Giá / Tin thủy sản

Thu hơn 1 tỷ đồng/năm từ 1.200m2 nuôi tôm thẻ

Thu hơn 1 tỷ đồng/năm từ 1.200m2 nuôi tôm thẻ
Tác giả: Thanh Xuân
Ngày đăng: 26/09/2016

Lợi nhuận từ 1,2- 1,5 tỷ đồng

Chúng tôi tìm đến thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Hạnh khi ông Đặng Ngọc Vạn đang thu tôm vụ 3 trong năm để bán cho khách. Do giá tôm tăng cao hơn vụ tôm trước cộng thêm lứa tôm vụ 3 cũng có năng suất cao hơn nên gia đình ông Vạn rất phấn khởi. “Lần này do  tôm của tôi đạt kích cỡ lớn, trung bình khoảng 48 con/kg, trong khi lứa trước là 74 con/kg, nên thương lái rất thích tôm cỡ lớn đã mua tôm sống để bán cho nhà hàng phục vụ đám cưới với giá cao hơn là 155.000 đồng/kg. Trong khi tôm vụ 2 chỉ bán được 100.000 đồng/1kg và thương lái thu mua ướp đá” - ông Vạn nói. Dự kiến vụ tôm 3 này, nếu thu hết ông Vạn có lợi nhuận khoảng 600 – 700 triệu đồng.

Theo ông Vạn,  giống tôm của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung rất tốt. Tôm giống thả nhanh lớn, khả năng kháng bệnh cao, khả năng thích nghi với thời tiết, môi trường ở Khánh Hòa cũng rất tốt… Trong suốt 5 vụ tôm gần nhất, ông Vạn đều sử dụng con giống của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung và đều thu được thành công.

Ông Vạn cũng cho biết, vụ tôm 1 gia đình ông có lời hơn 300 triệu  đồng. Đến vụ tôm 2, ông thu hơn 5 tấn, kích cỡ trung bình 74 con/kg, tuy giá tôm ở mức thấp nhất, chỉ bán được 100.000 đồng/kg nhưng ông Vạn vẫn bỏ túi 400 triệu tiền lời. “Nếu như giá tôm mà đạt được mức giá như năm 2012 – 2013 thì lời nhuận sẽ còn cao hơn rất nhiều. Ở thời điểm đó, với cỡ tôm như của tôi khoảng 70 con/kg cũng phải bán được trên 200.000 đồng/kg. Tính ra, so với giá hiện tại thì mỗi tấn tôm bị mất đi cả trăm triệu đồng” - ông Vạn cho biết.

Theo ông Vạn, mỗi lứa tôm ông nuôi trung bình 70 ngày, cộng với thời gian xử lý ao là 90 ngày thì một năm cũng nuôi được 3 vụ. Với giá cả thị trường ổn định thì mỗi năm gia đình ông Vạn cũng bỏ túi khoảng 1,2 – 1,5 tỷ đồng từ nuôi tôm thẻ chân trắng. “Nếu cứ thuận lợi thì nuôi tôm vẫn được coi là một lĩnh vực có lợi nhuận cao trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều lĩnh vực khác người ta chỉ đặt mục tiêu 500 triệu đồng/ha, tôi chưa có được 1ha diện tích đất canh tác nhưng mỗi năm vẫn có tiền tỷ, qua đó cho thấy lời nhuận từ tôm thẻ chân trắng là rất hấp dẫn” - ông Vạn nói.

Để chứng minh cho việc nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, ông Vạn phân tích chi tiết: Qua nhiều vụ nuôi tôi tính trung bình thấy, với mỗi kg tôm hiện nay sẽ phải chi phí khoảng 70.000 đồng. Trong đó gồm 40.000 đồng tiền chi phí thức ăn, 10.000 đồng tiền thuốc thú y, chế phẩm sinh học, 20.000 đồng là chi phí điện, nước, nhân công… Như vậy, nếu bán được giá càng cao thì càng có lợi nhuận cao. Như giá tôm hiện tại trung bình được khoảng 115.000 – 130.000 đồng/kg tùy từng kích cỡ tôm lớn hay bé.

