Tỉnh Sóc Trăng Cân Nhắc Việc Sản Xuất Lúa Xuân Hè
Trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng diễn ra ngày 8/3, các đại biểu đã thảo luận nội dung trọng điểm của địa phương là tình hình xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa Xuân Hè (còn gọi là lúa vụ 3) tại các địa địa bàn trong tỉnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện cũng đề xuất những biện pháp “cứu” lúa trong thời gian tới; đồng thời cân nhắc đến việc sản xuất lúa vụ 3 trong những năm tới.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Long Phú cho biết toàn huyện đã xuống giống được 15.129ha lúa Xuân Hè, từ làm đòng đến trổ chín; do nước mặn xâm nhập sớm, độ mặn cao làm ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa. Đến nay, đã có trên 100ha bị thiệt hại hoàn toàn; dự kiến sẽ có 3.000 ha bị ảnh hưởng năng suất từ 30% trở lên và 2.000 ha bị ảnh hưởng từ 5 - 10%.
Đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Trần Đề đề xuất không sản xuất lúa vụ 3 cho những năm tiếp theo mà chỉ làm hai vụ lúa ăn chắc hoặc tùy từng năm nếu lũ thượng nguồn lên cao sẽ cho người dân sản xuất vụ 3.
Riêng năm nay, ngay từ đầu vụ huyện đã khuyến cáo người dân không nên sản xuất lúa vụ 3 nhưng do vụ 3 năm trước người dân làm thấy trúng nên họ vẫn tiếp tục làm, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Đến nay, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và khô hạn, diện tích lúa Xuân Hè đã bị thiệt hại gần 600 ha, chiếm gần 28% diện tích xuống giống; trong đó các xã chịu thiệt hại nặng là Liêu Tú (252 ha), Tài Văn (200 ha), Đại Ân 2 (70 ha).
Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết chỉ tiêu lúa Xuân Hè trong năm của địa phương chỉ khoảng 40.000 ha, trên thực tế người dân lại phát triển diện tích lên hơn 56.000 ha. Việc phát triển quá mức và khó kiểm soát như trên đã dẫn đến tình trạng lúa Xuân Hè tại Sóc Trăng năm nay chịu thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay với gần 900 ha bị chết trắng tính đến thời điểm này. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi trong dự án thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt có khả năng cung cấp nước ngọt cho khoảng 15.000 ha sản xuất lúa của hai huyện Trần Đề và Long Phú nhưng lại chịu ảnh hưởng từ nguồn cung cấp nước ngọt của sông Mekong; những năm lũ đầu nguồn lớn thì hệ thống này có đủ khả năng cung cấp nước ngọt cho sản xuất lúa vụ 3.
Năm nay, lượng nước giảm nên tình trạng xâm nhập mặn vào nội đồng đã diễn ra sớm hơn, dẫn đến tình trạng lúa bị chết.
Cũng theo ông Hồ Quang Cua, việc sản xuất lúa vụ 3 không còn ưu thế như những năm trước. Cụ thể, trong vòng 4 năm, từ 2010 - 2013, tại địa phương đã có hai vụ thất (niên vụ 2010 và 2013) và hai vụ trúng (niên vụ 2011 và 2012) trong sản xuất lúa vụ 3.
Như vậy mức độ ổn định của sản xuất lúa vụ 3 không được đảm bảo, người dân và chính quyền cần cân nhắc trong sản xuất lúa Xuân Hè trong những năm tiếp theo để tránh thiệt hại nặng nề như năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Người chăn nuôi ở Bình Thuận đang triển khai mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót để giữ ấm cho vật nuôi, giảm ô nhiễm môi trường.
Sau vài vụ được mùa, được giá, thì đột nhiên giá mỳ mùa này rớt thê thảm khiến hàng nghìn nông dân ở Krông Pa (Gia Lai) phải đắng họng vì thua lỗ. Lối thoát được trông đợi nhất là Nhà máy mỳ Phú Túc lại “làm eo” quay lưng với lợi ích của nông dân trong khi đó diện tích trồng mỳ toàn huyện đã tăng lên chóng mặt…
Nhiều hộ dân trồng khoai mỡ ở Thạnh Hoá, Long An đang lâm cảnh vô cùng điêu đứng vì sau khi phun thuốc trừ cỏ hiệu Misaron 80WP thì khoai mỡ cháy lá và chết rụi.