Tôm càng xanh “cứu” lúa ở Vĩnh Thuận
Huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) là 1 trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng có thế mạnh về trồng lúa và nuôi thủy sản. Do thời tiết diễn biến phức tạp nên năm 2016, người trồng lúa phải hứng chịu nhiều thiệt hại, song bù lại bà con lại có một vụ tôm càng xanh bội thu.
Trong ảnh: Nông dân xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: T.H
Gặp phóng viên, chị Võ Thị Kim Chi ngụ ấp Ba Đình, xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận) cho biết: “Năm vừa qua, gia đình tôi thả nuôi 3ha tôm càng xanh và đã thu hoạch được 2 vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng”. Cũng theo chị Chi, trước kia gia đình chị trồng lúa và nuôi tôm sú. Tuy nhiên, thời gian gần đây trồng lúa cho hiệu quả không cao, nhất là năm 2016, nhiều diện tích lúa bị mất trắng do nhiễm mặn. Trong khi đó, nuôi tôm sú thu nhập cũng không được như ý nên từ 2 năm gần đây, gia đình chị đã quyết định chuyển hẳn sang nuôi tôm càng xanh và đạt hiệu quả rất khả quan.
Hộ anh Nguyễn Văn Thừa (ngụ ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam) cũng bắt đầu chuyển sang nuôi tôm càng xanh từ đầu năm 2016. Anh Thuận cho biết: “Khoảng 15-16 năm trước, diện tích hơn 3ha của gia đình tôi chỉ trồng được lúa 2 vụ và dừa nước, nhưng kém hiệu quả. Sau đó ít năm gia đình chuyển đổi sang mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm. Lúc đầu mô hình này cũng không mấy hiệu quả, do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi. Chỉ khoảng 5-6 năm nay, nhờ tìm hiểu kỹ cách cải tạo vuông nuôi, chọn con giống, phương pháp chăm sóc nên mô hình 1 lúa – 1 tôm đã cho thu nhập khá. Đặc biệt năm 2016, tôi chuyển sang nuôi tôm càng xanh trên cả 3ha, với 2 vụ nuôi/năm, lợi nhuận thu về trên 200 triệu đồng”.
Thống kê của Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thuận, hiện tổng diện tích tôm thả nuôi của huyện đạt gần 25.000ha; sản lượng thu hoạch trên 11.000 tấn, trong đó, riêng tôm càng xanh đạt trên 5.000 tấn. Theo ông Phan Văn Cử - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thuận, nhờ sản lượng tôm nuôi đạt kết quả cao nên sẽ bù đắp cho hơn 50% giá trị sản lượng lúa bị hao hụt do bị nhiễm mặn trong năm 2016.
Tương tự, tại các xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, một phần của xã Bình Minh (Vĩnh Thuận), dọc sông Cái Lớn người dân cũng trúng đậm vụ nuôi tôm càng xanh. Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Bình Nam, đến đầu quý I.2017, diện tích nuôi tôm toàn xã đạt trên 2.800ha, sản lượng trên 1.956 tấn, năng suất bình quân trên 361 kg/ha. Riêng xã Vĩnh Bình Bắc, diện tích nuôi thủy sản (chủ yếu nuôi tôm) đạt trên 2.200ha, tổng sản lượng 1.560 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Diện tích nuôi tôm được mở rộng, sản lượng tôm tăng cao, đồng nghĩa với việc nhiều hộ dân tăng thu nhập.
Anh Lâm Văn Thoại (ở ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam) khẳng định: “Nuôi tôm càng xanh bây giờ khỏe re, kỹ thuật đơn giản hơn nuôi tôm sú nhiều. Gia đình tôi vừa thu hoạch 1,5ha, sau khi trừ các chi phí, thu về lợi nhuận gần 70 triệu đồng”.
Năm 2016, nông dân huyện Vĩnh Thuận lao đao vì cây lúa bị nhiễm mặn, dẫn đến mất mùa nghiêm trọng, nông dân gần như mất trắng. Tuy nhiên, với sự linh hoạt của bà con nông dân khi chọn con giống phù hợp, tôm càng xanh đã làm ruộng đồng nơi đây “hồi sinh”.
Có thể bạn quan tâm
Được biết, giá cá tra nguyên liệu hiện dao động từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước.
Nuôi cá trong bể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và đất nông nghiệp, tăng năng suất gấp hàng chục lần so với nuôi trong ao ngoài trời.
Mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP thuộc dự án Vì sự phát triển nguồn lợi ven biển (CRSD) đã mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều hộ nông dân nuôi tôm