có 2.200 héc ta nuôi tôm thì nay còn lại khoảng hơn 610 héc ta. Còn diện tích nuôi tôm của Cần Đước là 1.100 héc ta, giảm 300 héc ta.
“Những kết quả quan trắc môi trường nước trên sông Vàm Cỏ, sông cung cấp nguồn nước chính cho nuôi tôm ở Cần Đước, Cần Giuộc đang có dấu hiệu bị ô nhiễm vì hứng chịu một lượng nước thải từ các khu công nghiệp nói trên. Có thể, 2 năm nữa, nguồn nước trên sông Vàm Cỏ không còn phù hợp để nuôi tôm”, bà Vân lo lắng.
Có thể bạn quan tâm
Con hàu không hề là một loài hải sản xa lạ với người dân Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Vùng đất bồi lắng phù sa này được thiên nhiên ưu đãi nguồn giống hải sản vô cùng phong phú, trong đó có con hàu. Nhưng đã từ lâu, loài hải sản này ít được chú ý đến, khó ai ngờ rằng, có ngày nó lại giúp được không ít người bước ra khỏi cảnh đói nghèo
Bắt đầu từ hôm nay (22/2), Ngân hàng NN – PTNT (Agribank) chính thức hạ lãi suất cho vay bằng VND đối với mọi đối tượng khách hàng với mức giảm bình quân từ 1% đến 1,5%/năm.
Bình quân giá mỗi ký thiên lý từ 40.000- 45.000 đồng, vào thời điểm cuối năm có thể lên đến 65.000- 70.000 đồng. Trên 4.000 m2 trồng thiên lý, trừ chi phí, mỗi ngày còn lời trên 400.000 đồng.