Thành công nhờ say mê tìm tòi học hỏi



Thu hoạch tôm thẻ chân trắng.  Ảnh: T.X

Ông Đặng Ngọc Vạn sinh năm 1974, trước đây từng làm nghề đóng tàu, đến năm 2010  ông bỏ nghề về quê nuôi ốc hương. “Nuôi ốc hương thị trường bấp bênh, có lúc giá xuống thấp bán không đủ tiền vốn nên tôi chỉ nuôi có 1 năm, sau đó chuyển hẳn sang nuôi tôm thẻ chân trắng” - ông Vạn kể.

Sau 5 năm nuôi tôm thẻ, nhờ say mê, tìm tòi học hỏi, đến nay ông Vạn được giới nuôi tôm trong vùng ví như một chuyên gia. Dù ông sở hữu ao nuôi tôm rất nhỏ, chỉ 1.200m2 nhưng hàng ngày vẫn có rất nhiều “đại gia” sở hữu diện tích hàng chục ha ao nuôi tìm đến mô hình của ông để học hỏi. Thậm chí, nhiều người không chỉ mang tôm bị bệnh đến nhờ ông “bắt bệnh” tư vấn mà còn nhờ luôn ông Vạn mua thuốc trị bệnh hộ.

“Nói thật, tôi cũng chẳng có bí quyết gì cả, chỉ là tự tìm tòi, mày mò rồi đúc rút ra kinh nghiệm thôi. Mấy vụ đầu tiên, tôi cũng bị thất bại nhưng tính chung cả năm thì trong suốt 5 năm nuôi tôm, tôi chưa từng bị lỗ vốn bao giờ, hầu như năm nào cũng có lời” - ông Vạn nói.

Chia sẻ về bí quyết thành công, ông Vạn cho biết, đầu tiên là phải xử lý nước thật tốt, còn môi trường nước xấu thì giống có tốt đến đâu cũng vẫn thất bại.

Người nuôi cũng phải hiểu sức khỏe của tôm như sức khỏe của chính mình, hễ tôm “hắt hơi, sổ mũi” là phải biết có nguy cơ mắc bệnh gì để chữa trị kịp thời. “Thực tế, khi để tôm bị dịch bệnh rồi thì cũng chẳng khác gì người mắc ung thư nên chữa trị vừa tốn kém và khó khăn. Đặc biệt là các loại bệnh như đốm trắng, bã thân (thân màu bã trầu) là hầu như người nuôi bó tay. Ngoài ra, còn bệnh gan tụy cũng rất khó chữa nên phương châm là phải phòng bệnh trước” - ông Vạn nói.

Một trong những bí quyết rất quan trọng giúp ông Vạn thành công chính là lựa chọn được con giống tốt. “Tôi hầu như đã thử tất cả các loại tôm giống của các doanh nghiệp đang sản xuất giống ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, sau khi đúc rút từ các vụ nuôi tôm, tôi quyết định trung thành với giống tôm của Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung ở Bình Thuận” - ông Vạn nói.


Có thể bạn quan tâm

Không được vay vốn “67” vì… già! Không được vay vốn “67” vì… già!

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định 67, rất nhiều ngư dân ven biển vẫn chưa mặn mà với chính sách ưu đãi vay vốn vì nhiều lý do khác nhau. Để gỡ nút thắt này, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ban, ngành liên quan đã tổ chức buổi đối thoại với các ngư dân.

26/09/2016
Nam Miền Trung phải có chiến lược góp phần phát triển tôm Việt Nam Nam Miền Trung phải có chiến lược góp phần phát triển tôm Việt Nam

Đó là lời khuyên của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường dành cho lãnh đạo Công Ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung nhận dịp Bộ trưởng tới thăm và làm việc với công ty.

26/09/2016
Lập tổ hợp tác phát triển cá lồng Lập tổ hợp tác phát triển cá lồng

Nhiều đại biểu cùng đề nghị như vậy tại Diễn đàn Khuyến nông@ Nông nghiệp với chủ đề “Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức ngày 23.9 tại Tuyên Quang.

26/09/2016