Tôm, cá được giá nhờ xuất khẩu tốt
Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
Tiêu thụ và giá bán cá, tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong xu hướng tăng, có lợi cho người nuôi. Điều này, được xác định là do nhu cầu của thị trường xuất khẩu đang khá tích cực.
Đối với mặt hàng cá tra, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, cá tra nguyên liệu “size" nhỏ (trọng lượng 0,8-0,9 kg/con), thịt trắng được doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tìm mua với mức giá 26.000-27.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với mức giá cách nay khoảng 1 tháng.
Còn đối với cá tra nguyên liệu "size" lớn, trọng lượng trên 1 kg/con hiện cũng có giá 24.500-25.000 đồng/kg, tăng 2.000-2.500 đồng/kg so với mức giá cách nay khoảng 1 tháng.
Trong khi đó, đối với mặt hàng tôm nguyên liệu, giá bán đang có xu hướng tăng và nhiều khả năng sẽ còn tăng tiếp trong những tháng cuối năm nay.
Ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là “vua tôm”, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết, tôm sú loại 20 con/kg có giá 300.000 đồng/kg đối với trường hợp bán tôm sống (tôm chạy ô-xi) và có giá 270.000-280.000 đồng/kg đối với trường hợp bán tôm đông lạnh; loại 30 con/kg có giá 250.000 đồng đối với bán tôm sống và khoảng 240.000 đồng/kg đối với bán tôm đông lạnh, tăng 5.000-10.000 đồng/kg so với mức giá cách nay nửa tháng.
Với tôm thẻ chân trắng, ông Nguyễn Văn Hậu, ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, tôm loại 100 con/kg có giá 103.000 đồng/kg; loại 70 con/kg có giá 120.000 đồng/kg; loại 60 con/kg là 125.000 đồng/kg; loại 50 con/kg là 130.000 đồng/kg; loại 40 và 30 con/kg lần lượt có giá 147.000 đồng/kg và 165.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với mức giá cách nay nửa tháng.
Lý giải nguyên nhân khiến giá tôm tăng và được duy trì ở mức cao, theo ông Ngoãn, do vụ tôm hiện đang bước vào mùa nghịch, nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ ở nhiều thị trường đang tăng, nhất là vào dịp cuối năm.
Đối với mặt hàng cá tra, theo ông Nguyên, sức tiêu thụ ở một số thị trường luôn chính duy trì ổn định cũng giúp việc tiêu thụ cá nguyên liệu khả quan.
Thực tế, báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đối với mặt hàng tôm, tính đến cuối tháng 7-2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 383,8 triệu đô la Mỹ, tăng 35,2% so với cùng kỳ; sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 380,6 triệu đô la Mỹ, tăng 20,5%; sang Trung Quốc đạt 348,4 triệu đô la Mỹ, tăng 106,3%.
Riêng sang thị trường Mỹ đạt 344,7 triệu đô la Mỹ, giảm 5,5%, nhưng theo dự báo của VASEP, tình hình xuất khẩu sang Mỹ sẽ được cải thiện trong những tháng còn lại của năm 2017.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 5,13 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017 và chiếm đến 55,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Theo dự báo của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, 4 tháng cuối năm 2017, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt 2,7-2,8 tỉ đô la Mỹ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2017 đạt 8-8,1 tỉ đô la Mỹ.
Về tình hình thả nuôi, thu hoạch cá tra và tôm, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến cuối tháng 8-2017, diện tích nuôi cá tra đạt 4.746 héc ta, tăng 1,9% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 8 tháng đầu năm 2017 đạt trên 815.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước 8 tháng đầu năm ước đạt trên 679.000 héc ta, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng thu hoạch đạt trên 363.000 tấn tăng 21,4%.
Có thể bạn quan tâm
Với đà tăng trưởng ấn tượng, ngành Nông nghiệp tin tưởng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ đặt ra
Tình hình tiêu thụ và giá cá giống các loại trong tháng 8 / 2017 trên địa bàn Thành phố Cần Thơ ở một số cơ sở sản xuất kinh doanh cá giống được thể hiện cụ thể
Khi các thị trường truyền thống như Mỹ, EU có xu hướng bão hòa thì đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa và một số thị trường mới như Trung Quốc là cơ hội