Giá / Mô hình kinh tế

Thời Cơ Và Thách Thức - Nuôi Tôm Thẻ Hay Tôm Sú?

Thời Cơ Và Thách Thức - Nuôi Tôm Thẻ Hay Tôm Sú?
Tác giả: 
Ngày đăng: 16/03/2013

Chưa năm nào người nuôi tôm lại bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như năm nay. Chọn nuôi con tôm thẻ hay con tôm sú? Đó là vấn đề thật sự làm nhiều người đau đầu. Nuôi tôm sú năm qua lỗ nhiều hơn lãi, còn nuôi tôm thẻ chân trắng thì quá liều lĩnh, vì đây là đối tượng nuôi mới và mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư rất nhiều. 
Chớ đẩy người nuôi tôm vào đường cùng!

Một thực trạng đáng báo động hiện nay là nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thuốc thú y thủy sản đang phát động phong trào nông dân nuôi con tôm thẻ chân trắng. Điều đáng nói hơn, việc phát động này lại nhằm vào những mô hình nuôi tôm sinh thái bền vững nhất hiện nay. Qua điều tra thực tế tại các ấp của xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cho thấy, nhiều nông dân đã thả nuôi con tôm thẻ chân trắng chung với tôm sú. Trong khi đây là vùng cấm nuôi tôm thẻ chân trắng. 
Ông Huỳnh Thanh Danh (ấp An Điền, xã Long Điền Tây), cho biết: “Sở dĩ năm nay nông dân chọn nuôi tôm thẻ chân trắng là nhờ doanh nghiệp cung cấp con giống đến tận nhà và vận động bà con nuôi mà không lấy tiền con giống. Nếu trúng tôm thì bà con trả tiền, còn tôm chết thì doanh nghiệp lại tiếp tục đầu tư cho đến khi nào nuôi trúng”. Việc bán con giống gần như cho không này làm nhiều nông dân phấn khởi. Bởi, giá tôm sú giống chỉ có 30 đồng/con, trong khi giá giống tôm thẻ chân trắng đến 80 đồng/con. 
Việc doanh nghiệp bán chịu con giống cho nông dân, nhiều người cứ tưởng là việc làm tốt, thể hiện sự đồng cam cộng khổ. Song, nếu phân tích kỹ, đó thật sự là một việc làm có tính toán đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng và phá hủy môi trường tự nhiên, sự phát triển bền vững trong tương lai. Bởi, muốn nuôi tôm thẻ chân trắng phải nuôi với mật độ dày, và phải sử dụng thức ăn. Mặt khác, nếu có trúng thì chưa chắc có đủ tiền để chi trả tiền con giống khi nợ vụ trước cứ dồn cho nợ vụ sau, và giá con giống lại cao gần 3 lần so với con tôm sú. Điều đáng quan tâm là tôm thẻ chân trắng nuôi trong vùng cấm, nhưng lại sử dụng nguồn nước chung cho cả mô hình nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp. Nếu dịch bệnh xảy ra, người nông dân chắc chắn sẽ phải trả một giá rất đắt cho việc tự hủy hoại môi trường. Đến lúc đó, muốn nuôi tôm sú cũng chẳng được mà chuyển sang nuôi đối tượng khác cũng chẳng xong. 
Qua điều tra cho thấy, bên cạnh việc bán con giống, các doanh nghiệp này còn kinh doanh luôn cả thức ăn, thuốc thú y thủy sản theo hệ thống liên hoàn, cung cấp từ A đến Z cho nông dân. Do vậy, cái đích của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là tiền con giống, mà chính là vật tư phục vụ cho nuôi tôm, nhất là tôm thẻ phải sử dụng thuốc, thức ăn gấp nhiều lần so với tôm sú. 
Vì sao người dân thích nuôi tôm thẻ?

Theo ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Việc thực hiện bảo hiểm cho con tôm hiện nay rất bất cập. Phần lớn người nuôi tôm thẻ chân trắng đều muốn “bị” thiệt hại để được bồi thường. Vì theo quy định, tôm thẻ chân trắng nuôi từ 55 - 60 ngày, nếu thiệt hại đều được bảo hiểm bồi thường, nhưng người nuôi tôm lại được tận thu số tôm còn lại. Qua thống kê cho thấy, có đến 90% số hộ nuôi tôm bị thiệt hại đều rơi vào thời gian tôm từ 55 - 60 ngày nuôi”. 
Từ sự bất hợp lý về quy định này, nên nhiều hộ nuôi tôm sú lại thích nuôi tôm thẻ. Nuôi tôm thẻ chỉ cần 60 ngày là thu được và giá bán khoảng 80.000 đồng/kg. Do vậy, người nuôi tôm không cần kéo dài thời gian nuôi, mà chỉ cần báo với bảo hiểm tôm chết là coi như có… ăn. Còn muốn tôm chết thì quá dễ, chỉ cần bỏ đói là tôm tấp vào mé ao ngay. Và đợi cơ quan bảo hiểm làm xong biên bản là thu tôm để bán, hoặc để nuôi tiếp số tôm còn lại. 
Ngoài lợi dụng kẽ hở quy định về thời gian trong bồi thường cho tôm thẻ để trục lợi, nhiều người còn gian lận về số lượng, thậm chí bắt tay với các doanh nghiệp, các trại sản xuất giống để hợp thức hóa thủ tục. Đó là chuyện thả ít, nhưng lại báo thả nhiều và không cần chăm sóc để tôm chết nhằm hưởng tiền bồi thường thiệt hại con giống. 
Ông Lưu Văn Tỷ, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, khẳng định: “Mình biết nông dân gian lận về con giống để hưởng bảo hiểm, nhưng không thể kiểm soát hết. Hiện nay, mỗi xã chỉ có một cán bộ thủy sản nên không thể đi hết tất cả các hộ dân để kiểm tra số lượng tôm giống thả nuôi. Thậm chí, có nông dân còn báo thả tôm vào lúc 1 - 2 giờ sáng để tránh kiểm đếm số lượng”. 
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ dành cho các “đại gia” và số vốn đầu tư bạc tỷ, song, cớ sao nông dân nghèo vẫn thích nuôi tôm thẻ? Việc làm này thật quá bất thường và việc thí điểm bảo hiểm tôm nuôi chắc chắn sẽ “chết yểu” vì tiền đâu mà bồi thường cho nổi! Rồi những hộ nuôi tôm thật sự bị thất bại cần sự hỗ trợ để tái đầu tư cho sản xuất lại bị xếp chung vào nhóm gian lận cần xem xét. Và đến nay, đã hơn 3 tháng qua, nhiều hộ nuôi tôm vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ bảo hiểm (mặc dù quy định phải bồi thường sau 30 ngày). 
Không được nuôi chung tôm thẻ với con sú

Đúc kết bài học xương máu từ nhiều quốc gia nuôi tôm thẻ chân trắng hàng đầu thế giới, Thạc sĩ Đào Văn Trí (Trung tâm Nghiên cứu thủy sản 3 - Nha Trang), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Áp dụng kỹ thuật sản xuất giống và cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng”, cũng cảnh báo về những dịch bệnh trên con tôm thẻ, nhất là hội chứng Taura gây dịch lớn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Đồng thời khuyến cáo phải nuôi tôm thẻ trong vùng quy hoạch và tách biệt hoàn toàn với các đối tượng nuôi khác để không lây lan dịch bệnh. Không sản xuất tôm sú giống với tôm thẻ chân trắng chung với nhau. 
Cảnh báo này cũng được Bộ NN&PTNT quy định rất rõ. Tuy nhiên, nhiều trại sản xuất giống hiện nay vẫn sản xuất tôm thẻ và tôm sú chung với nhau, bất chấp quy định của ngành Nông nghiệp. Chưa dừng ở đó, họ còn phát động phong trào nông dân nuôi tôm thẻ với tôm sú và nuôi ngay vùng cấm. Song, không hiểu vì sao đến nay nhiều địa phương vẫn chưa hay và chưa có động thái nào để xử lý vấn nạn này. 
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám: “Bạc Liêu cần làm tốt công tác quản lý quy hoạch trong nuôi trồng thủy sản để phát triển bền vững. Chỉ phát triển tôm thẻ chân trắng đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp và người nuôi phải hội đủ các điều kiện về vốn, kỹ thuật… Đặc biệt, nuôi tôm thẻ phải trong vùng quy hoạch và không nuôi con tôm thẻ chung với tôm sú”.


Có thể bạn quan tâm

Cựu Chiến Binh Nguyễn Thành Nga Làm Kinh Tế Giỏi Cựu Chiến Binh Nguyễn Thành Nga Làm Kinh Tế Giỏi

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Thành Nga nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

16/03/2013
Đổi Thay Từ Những Mô Hình Kinh Tế Đổi Thay Từ Những Mô Hình Kinh Tế

Phước Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc với trên 98% là đồng bào dân tộc Raglai. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đến ¾ là đồi dốc, dễ bị xói mòn nên canh tác rất khó khăn. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, những đề án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, đem lại sự đổi thay ấm no cho nhân dân Phước Chiến.

16/03/2013
Pinăng Xuân Làm Kinh Tế Giỏi Pinăng Xuân Làm Kinh Tế Giỏi

Hơn 10 năm trước, trong khi các hộ dân ở địa phương còn mang nặng tập quán sản xuất lạc hậu, thì anh đã nghĩ đến việc mở rộng đất đai phát triển sản xuất. Ý chí và quyết tâm của anh mang lại những thành công ngoài mong đợi. Điều này thể hiện ở chỗ, dù thời tiết khô hạn, nhưng chưa có vụ nào anh bỏ đất hoang.

16/03/2013