Tiền Tỉ Từ Trang Trại Kì Dị
Tôi là người rất thích xem chương trình thế giới động vật trên kênh truyền hình Discovery của Mỹ bởi sự sống động và chân thật. Nhưng tình cờ một lần được tham quan trang trại của anh Dư Văn Hai ở xã Minh Quang (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) tôi thấy cách người đàn ông dân tộc Sán Dìu này tổ chức, sắp xếp mô hình chăn nuôi các con vật kỳ dị của mình còn chân thật và sinh động hơn Discovery gấp nhiều lần.
Quả thực, những người yếu tim chắc không chịu nổi 5 phút khi bước chân xuống khu trang trại rùng rợn của anh Hai. Được bao quanh bằng hệ thống tường xây cao tới 5 mét có đầy đủ ao nước, cây cối, hang hốc rậm rạp um tùm như một khu rừng nguyên sinh. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng tôi suýt bắn tim ra khỏi lồng ngực, nhảy dựng lên khi có một con rắn bò nhột nhột qua chân. Chưa kịp hoàn hồn, ngẩng đầu lên lại thấy đàn rắn nhung nhúc đang quấn trên ngọn tre phi lủm bủm xuống ao chạy trốn khi thấy bóng dáng người.
Lúc nhúc rắn nằm phơi nắng
Quờ tay bắt được một túm tới ba con rắn to bằng bụng tay, anh Hai cười trấn an tôi đừng sợ vì đây là giống rắn ráo không có độc. Chỉ tay lên giàn mướp có hàng chục con rắn đang phơi nắng, anh Hai cho biết, hiện trong khu vườn có khoảng 800 con rắn ráo lớn nhỏ, gần 100 con rắn hổ trâu, 260 con rắn hổ mang và hơn 2 tạ rắn mòng. Tất cả chúng đều sinh sống bằng bản năng hoang dã, tự kiếm ăn, giao phối và đẻ trứng, sinh con tại trang trại. Hàng năm, anh Hai chỉ việc lọc những con rắn trưởng thành đem bán đã thu về hơn 500 triệu đồng.
Tôi thắc mắc, với diện tích chật hẹp và mật độ các loài dày đặc như vậy, nguồn thức ăn cho chúng ở đâu? Dẫn tôi ra góc vườn chất đầy gạch vụn, lật một vài tấm bê tông vỡ anh chỉ cho tôi thấy lổn nhổn cóc nhái đang nằm trú đông trong đó. Thì ra, anh Hai thu mua cóc nhái về thả xuống vườn, cóc nhái xuống ao đẻ trứng, rồi tự sinh sôi nảy nở là nguồn thức ăn cho rắn.
Thỉnh thoảng, chập tối anh thắp bóng điện lên thu hút côn trùng về là cóc nhái có thức ăn trong cả tuần. Anh tâm sự: “Ngày trước, khi chưa áp dụng mô hình nuôi cóc nhái, mỗi năm tôi phải bỏ ra vài chục triệu đồng để mua thức ăn cho rắn, giờ tôi chẳng phải lo nữa vì cóc nhái tự sinh sản được khá nhiều. Với rắn mòng, tôi thả vài trăm con cá rô phi, chúng sinh sôi khắp ao nên chẳng bao giờ phải lo thức ăn”.
Đang mải nói chuyện, bỗng âm thanh “kêu cứu” của một con nhái vang lên thảm thiết, theo bản năng tôi chạy về phía đó và thấy một chú rắn ráo khoảng nửa ký đang xơi tái một chú nhái. Với anh Hai, việc rắn săn mồi ở trang trại là chuyện thường ngày như cơm bữa, vào mùa hè thậm chí vợ chồng anh còn đau đầu, nhức óc vì nhái “kêu cứu” suốt ngày. Dùng máy ảnh ghi lại khoảnh khắc hiếm có ấy, tôi lại một phen nữa hồn xiêu phách lạc vì âm thanh “phì phì” phía sau. Thì ra tôi đã đánh động phải chỗ ở của lũ rắn hổ trâu nên chúng cảnh báo, vậy mà anh Hai không ngần ngại thò tay túm lên một con vằn vện từ đống gạch như bắt con lươn.
Anh Hai bắt con rắn hổ trâu như bắt một con lươn
Chỉ đến khi đối diện với loài rắn hổ mang tôi mới thấy anh Hai dùng đến gậy hỗ trợ. “Với loài rắn hổ mang thì không thể đùa được, một cái đớp của nó có thể lấy đi tính mạng mình trong phút chốc, không thì cũng phải mất vài chục triệu đồng để thay máu mới có cơ may sống sót. Bản thân tôi chân tay cũng chi chít sẹo đây”- anh Hai chia sẻ.
CHỞ DÚI BẰNG ÔTÔ
Sau khi tham quan tất cả bốn loài rắn có trong trang trại, anh Hai dẫn tôi đi xem các con vật nuôi khác cũng không kém phần rùng rợn. Đó là đàn kỳ đà hơn chục con, nặng cả yến luôn thè cái lưỡi đen tuyền đáng sợ không khác gì loài rồng Komodo bên đất nước Indonexia. Tiếp đó là đàn hon (có nơi gọi là don) hơn trăm con đang rúc vào mấy tấm pờrôximăng “ăn vụng” buồng chuối xanh chúng vừa tha được. Để tạo nguồn thức ăn cho hon, anh Hai trồng rất nhiều chuối, sắn và các cây ăn quả khác, hon tự kiếm ăn như ngoài tự nhiên.
