Thu Nhập Từ Trồng Cam Nhiều Nông Dân Đổi Đời
Vụ cam năm 2011, huyện Hàm Yên có trên 2.326 ha, năng suất bình quân 130 tạ/ha, sản lượng đạt trên 28 nghìn tấn quả, tổng giá trị thu nhập đạt trên 150 tỷ đồng. Cuối vụ, cam bán được giá, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã có thu nhập tiền tỷ.
Ông Hà Văn Nhất, thôn 5 Thống Nhất, xã Yên Phú có 4 ha cam. Do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, đầu vụ rét đậm, rét hại kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của quả. Đến cuối vụ, vườn cam của ông Nhất chỉ còn 2 ha cho thu hoạch. Tuy nhiên, cũng nhờ cam chín muộn nên ông giữ được quả đến cuối vụ.
Trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, ông Nhất đã thu hoạch được trên 50 tấn quả, bán với giá 20 nghìn/kg, thu 1 tỷ đồng. Ông Nhất tâm sự: Trước năm 2002, khi chưa trồng cam, ông buôn bán, kinh doanh bị thua lỗ, nợ hơn 300 triệu đồng. Được hỗ trợ từ dự án trồng cam, ông đã mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng đầu tư 2 ha. Sau mỗi năm ông phát triển thêm vài trăm gốc.
Đến nay vườn cam của ông đã có 2.000 gốc, hàng năm cho thu hoạch khoảng 100 tấn quả, thu bình quân 500 - 600 triệu đồng. Kể từ khi trồng cam, ông đã trả được nợ, đồng thời mua ô tô phát triển thêm dịch vụ vận tải hàng hóa trong địa bàn xã.
Ông Nhất bảo, nghề trồng cam tuy vất vả, chi phí đầu tư chăm sóc, nhân công cao, nhưng ngược lại, hàng vụ cho thu hoạch tương đối cao. Hiện nay, ông Nhất còn nuôi 2 con học năm cuối Đại học Đà Lạt và Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
Vụ cam năm nay, trên địa bàn huyện còn có nhiều hộ trồng cam cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng, như hộ ông Phạm Văn Tú, thu 1,3 tỷ đồng; hộ ông Phạm Văn Thức, xã Yên Thuận thu 1 tỷ đồng; hộ ông Vũ Văn Thành xã Bằng Cốc thu trên 1 tỷ đồng... Gia đình bà Vũ Thị Thiết, thôn 2, xã Bằng Cốc trồng 7 ha cam thu gần 1 tỷ đồng cho biết, cam xã Bằng Cốc tuy quả không đẹp mã bằng cam Yên Thuận, Phù Lưu, Bạch Xa..., nhưng cam ngọt, vỏ dày có lợi cho việc vận chuyển và bảo quản.
Để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ cam, từ thu nhập bán cam hàng năm, gia đình bà Thiết cũng sắm ô tô để tự chở cam đi tiêu thụ tại các tỉnh như: Phú Thọ, Hải Dương, thành phố Vinh (Nghệ An)... điều kiện như vậy giúp gia đình làm chủ được đầu ra của sản phẩm, không bị tư thương ép giá.
Bà Tạ Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên chia sẻ: Để sản lượng cam đạt cao hơn những năm trước, từ cuối vụ trước, Trung tâm Cây ăn quả đã tham mưu cho huyện đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nắm bắt thị trường, tổ chức hội nghị khách hàng, tham gia các hội chợ thương mại ở Trung ương và địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ cam ở các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Giới thiệu các điểm bán hàng, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố cho các hộ trồng và kinh doanh cam; thông tin thị trường để người trồng cam nắm bắt được giá cả, lượng hàng cần tiêu thụ tại một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh... Hiện nay, huyện đã hoàn thiện thủ tục công bố hợp chuẩn Cam sành Hàm Yên đạt tiêu chuẩn VN 1973:2007 và thông báo tiếp nhận bản công bố sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn.
Huyện tiếp tục phát triển cây cam theo hướng sản xuất hàng hóa, duy trì và mở rộng các điểm bán hàng nhằm ổn định giá bán cam trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng, cây cam sành là lợi thế của huyện Hàm Yên, bởi đây là cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, sau cây mía.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng cam, giữ vững thương hiệu, ban đầu, Sở sẽ hỗ trợ người trồng cam trên núi cao ở xã Minh Khương 3 dòng dọc vận chuyển cam và 1 nhà kho; hỗ trợ bà con nông dân trồng cam trong huyện tem nhãn dán trên quả cam, in tờ rơi tờ gấp để quảng bá cho thương hiệu Cam sành Hàm Yên.
Đến các vùng trồng cam trên địa bàn huyện Hàm Yên bây giờ, nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây dựng, nhiều gia đình còn sắm ô tô con, xe tải để vận chuyển hàng hóa, phát triển thêm các nghề, dịch vụ khác. Tất cả đều được bắt đầu từ việc trồng cam.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, trong khi sức mua các sản phẩm chăn nuôi đều giảm mạnh, không đảm bảo lợi nhuận của người chăn nuôi thì giá thức ăn lại liên tục tăng cao, nhất là thức ăn thủy sản...
Những hôm trái gió trở trời, mảnh đạn trong cơ thể lại cù cựa đòi ra, đau nhức kinh khủng, nhưng ông vẫn gượng dậy làm việc. Ông bảo: Nếu mình nằm xuống, rên rỉ vì đau, đồng nghĩa mình thua cuộc: Ông là Phạm Đắc Suất, thuơng binh hạng 3/4, nạn nhân chất độc da cam, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XD NTM) huyện Trảng Bàng, qua hơn 2 năm (từ năm 2011 đến giữa năm 2013) thực hiện Chương trình XD NTM, huyện đã phát triển nhiều mô hình sản xuất góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.