Giá / Tin thủy sản

Thủy sản nội địa gặp khó vì chiết khấu

Thủy sản nội địa gặp khó vì chiết khấu
Tác giả: SƠN TRANG
Ngày đăng: 13/05/2016

Điều này gây ra mối lo ngại lớn cho các doanh nghiệp thủy sản đang chú trọng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở thị trường nội địa.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), vừa qua một số hệ thống các siêu thị lớn có sự thay đổi chủ dẫn tới nhân sự và hoạt động chưa ổn định, do đó đã ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của cả siêu thị và doanh nghiệp sản xuất cung cấp hàng, trong đó có các doanh nghiệp thủy sản.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là một số hệ thống siêu thị lớn đã để xuất tăng chiết khấu. Cụ thể, để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, tháng 3 - 4/2016, các siêu thị có gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu.

Trong đó, hệ thống siêu thị BigC đưa ra mức đề xuất tăng thêm chiết khấu khá cao 4,25 - 5%. Với đề xuất này, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối làm sao vẫn hợp tác với BigC mà vẫn có được một chút lợi nhuận để tái đầu tư.

Hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng đã gửi thư tới các doanh nghiệp thủy sản, đề xuất mức tăng chiết khấu 1% trong những hợp đồng mới. Đáng chú ý là trước đây Co.op đã từng cam kết sẽ giữ ổn định mức chiết khấu.

VASEP cho biết, do chi phí sản xuất ngày càng tăng cao nên để có thể tồn tại và có lợi nhuận khi bán hàng vào các hệ thống siêu thị, mức chiết khẩu với hàng thủy sản chỉ có thể ở mức 15%.

Thế nhưng trong thực tế, khi đưa hàng vào hệ thống BigC, các doanh nghiệp thủy sản đang phải chịu mức chiết khấu từ 17 - 20%, thậm chí có doanh nghiệp chịu mức chiết khấu tới 25%. Đây đều là những mức chiết khấu quá cao, làm cho doanh nghiệp bị thua lỗ, không có khả năng tái đầu tư.

Do đó, nếu theo đề xuất mới của BigC là tăng thêm chiết khấu 4,25 - 5% thì chắc chắn các doanh nghiệp thủy sản sẽ không thể chịu đựng nổi, phải rút lui khỏi hệ thống này.

Bên cạnh đó, thông tin từ một số doanh nghiệp thủy sản cho hay, khi đưa hàng thủy sản vào các siêu thị, các doanh nghiệp còn phải chịu nhiều chi phí khác như chi các khoản hỗ trợ hoạt động thường xuyên, hỗ trợ khai trương, hỗ trợ sinh nhật cửa hàng, bị chậm hoặc kéo dài thời gian thanh toán…

Nhiều hệ thống siêu thị nước ngoài còn đưa ra những khoản chi phí vô lý, được tính vào trong chiết khấu như chi phí tháng tập hợp đơn hàng, chi phí tháng cho tối ưu hóa phân phối sản phẩm trong mạng lưới các cửa hàng, chi phí tháng cho thương lượng chung…

Hầu hết các doanh nghiệp đều đã có chương trình dùng thử sản phẩm với chi phí riêng, nhưng lại vẫn phải đóng chi phí dùng thử sản phẩm cho siêu thị… Mỗi khoản chiết khấu, chi phí bình quân 1 - 2% năm, cộng lại, mỗi năm doanh nghiệp phải tốn phí không nhỏ cho những chi phí này.

Mặt khác, hầu như năm nào các hệ thống siêu thị cũng đề xuất tăng mức chiết khấu hoặc đưa ra thêm những khoản chi phí mới bắt doanh nghiệp cung ứng hàng hóa phải chịu.

Chẳng hạn, cuối năm 2015, một số hệ thống siêu thị nước ngoài đã đề xuất tăng chiết khấu từ 0,75 - 1,2% với hàng thủy sản, bổ sung cho hợp đồng đã ký trong năm 2015.

Điều này đã gây bức xúc cho các doanh nghiệp cung cấp hàng thủy sản vì như vậy là họ buộc phải tăng giá bán lên (trong khi giá bán lẻ mà các siêu thị xây dựng đã thường xuyên cao hơn 20 - 35% so với giá bán của nhà cung cấp), gây khó khăn cho việc cạnh tranh của thủy sản bán trong siêu thị với sản phẩm thủy sản bán ở các đại lý, các chợ truyền thống…

Trước tình hình đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản thành viên, VASEP đã có công văn gửi một số hệ thống siêu thị, đề nghị xem xét lại đề xuất tăng chiết khấu.

Cụ thể, VASEP đề nghị hệ thống siêu thị BigC không tăng mức chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu hiện hành xuống ở mức bằng hoặc thấp hơn 15%. Còn với hệ thống Co.op Mart, VASEP đề nghị hệ thống này xem xét điều chỉnh chỉ tăng chiết khấu dưới 1% đối với các doanh nghiệp thành viên của VASEP đang cung cấp thủy sản cho siêu thị này.


Có thể bạn quan tâm

Độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến việc nuôi Artemia ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) Độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến việc nuôi Artemia ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng)

Nắng nóng khiến độ mặn tại các ao nuôi Artemia ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến việc cho trứng của Artemia. Hiện nay một số hộ đã chuyển sang làm muối, phần lớn các hộ khác vẫn tiếp tục nuôi và chờ mưa để Artemia cho trứng trở lại.

13/05/2016
Sẽ tiếp tục bơm vốn cho ngư dân đóng tàu Sẽ tiếp tục bơm vốn cho ngư dân đóng tàu

Thời gian qua, việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ nông dân đóng mới tàu thuyền đã được các ngân hàng thương mại thực hiện. Tuy nhiên, mong muốn của bà con ngư dân, cũng như một số địa phương là cần có nguồn vốn mạnh hơn nữa để ngày càng có thêm nhiều con tàu mới ra khơi theo Nghị định 67.

13/05/2016
Cá ngừ đại dương rớt giá còn 84.000 đồng/kg Cá ngừ đại dương rớt giá còn 84.000 đồng/kg

Nếu tháng trước cá ngừ đại dương được các đầu nậu thu mua với giá 90.000 đồng/kg (đầu năm đạt trên 100.000 đồng/ kg) thì hiện tại giá cá chỉ còn 84.000 đồng/ kg. Giá cả bấp bênh, khiến ngư dân rất bất an.

13/05/2016