Thu Nhập Trên 200 Triệu Đồng Từ Mô Hình Luân Canh Tôm - Lúa
Những năm qua, ở Bạc Liêu, mô hình luân canh tôm - lúa được nông dân các vùng chuyển đổi của tỉnh như Phước Long, Hồng Dân... áp dụng rất thành công. Mô hình này được khẳng định là hướng sản xuất bền vững, góp phần làm ổn định sinh thái đồng ruộng, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Anh Lâm Thành Phúc (48 tuổi, ấp Phước Thọ Tiền, xã Phước Long, huyện Phước Long) là một trong những nông dân có hơn 10 năm liền áp dụng mô hình luân canh 2 vụ tôm - 1 vụ lúa trên diện tích 3,3 ha.
Những năm đầu, anh Phúc thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi còn hạn chế. Sau đó, nhờ được dự các lớp tập huấn khuyến nông - khuyến ngư và áp dụng vào mô hình nên năng suất lúa - tôm ngày càng đạt cao. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, anh Phúc thu nhập trên 150 triệu đồng. Riêng năm 2011, anh thu lãi 220 triệu đồng (tôm 160 triệu đồng, lúa 60 triệu đồng).
Anh Phúc cho biết: “Sau khi thu hoạch xong vụ lúa, vào khoảng 20/12 (âm lịch), tôi phơi vuông khoảng 20 ngày cho đất khô. Sau đó, bón vôi đá 20 kg/công (1.300 m2), đưa nước vào và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường. Nếu đạt yêu cầu thì thả giống, mật độ khoảng 2 con/m2, không bổ sung thức ăn công nghiệp. Sau 3 tháng nuôi thì thu hoạch dứt điểm 1 lần và tiếp tục nuôi vụ 2”. Đầu tháng 8 (âm lịch), anh bắt đầu sạ lúa, giống Một bụi đỏ (có thời gian sinh trưởng khoảng 5 tháng), khả năng chịu mặn tương đối tốt, năng suất đạt 5 - 6 tấn/ha.
Theo anh Phúc, trồng lúa trên đất nuôi tôm chi phí rất thấp, mỗi công sạ khoảng 10 kg lúa giống (sạ lan), bón khoảng 30 kg phân các loại/công (trong đó, phân lân chiếm 50%), nhưng năng suất tương đối cao (5,4 tấn/ha), lúa ít sâu bệnh. Từ khi anh Phúc áp dụng mô hình luân canh tôm - lúa, năng suất tăng gấp đôi so với độc canh cây lúa, tôm mau lớn, ít rủi ro, chi phí đầu tư thấp.
Hiện nay, anh Phúc đã thu hoạch xong 2 vụ tôm với sản lượng 1,1 tấn. Trừ chi phí, anh còn lãi 160 triệu đồng. Và anh đang chuẩn bị đất để trồng 1 vụ lúa. Nhìn chung, mô hình luân canh tôm - lúa rất bền vững và cho thu nhập ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NNPTNT vừa tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình “Công nghệ sinh thái” trên cây lúa ở các tỉnh phía Nam.
Những năm gần đây, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, khẳng định được chất lượng như: Sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm, cà phê, hồ tiêu, mía tím… được kỳ vọng sẽ giúp nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) làm giàu. Thế nhưng, nhiều nông hộ đang phải đối diện với bài toán khó giải về đầu ra cho sản phẩm.
Anh Phạm Đình Chiểu, sinh năm 1964 trong một gia đình thuần nông ở xóm 2, xã Vũ Đoài (Thái Bình). Anh đầu tư mua giống, san đất, đào ao, xây dựng chuồng trại, trồng cây cảnh, phát triển kinh tế theo mô hình VAC.