Giá / Mô hình kinh tế

Thực Hư Về Gạo Thảo Dược Kháng Ung Thư

Thực Hư Về Gạo Thảo Dược Kháng Ung Thư
Tác giả: 
Ngày đăng: 19/08/2013

Mới xuất hiện tại TPHCM chưa đầy hai tuần, đại lý chưa kịp khai trương, giá bán cũng khá cao (40.000-45.000đ/kg) nhưng hàng tấn gạo thảo dược (ảnh) đã được bán hết với lý do sản phẩm này có chất kháng ung thư.

Mua vì lạ!

Mới ở giai đoạn thử nghiệm khoảng hai tuần lễ và đại lý cũng chưa chính thức khai trương nhưng ông Phong, chủ đại lý gạo thảo dược Vĩnh Hòa (hiện được xem là đại diện duy nhất của loại gạo thảo dược có màu tím thuộc Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa có trụ sở tại tỉnh Nghệ An) trên đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TPHCM cho biết, khách đặt hàng qua điện thoại, internet khá nhiều (khoảng một tấn). Riêng trang mạng xã hội Facebook của đại lý này thu hút gần 2.000 lượt thích (like) với gần 500 ý kiến từ khách hàng quan tâm đến sản phẩm này, chủ yếu muốn mua từ 2 - 5kg để ăn thử.

Ông Phong cho biết, đối tượng khách hàng chủ yếu hiện nay là phụ nữ, tuổi đời từ 25 trở lên, đúng với mục tiêu mà đại lý hướng tới là các bà nội trợ quan tâm đến sức khỏe.

Theo quan sát của chúng tôi, bề ngoài gạo thảo dược (được đóng gói trong túi ni lông 2kg/túi) giống với những loại gạo xuất hiện trên thị trường từ lâu như huyết rồng, gạo lứt… bán đại trà tại các đại lý gạo. Chủ đại lý cũng thừa nhận, bản chất loại gạo này thực tế là một dạng gạo lứt (loại gạo được tạo ra từ bất cứ loại lúa nào, khi xay chỉ loại bỏ lớp vỏ trấu ngoài, không đánh bóng bên trong). Gạo thảo dược này được ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa (Nghệ An) lai các giống với nhau, tạo ra giống lúa Vĩnh Hòa, chứ không sử dụng thảo dược pha trộn vào hạt gạo thành phẩm. Giống lúa này có đặc điểm khi là mạ thì có màu tím biếc, khi lúa phát triển chuyển sang màu xanh đậm, sau 25 - 30 ngày khi trổ bông lại đổi màu tím Huế. Hạt gạo thảo dược có đặc điểm tròn, màu tím, không dài và đỏ như gạo huyết rồng…

Nhiều khách hàng đã gọi loại gạo này là gạo chức năng. Theo tìm hiểu của PV, lý do chủ yếu khiến loại gạo này thu hút người mua vì được giới thiệu là loại gạo tác dụng hơn cả các loại dược phẩm hay thực phẩm chức năng. Chẳng hạn, giàu vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B, B2, B6…), lipit, chất xơ, chất omega (3, 6, 9…) chống ung thư, chất gama, oryzanol có tác dụng chống oxy hóa ngăn ngừa lão hóa, có tác dụng bổ gan, bổ thận, dưỡng huyết, nâng cao thể lực, nuôi dưỡng não tụy, bền gân cốt, làm sáng mắt, kéo dài tuổi thọ, tăng cường tiết sữa, làm vết thương mau lành, chống táo bón, chống loãng xương; đặc biệt làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân, giàu chất béo thực vật, không có cholesterol, rất tốt cho tim mạch…

Tin tới đâu?