Lúc đầu, tôi cứ tưởng hon là nhím vì trông chúng rất giống nhau, sau nhìn kỹ thì thấy lông của hon dẹt và thân hình nhỏ hơn so với nhím, chỉ khoảng 4 - 5 kg/con. Trong khi người nuôi nhím đang lao đao vì giá xuống thấp anh Hai vẫn bán hon với giá 1,2 triệu đồng/kg mà luôn cháy hàng. Theo anh Hai, sở dĩ hon đắt như vậy vì nuôi chúng khó hơn nuôi nhím rất nhiều, thịt hon ngon hơn thịt nhím nên được khách hàng chuộng, hiện mỗi năm anh Hai vừa bán thịt vừa bán giống cũng thu về được hơn trăm triệu từ hon.
Từ việc bán dúi thịt và dúi giống, mỗi năm anh Hai thu về hơn tỉ đồng
Nhưng, đem lại nguồn thu nhập lớn nhất cho người đàn ông luôn đi trước và nghĩ khác mọi người này lại đến từ con dúi. Nhưng để sở hữu trang trại với 1.000 con dúi, hơn 1.000 con rắn và hàng trăm con vật giá trị khác, anh Hai nếm trải không biết bao nhiêu mùi vị của thất bại. Sinh năm 1969 trong gia đình nông dân nghèo, chưa học hết cấp một anh Hai đã phải bươn chải làm thuê kiếm sống, trải qua đủ các nghề từ đào vàng, xây dựng đến buôn bán nhưng không nghề nào bén duyên với anh. Chỉ đến khi bập vào nghề chăn nuôi các con đặc sản, người đàn ông này mới chịu ngồi lại một chỗ.
Ngày bắt đầu nuôi rắn theo phương thức hoang dã, anh Hai thấy đàn rắn thưa dần mà không biết nguyên nhân vì sao, trong khi trang trại được xây rất chắc chắn nên không có chuyện rắn bò ra ngoài. Mất cả ngày, đêm phục kích nằm chờ ngoài vườn, anh Hai mới tá hỏa phát hiện thủ phạm chính là lũ cá trê lai dưới ao. Hễ con rắn ráo nào cả gan bơi trên mặt ao, chỉ trong chớp mắt đã bị cá trê lôi tụt xuống nước xâu xé. Sau bận đó, anh Hai phải tát cạn ao bắt hết đám trê lai và chỉ dám thả các loại cá rô phi làm thức ăn cho rắn mòng.
Chị Đặng Thị Tám, vợ anh Hai nhớ, có lần anh đầu tư vào nuôi dế sau không bán được lỗ mấy trăm triệu đồng rồi nuôi nhím cũng đi tong cả trăm triệu. Và con dúi cũng từng lấy không ít mồ hôi nước mắt của vợ chồng anh, ngày mới nuôi dúi, do chưa có kinh nghiệm nên dúi lớn đến đâu là chết đến đấy. Cho ăn cỏ voi dúi chết, chuyển sang ăn khoai lang dúi cũng chết, cuối cùng anh Hai đã tìm được đúng thức ăn hoang dã của dúi để nuôi chúng là tre, chít và mía.
Anh Hai chẳng ngần ngại cho biết, mỗi năm trang trại của anh cung cấp ra thị trường hơn 1.000 con dúi giống và hàng tạ dúi thương phẩm, thu về hơn tỉ đồng. Để nhân rộng mô hình nuôi dúi đến các địa phương, anh Hai bỏ ra gần 500 triệu đồng mua hẳn một chiếc ôtô con chuyên để chở dúi cho khách hàng khắp các tỉnh Bắc - Trung - Nam và thuê 8 nhân công trả lương từ 3 - 6 triệu đồng/tháng chuyên chăm nom dúi đẻ và chặt tre, mía cho dúi ăn hàng ngày.
Tôi dám chắc, ai cũng sẽ "choáng" khi tham quan chuồng nuôi dúi của gia đình anh Hai. Hàng nghìn con dúi béo mũm mĩm chen chúc nhau trong một ô chuồng. Không thể ngờ, loài vật trông chẳng khác gì con chuột này mỗi năm mang về cho gia đình anh hơn tỉ đồng lợi nhuận, cộng 500 triệu tiền rắn, hơn 100 triệu tiền hon, vài chục triệu tiền kỳ đà, trang trại rộng chưa đầy 2.000 m2 của anh Dư Văn Hai thu về ngót nghét 2 tỉ đồng/năm.
Có thể bạn quan tâm
Vụ đông xuân 2011-2012, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng một mô hình thâm canh lúa lai tại xã miền núi Vĩnh An (huyện Tây Sơn), nơi có 100% dân số là người dân tộc Ba Na. Mô hình triển khai trên diện tích 2ha với giống lúa TH3-3.
Mặc dù sở hữu đến 2 hécta điều trồng hơn 10 năm, nhưng cuộc sống gia đình ông Nguyễn Đức Tiến ở ấp 3, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vẫn chật vật vì thu nhập thấp, chưa đầy 30 triệu đồng/năm.
Cá tra loại 1 (thịt trắng, cỡ 0,7 – 0,8 con/kg) ở Đồng Tháp lên tới 27.500 đồng/kg, cao hơn tuần trước 500 – 1.000 đồng. Mức giá gần chạm kỷ lục ở tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi lớn nhất khu vực ĐBSCL đã tác động tích cực tới thị trường các tỉnh khác. Giá cá cùng loại tại Tiền Giang là 25.500 đồng/kg, ở An Giang 26.000 đồng, ở Cần Thơ giá 24.500 đồng/kg. Cá tra loại 2 (thịt vàng, cỡ 0,9 – 1,1 kg/con) ở Đồng Tháp hiện là 26.000 đồng, cao hơn tuần trước 1.500 đồng/kg, tại Tiền Giang đạt 23.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng.