Thu Nhập Ổn Định Từ Chăn Nuôi Bò Sữa
Vài năm gần đây, rất nhiều gia đình ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) chú trọng vào nghề chăn nuôi bò sữa. Nhờ sự cần cù, chịu khó của bản thân, sự hỗ trợ tích cực về vốn lẫn kỹ thuật từ chính quyền địa phương, người dân đã biết cách nuôi bò sữa hiệu quả và đã có cuộc sống no đủ hơn.
Một trong những người đi đầu trong việc chăn nuôi bò sữa ở Long Tân là anh Nguyễn Văn Khương. Qua trao đổi, anh Khương cho biết, năm 1985 hai vợ chồng anh rời quê Thanh Hóa vào Bình Dương làm công nhân. Được một thời gian, nhận thấy đồng cỏ tự nhiên ở đây nhiều, rất thích hợp cho việc chăn nuôi bò, nên năm 2001 anh đã quyết định nghỉ việc về nàh làm kinh tế theo cách riêng của mình. Vào thời điểm đó giá bò sữa khá đắt nên với số tiền giải quyết nghỉ việc được 10 triệu đồng, anh Khương chỉ mua được một con bê sữa về nuôi. Tính đến nay, đàn bò của anh đã có 30 con, trong đó có 17 con đã cho thu hoạch sữa với sản lượng khoảng 180kg, bán được 2 triệu đồng/ngày, trừ chi phí còn lãi trên 50%.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Khương còn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa nhằm giúp nhau vượt qua khó khăn trong chăn nuôi. Hiện nay tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Long Tân đã có 15 thành viên với tổng đàn bò sữa 170 con. Anh Khương cho biết: “Lúc đầu tổ hợp tác chỉ có vài thành viên, mỗi nhà chỉ có từ 1 - 2 con nhưng đến bây giờ nhờ vay vốn của Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dầu Tiếng mà các thành viên đã phát triển đàn bò tăng lên từ 10 - 20 con, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện”.
Cũng là một hộ chăn nuôi bò sữa hiệu quả sau khi tham gia tổ hợp tác, anh Phạm Văn Khôi cho biết, đầu năm 2007, sau khi quyết định nghỉ việc ở công ty, anh bắt tay vào chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, đàn bò nhà anh đã có 25 con, trong đó có 7 con cho sữa. Với giá sữa ổn định như hiện nay (11.500 đồng/kg) mỗi ngày gia đình anh Khôi thu nhập bình quân gần 1 triệu đồng từ bò sữa.
Theo thống kê, toàn xã Long Tân hiện có 16 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng số gần 180 con, tăng khoảng 40 con so với năm 2011. Ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân cho biết: “Chăn nuôi bò sữa là hướng đi cho hiệu quả kinh tế khá cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Nhờ chăn nuôi bò sữa, thu nhập và đời sống của nhiều hộ nông dân địa phương được cải thiện rõ rệt”.
Theo các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa, đầu ra cho sản phẩm sữa hiện nay khá ổn định, hơn nữa bò sữa cũng ít bị dịch bệnh so với các vật nuôi khác nên người nông dân có thể yên tâm sản xuất. Việc thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì còn rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Long Tân Trần Văn Hưng cho biết: “Hiện nay chúng tôi cũng đang hoàn thành thủ tục để đề xuất lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thành lập HTX chăn nuôi bò sữa. Khi HTX được thành lập, người dân sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển loại hình kinh tế tập thể này. Đồng thời cũng sẽ đề nghị lên huyện xem xét để người dân có đất công để thuê, giúp họ chủ động được nguồn cỏ làm thức ăn cho đàn bò”.
Có thể bạn quan tâm
Mường Ảng là 1 trong 4 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông - lâm nghiệp, với khoảng 90% lao động nông nghiệp.
Tại xã Phú Sơn (Chợ Lách - Bến Tre), phong trào làm cây giống phát triển gần 10 năm nay, với 2 loại cây chủ lực là mít và xoài. Nhờ sản xuất cây giống, không ít hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Ngày 20.6, ông Nguyễn Đình Xuân – cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn (Bình Đinh) cho biết: Hơn một tuần qua, tôm hùm giống xuất hiện nhiều tại vùng biển ven bờ ở Nhơn Lý, thuyền của ngư dân chuyên làm mành tôm tập trung khai thác, một đêm mỗi thuyền khai thác được từ 30 – 100 con tôm hùm giống.