Giá / Tin thủy sản

Tôm – lúa: Thông minh, hiệu quả và thích ứng biến đổi khí hậu

Tôm – lúa: Thông minh, hiệu quả và thích ứng biến đổi khí hậu
Tác giả: Xuân Trường
Ngày đăng: 13/06/2018

Trong 2 ngày 10 và 11/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN&PTNT Kiên Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Nuôi tôm - lúa đạt hiệu quả cao thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”; thu hút hàng trăm nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý khu vực ĐBSCL và các cơ quan chức năng tham dự.

Phát triển tôm - lúa là mô hình có nhiều triển vọng. Ảnh: CTV 

Thực trạng phát triển

Theo thống kê, hiện, cả nước mới phát triển được khoảng 170.000 ha mô hình tôm - lúa, với năng suất tôm trong mô hình bình quân cũng mới đạt 170 - 200 kg/ha và năng suất lúa 4 - 5 tấn/ha. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một gay gắt, diện tích tôm - lúa ở ĐBSCL không những có khả năng phát triển lên 200.000 - 250.000 ha, mà Việt Nam còn có thể đưa năng suất tôm nuôi trong mô hình lên 500 kg/ha. Khi đó, tôm - lúa sẽ là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường cao cho khu vực vùng ven biển ĐBSCL. Diễn đàn lần này tập trung làm rõ những khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp phát triển mô hình tôm - lúa đạt hiệu quả cao và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu cho khu vực ĐBSCL.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang đánh giá cao ý nghĩa và lợi ích của Diễn đàn đối với việc phát triển mô hình tôm - lúa của tỉnh nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Việc làm rõ thêm những hạn chế, khó khăn và chủ động đề ra các giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả của mô hình là hết sức thiết thực mà diễn đàn sẽ mang lại cho nông dân vùng tôm - lúa. Đối với tỉnh Kiên Giang, tôm - lúa đã được lãnh đạo tỉnh xác định là một trong những mô hình đặc trưng, quan trọng và có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của mô hình.

Giải pháp phát triển bền vững

Diễn đàn được nghe các báo cáo tham luận về: Giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình tôm - lúa của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; một số vấn đề khó khăn và giải pháp khắc phục khi triển khai sản xuất tôm - lúa của Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao Công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL; tình hình sản xuất tôm - lúa thích ứng biến đổi khí hậu vùng U Minh Thượng của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang…

Là người gắn với nhiều năm với các đề tài, dự án phát triển mô hình tôm - lúa, ThS Nguyễn Công Thành, Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao Công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL đã chỉ ra những khó khăn và giải pháp khắc phục của mô hình, như: hệ thống công trình và cải tạo vuông nuôi tôm; quản lý nước; tôm giống và quản lý sức khỏe tôm; chuẩn bị ruộng, chọn giống lúa và cách gieo cấy; chăm sóc và tưới tiêu…

Từ đó, đề xuất, nhà nước cần hỗ trợ thêm vốn, tập huấn kỹ thuật thêm cho nông dân, còn nông dân cần áp dụng đúng theo theo quy trình được hướng dẫn, như: mở rộng kinh mương cấp thoát nước riêng, xây dựng ao ương, trang bị máy bơm nước... Ngoài ra, nông dân cũng cần quan tâm hơn một số vấn đề kỹ thuật như: sử dụng vôi, chế phẩm sinh học, thả ghép tôm với cua, cá để góp phần cải thiện môi trường và tăng thu nhập.

Là một tỉnh có diện tích tôm - lúa không cao, nhưng tính hiệu quả của mô hình này ở Sóc Trăng là rất vượt trội nhờ nuôi tôm theo hình thức quảng cang cải tiến và lấp lại bằng giống lúa thơm đặc sản. Chia sẻ tại Diễn đàn, ThS Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng nhận định: “Tôm - lúa từ lâu đã được các nhà khoa học đánh giá là mô hình hiệu quả và thông minh, đặc biệt là thích ứng biến đổi khí hậu. Để phát huy hiệu quả mô hình này, ở Sóc Trăng, đa phần là nuôi tôm quảng canh cải tiến và trồng lại giống lúa thơm ST24 theo hướng hữu cơ bán với giá gần 8.000 đồng/kg”.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã cùng trao đổi, thảo luận giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển và ứng dụng mô hình tôm - lúa. Theo đó, nhiều vấn đề được bàn luận như: cải tạo ao, quản lý môi trường, chất lượng con giống, phòng chống dịch bệnh, thực hành tiêu chuẩn VietGAP… Tất cả đều được Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn trả lời một cách thỏa đáng.

Đánh giá cao các tham luận, ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nông dân, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh đến vai trò và tầm quan trọng của mô hình tôm - lúa đối với các tỉnh ven biển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu hết sức khó lường. Theo ông Tiêu, nếu các tỉnh phát huy tốt mô hình tôm - lúa, không những sản lượng tôm và lúa sẽ gia tăng mà còn tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập, mô hình phát triển bền vững.

>> Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: “Diễn biến khí hậu ngày một thất thường khiến cho môi trường nuôi tôm ngày càng khó lường. Do đó, vấn đề là chúng ta cần tìm giải pháp canh tác phù hợp để thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu và một trong những giải pháp đó cho vùng ven biển ĐBSCL chính là phát huy tối đa tiềm năng giá trị của mô hình tôm - lúa”.


Có thể bạn quan tâm

Thận trọng nuôi tôm mùa nóng Thận trọng nuôi tôm mùa nóng

Nắng nóng kéo dài kèm theo những cơn mưa đột ngột là nguyên nhân gây phát sinh nhiều bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt là bệnh do vi khuẩn.

13/06/2018
Hiệu quả như nuôi tôm bằng lưới lan Hiệu quả như nuôi tôm bằng lưới lan

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong ao lót bạt, Nghiên cứu thực nghiệm mô hình lưới lan siêu tiết kiệm nhằm giảm chi phí đầu vào, làm tăng lợi nhuận thu hoạch

13/06/2018
Hiệu quả luân canh tôm thẻ chân trắng - cá rô phi Hiệu quả luân canh tôm thẻ chân trắng - cá rô phi

Cá rô phi được lựa chọn vì có một số ưu điểm sau: Tốc độ tăng trưởng nhanh; Có khả năng thích nghi tốt ở cả môi trường nước ngọt và lợ; Dễ nuôi

13/06/2018