Giá / Tin thủy sản

Tiên phong nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất

Tiên phong nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất
Tác giả: Ngọc Nhân
Ngày đăng: 05/10/2020

Nhằm chuyển giao các đối tượng thủy sản nước ngọt mới có giá trị kinh tế cao, năm 2019 hội viên nông dân Trần Đình Xảo ở Chi hội Thủy Khê, Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị nuôi thử nghiệm cá leo thương phẩm trong ao với diện tích mặt nước 0,8 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá leo của hội viên nông dân Trần Đình Xảo ở Chi hội Thủy Khê, Gio Mỹ- Ảnh: Ngọc Nhân

Chia sẻ về quá trình triển khai mô hình, ông Xảo cho biết, sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, học hỏi từ các mô hình nuôi cá leo của những người đi trước trong tỉnh, qua tìm hiểu nhu cầu của thị trường ưa chuộng các loại cá có giá trị dinh dưỡng cao, năm 2019, gia đình ông mạnh dạn mua 2.700 con cá leo với giá 80.000 đồng/con đưa về nuôi nhằm chuyển đổi dần các loại cá thường nuôi trước đây như cá trắm, diếc, rô phi.

Thời gian nuôi và cho thu hoạch cá leo định kỳ 2 lần/năm, trong quá trình đưa vào nuôi thử nghiệm, cá phát triển nhanh, phù hợp với môi trường sống, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cá khác. Năm đầu tiên gia đình ông thu hoạch 1 lần, trọng lượng cá đạt từ 1-1,5 kg, trừ chi phí về giống, thức ăn, lợi nhuận đem lại khoảng 30 - 40 triệu đồng.

Đặc điểm cá leo là loại cá da trơn, thường sống trên các sông nước ngọt hoặc nước lợ, khả năng thích nghi tốt với sự biến đổi của môi trường, có những ưu điểm vượt trội so với các loại cá khác, như dễ nuôi, ít dịch bệnh, thời gian tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, có thể nuôi trong ao hồ, lồng bè. Về thức ăn cho cá, cùng với thức ăn chính của cá, ông Xảo còn mua thêm cá biển về xay nhuyễn trộn với bột ngô, bột vỏ lạc mịn, phụ phẩm trong nông nghiệp để cho cá ăn.

Thấy được hiệu quả kinh tế, môi trường nuôi cá leo phù hợp, thị trường đầu ra ổn định, năm 2020, gia đình ông Xảo thả gần 1.500 con cá, số lượng thả ít hơn năm trước vì khó khăn trong việc vận chuyển giống từ các tỉnh miền Tây ra Quảng Trị. Bên cạnh đó, các loại cá như cá mè, trắm đen, diếc… gia đình ông vẫn duy trì nuôi với số lượng ít hơn, vừa tận dụng tối đa các phụ phẩm dư thừa trong sản xuất nông nghiệp vừa tiết kiệm diện tích mặt nước trong ao.

Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông nuôi 3 lứa heo thịt/năm, số lượng nuôi từ 20 - 30 con/lứa, trọng lượng lúc xuất chồng mỗi con đạt từ 60 - 65 kg, bán ra thị trường đạt từ 1,5 - 2 tấn thịt. Bên cạnh đó, với diện tích đất gần 5 sào trong vườn nhà, gia đình ông chuyển đổi từ các loại cây màu sang trồng các loại cây ăn quả như ổi, xoài, na…nhằm tăng thêm nguồn thu nhập. Sau khi trừ các chi phí, tổng thu nhập của gia đình ông Trần Đình Xảo đạt từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Mỹ Trần Thị Thùy cho biết, sau khi nghỉ hưu, ông Trần Đình Xảo là hội viên nông dân luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi đầu trong các phong trào đóng góp xây dựng quê hương. Ông Xảo cũng là hội viên đầu tiên của xã thử nghiệm nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất, mang lại thu nhập cao. Từ kết quả mô hình đã khẳng định cá leo là đối tượng thủy sản phù hợp và đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nuôi. Thời gian đến, Hội Nông dân xã sẽ liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân trong việc chọn mua nguồn giống ở những nơi tin cậy, xây dựng thương hiệu cho cá leo của nông dân, đồng thời nhân rộng mô hình nhằm giúp người dân có thêm đối tượng nuôi mới, nhằm thúc đẩy nghề nuôi cá nước ngọt phát triển tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Butyrate glyceride - Giảm tác động bất lợi của khẩu phần ăn giàu đạm thực vật Butyrate glyceride - Giảm tác động bất lợi của khẩu phần ăn giàu đạm thực vật

Khô đậu là nguồn thức ăn thủy sản khá phổ biến trong nuôi thủy sản nhưng chứa các yếu tố kháng dinh dưỡng. Khắc phục hạn chế này, bổ sung butyrate glyceride vào

05/10/2020
Quy trình sản xuất giống nhân tạo cá hô Quy trình sản xuất giống nhân tạo cá hô

Cá hô (Catlocarpio siamensis) là loài cá có kích thước lớn nhất trong họ cá chép (Cyprinidae), đây cũng là một trong những loài thủy sản có tên trong sách đỏ.

05/10/2020
Bí quyết nuôi thuỷ sản xen ghép thu hàng trăm triệu/ha - Con lành thả trước, dữ dằn thả sau Bí quyết nuôi thuỷ sản xen ghép thu hàng trăm triệu/ha - Con lành thả trước, dữ dằn thả sau

Nguyên tắc trong nuôi thủy sản xen ghép là con nào hiền lành thả trước, con nào dữ thả sau, cho ăn thức ăn khác nhau, thường xuyên kiểm tra môi trường nước

05/10/2020