Tiếp Sức Cho Nông Dân Nghèo
Ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên), nhiều nông dân gọi ông Lê Xuân Đình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ là “ông sọc dưa”. Cái tên ngồ ngộ này được nông dân trong vùng gắn cho, lâu ngày thành quen miệng. Bản thân ông Đình cũng thấy vui, vì cái việc chăn nuôi lợn rừng, cung cấp giống lợn rừng cho nông dân trong vùng đã trở nên quen thuộc.
Là một nông dân cần cù, có kinh nghiệm chăn nuôi lợn, song tiền vốn ít, trước đây ông chỉ nuôi dăm, ba con lợn nái sinh sản. Lợn đẻ, phần để nuôi, phần ông mang bán lấy tiền đầu tư mua thức ăn chăn nuôi. Năm 2007, một lần ra phố huyện, thấy có người ngồi ở góc chợ bán con lợn đen đúa, mõm dài, lông dựng chẳng ai mua. Ông ngắm nghía, phát hiện thấy nét hoang dã của nó mới bỏ tiền mua về. Vợ ông, bà Đào Thị Thái thấy thế bực lắm, trách chồng chẳng hiểu biết gì về giống má. Kệ. Ông hằng ngày tự tay chăm bẵm, mong gầy tạo đàn lợn rừng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Sau 1 năm, con lợn đen đúa ông mua về vẫn xù xì và bắt đầu động dục. Ông trói nghiến lại, buộc sau xe, đèo sang xã bên, hỏi đường đến nhà ông Nguyễn Đình Thử có con lợn rừng đực giống Thái Lan nhờ phối. Sau 114 ngày chờ đợi, con lợn đen đúa ấy "sinh hạ" lứa đầu, được 12 con, ông thích lắm, nuôi hết cả đàn và "tuyển” được thêm 3 con lợn nái rừng. Ông bảo: Cái giống lợn có gốc gác hoang dã này chuối ném vào cả cây, rau quẳng vào cả bó, dễ ăn, mau lớn lại có sức kháng bệnh tốt. Người tứ xứ tìm đến nhà, thấy toàn lợn sọc dưa là mua luôn cả đàn. 3 năm đầu nuôi con “sọc dưa”, ông Đình chịu vất vả nhiều vì chưa gầy được đực giống.
Lợn của nhà sinh đàn, sinh lũ, tiếng ông Đình “sọc dưa” cũng lan truyền khắp làng trên, xóm dưới. Từ 3 năm gần đây, ông bỏ hẳn lợn xề lai ngoại để chuyển sang nuôi lợn rừng, với 12 con nái thay nhau sinh sản và 1 con lợn rừng đực. Hiện trong khu chăn nuôi của ông, ngoài số nái sề còn 32 con lợn bột mới tách mẹ . Ông bảo: Nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi lợn thường. Tính theo cân hơi: con cái bán được 250.000 đồng/kg, con đực bán được 150.000 đồng/kg; còn lợn thường bán được 35.000 đồng/kg. Hơn thế, lợn rừng nuôi không lo bị ế khách. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, đàn lợn rừng cũng đẻ cho gia đình tôi được gần 50 triệu đồng.
So với các trang trại chăn nuôi cùng huyện, như trang trại của bà Đỗ Thị Thuý (Hùng Sơn), thu 5 tỷ đồng/năm; trang trại của ông Hoàng Văn Ninh (Na Mao), thu 3 tỷ đồng/năm, thì mô hình chăn nuôi lợn rừng của ông Đình chỉ là dạng lẻ tẻ. Nhưng ông Đình lại có cách làm khác, phù hợp với đại đa số nông dân trong vùng. Khi thấy nhiều nông dân muốn nuôi lợn rừng, song lo ngại vì sợ nuôi không bán được, ông tự tay dắt 1 con lợn rừng ra chợ huyện, buộc bên gốc cây cho mọi người xem, ngày hôm sau mới thịt. Lợn vừa ngả ra, bà con đi chợ, đứng xếp hàng mua bằng sạch. Nhiều nông dân thấy như thế cũng bắt đầu chuyển đổi cách chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi lợn rừng. Một lần khác, ông hẹn với cán bộ lãnh đạo Trung ương Hội, rồi đèo lợn rừng về Hà Nội, xắn tay áo, chọc tiết, làm lông, chế biến các món ăn phục vụ… Ông bảo: Quan trọng là để cán bộ Trung ương Hội thấy người nông dân Thái Nguyên có thể làm được nhiều việc - nếu có vốn.
