Tìm Giải Pháp Cho Cây Mía Phát Triển Bền Vững
Theo các chuyên gia ngành mía đường, tuy diện tích trồng mía mỗi năm một tăng, năng suất, chất lượng cây mía Việt Nam có được cải tiến nhưng còn chậm, dẫn đến năng lực cạnh tranh của ngành mía đường không cao.
Hiện nay, năng suất mía đường bình quân của nước ta đạt từ 5,5 đến 5,8 tấn/ha, bằng 1/2 so với năng suất mía đường bình quân của thế giới. Bên cạnh đó, khâu tổ chức thu hoạch, vận chuyển chưa tốt, mía thu hoạch sau nhiều ngày mới được đưa về nhà máy nên tổn thất sau thu hoạch lớn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong vài năm tới, tình hình dư thừa đường trên thế giới còn khá lớn, hiện tại thừa cung khoảng 10 triệu tấn.
Trong nước hiện còn 1,53 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong năm 2013 khoảng 1,3 đến 1,4 triệu tấn, chưa kể lượng đường nhập khẩu theo cam kết gia nhập WTO. Ngoài chất lượng, năng suất thấp, thì chi phí đầu tư sản xuất mía, chế biến đường của Việt Nam còn khá cao.
Với những bất cập trên, đòi hỏi ngành chức năng, ngành mía đường và người trồng mía cần đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung; đầu tư các trang thiết bị công nghệ cao vào chế biến, hạn chế thấp giá thành đầu tư, giá thành sản phẩm…
Cùng với đó, từng ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm soát đường lậu, các cơ sở, doanh nghiệp làm ăn bất chính, bảo vệ người sản xuất, kinh doanh mía đường phát triển ổn định.
Người trồng mía cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, trong đó chú ý về giống, vùng nguyên liệu; các nhà máy phối hợp nhịp nhàng trong khâu thu hoạch, thu mua, chế biến; tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị trường, tận dụng các phế phụ phẩm của sản xuất đường để sản xuất phân vi sinh, cồn, điện… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Niên vụ mía 2012 - 2013, cả nước trồng hơn 298.000 ha mía, tăng hơn 15.000 so với vụ trước, năng suất bình quân đạt 63,9 tấn/ha, tăng 2,2 tấn/ha; tổng sản lượng mía thu được 19,04 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ; sản xuất được 1,53 tấn đường, góp phần nộp ngân sách trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Niên vụ mía 2013 - 2014 nông dân đã xuống giống khoảng 306.000 ha, tăng khoảng 8.000 ha so với cùng kỳ, phần lớn diện tích mía được các nhà máy ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, với giá tương đương so với vụ trước. Dự kiến, sẽ cho thu hoạch vào cuối năm 2014, với sản lượng ước đạt khoảng 19,6 triệu tấn.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện cơ quan này đã có kết luận về nguyên nhân gây ra tình trạng ngao chết trắng đồng tại một số huyện ven biển trong thời gian vừa qua.
Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển đạt 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp vào năm 2015. Từ đó, một lộ trình thực hiện cũng được ra đời. Mặc dù trong thời gian gần đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp đang phát triển nhanh, nhưng xem ra để đạt được mục tiêu trên vào năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Theo Bộ NNPTNT, chất cấm trong chăn nuôi hiện nay có 3 chất chính là: Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine (thuộc nhóm Beta-agonist). Từ năm 2002, Việt Nam đã đưa các chất này vào danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.