Giá bán của loại gạo này khá cao, mua tại đại lý 40.000đ/kg, giao tận nhà 45.000đ/kg. Giải thích nguyên nhân giá bán cao, ông Phong cho rằng, nếu so với một số loại gạo dài ngày của các dân tộc thiểu số có giá 50.000 - 60.000đ/kg thì mức giá này không cao. Xét về mặt canh tác, vùng nguyên liệu… thì chi phí sản xuất gạo thảo dược cao hơn các loại gạo thông thường vì phải bao tiêu cho người trồng, hơn nữa hiện mới chỉ có Nghệ An là vùng đất phù hợp nhất, chi phí vận chuyển vào TP.HCM tương đối cao. “Trong tương lai, nếu xây dựng được mạng lưới phân phối cấp 2, cấp 3, giá bán có thể hạ và tiến tới đưa vào siêu thị, giá thành có thể hạ thêm”, ông Phong cho biết.

Theo kết quả kiểm định của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng được Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa, chủ sở hữu giống lúa thảo dược công bố thì hàm lượng canxi: 16,6, hàm lượng sắt: 1,1, hàm lượng vitamin A: 57, hàm lượng omega 9: 1.290, hàm lượng omega 6: 6,5. Đây là cơ sở để đơn vị giới thiệu loại gạo trên giàu vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6), lipit, chất xơ, chất omega chống ung thư, chống loãng xương; khi ăn làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân…

BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết, đến thời điểm hiện tại, cá nhân bà chưa kịp cập nhật thông tin về loại gạo này. Trên diễn đàn của Trung tâm hay Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chưa thấy đề cập đến loại gạo thảo dược này. Theo bà Diệp, những loại gạo có bổ sung các loại chất trên thị trường thế giới đã xuất hiện từ lâu, chẳng hạn loại gạo bổ sung vitamin A, khi ăn có tác dụng chống khô mắt. Ở Việt Nam hiện có loại gạo bổ sung sắt, nhưng mới ở mức độ nghiên cứu. Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cũng từng nghiên cứu loại lúa mầm có hàm lượng dinh dưỡng cao tại An Giang nhưng cũng chưa phổ biến rộng rãi.

Nguyên lý cơ bản của các loại gạo chức năng dựa trên hàm lượng dinh dưỡng là dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe, phòng ngừa, giảm nguy cơ bệnh tật chứ ăn để không bị ung thư là không thể. “Người tiêu dùng nên biết một điều là không thể ăn cái gì mà hết ung thư được cả. Nếu ăn gạo để chống ung thư nhưng lại ăn những thực phẩm mất an toàn khác cũng hoàn toàn vô tác dụng”, BS. Diệp nói.


Có thể bạn quan tâm

Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Nuôi Cá Lăng Nha Đuôi Đỏ Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Nuôi Cá Lăng Nha Đuôi Đỏ

Trong một vài năm trở lại đây, mô hình cá lăng nha đuôi đỏ nuôi trong bè nổi tại các hồ lớn, hồ thủy điện… trong tỉnh Dak Lak đã chứng tỏ được giá trị kinh tế của loài cá đặc sản được xếp bậc nhất trong họ cá da trơn trên dòng sông Mê Kông.

19/08/2013
Khuyến Khích Nông Dân Thả Tôm Nuôi Dứt Điểm Để Tránh Dịch Bệnh Khuyến Khích Nông Dân Thả Tôm Nuôi Dứt Điểm Để Tránh Dịch Bệnh

Thực hiện lịch thời vụ trong nuôi trồng thủy sản, trong tháng 7/2013 ở Bạc Liêu, nông dân đã tập trung thả giống hơn 96.830ha, nâng tổng diện tích tôm nuôi đến nay lên hơn 124.590ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp khoảng 11.570ha, còn lại là diện tích nuôi quảng canh, hoặc quảng canh cải tiến kết hợp với các loại thủy sản khác như: cá, cua...

19/08/2013
Cây Dâu, Con Tằm Nội Địa Cây Dâu, Con Tằm Nội Địa "Lên Ngôi"

Nếu như trước đây 90% giống dâu, tằm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ thì nay người trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển sang nuôi trồng giống dâu, tằm nội địa. Giống dâu, tằm này do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng (TTNCTNNLN) nghiên cứu và đưa vào sản xuất đại trà thời gian gần đây.

19/08/2013