Đầu năm 2011, ông xây dựng Dự án chăn nuôi lợn rừng trình huyện, huyện trình tỉnh và về đến Trung ương. Đến cuối tháng 3 cùng năm, Dự án của ông được Trung ương Hội chấp thuận, thực hiện hỗ trợ cho Hội Nông dân xã 200 triệu đồng. Bản thân ông đang cần vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi, nhưng ông không lợi dụng quyền hạn để dành về phần mình. Toàn bộ số vốn vay do Trung ương Hội được ông rải ngân đến 20 gia đình hội viên nông dân trong xã, mỗi hội viên 10 triệu đồng.
Để Dự án thành công, ông hằng ngày đến các hộ tham gia vay vốn, trực tiếp hướng dẫn việc xây dựng chuồng trại, quy hoạch khu chăn thả, cách chăn nuôi, phòng bệnh cho lợn. Ông đồng thời là người cung ứng cho mỗi hộ 1 con lợn rừng gây nái. Nhiều hộ khó khăn như gia đình bà Trần Thị Sinh, xóm 5; bà Đào Thị Xuyên, xóm 3… số tiền vốn vay được chỉ đủ đầu tư xây chuồng trại, hoặc mua thức ăn chăn nuôi, ông cho vay lợn giống, đợi khi được "thu hoạch" lợn con mới lấy lại vốn gốc.
Vì thế sau 2 năm triển khai Dự án này, đời sống của các hộ tham gia mô hình chăn nuôi lợn rừng được cải thiện, nâng cao. Nhiều hộ trong xã như gia đình ông Trần Văn Đông, ông Trần Thế Anh cũng theo đó tự đầu tư chăn nuôi lợn rừng. Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Sinh, xóm 5, một trong những hộ tham gia Dự án khoe: Nái rừng nhà cháu mới đẻ gần 20 ngày, được 9 con. Đây là nứa thứ 3, tổng cộng 24 con/3 lứa. Cháu nuôi đạt trọng lượng trung bình 15 kg/con, bán giá trung bình được 200.000 đồng/kg.
Sau 2 năm nuôi cháu bán được 15 con của 2 lứa trước, đạt tổng trọng lượng 225 kg, thu về gần 40 triệu đồng đã trừ chi phí. Hiện đàn thứ 3 đang là vốn để trong chuồng. Có mặt ở đó, ông Đình cho biết thêm: Cuối tháng 3-2013, đúng hạn (sau 2 năm), 100% số gia đình hội viên nông dân tham gia vay vốn của Dự án đều đã thanh toán tiền sòng phẳng cho Quỹ. Đầu tháng 4 năm nay, Trung ương Hội tiếp tục thực hiện hỗ trợ 300 triệu đồng cho 15 gia đình hội viên vay chăn nuôi lợn rừng. Mỗi hộ vay 20 triệu đồng, tuy số vốn không nhiều, song đó là cách tiếp sức hiệu quả cho những nông dân nghèo vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.
Có thể bạn quan tâm
Ông Thọ cho biết, cá chạch lấu dễ nuôi và có giá trị kinh tế cao nên đã đầu tư nuôi mỗi bè 2.000 con. Ông thả con giống loại 200 - 300 gram/con vào tháng 5 - 6 âm lịch và thu hoạch vào tháng 2 - 3 năm sau. Thức ăn chính của cá chạch lấu là cá, tép.
Thông tin từ Chi cục Thú y Tây Ninh cho biết, hiện mô hình nuôi gà công nghiệp với công nghệ khép kín đang phát triển nhanh chóng do hiệu quả chăn nuôi cao và một số lợi ích khác.
Theo Sở NN-PTNT, trong tháng 8 qua, toàn tỉnh Phú Yên thả nuôi được 151ha các loại thủy sản, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh lên 2.845ha tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước.