Giá / Mô hình kinh tế

Thịt Lợn Tăng Giá, Người Nuôi Lãi Kỷ Lục

Thịt Lợn Tăng Giá, Người Nuôi Lãi Kỷ Lục
Tác giả: 
Ngày đăng: 19/07/2011

Với giá lợn hơi 73.000 đồng mỗi kg, nhiều nông dân có thể lãi tới 4 triệu đồng mỗi con, cao nhất từ trước tới nay. Bí quyết của những hộ chăn nuôi hiệu quả là tiêm phòng dịch bệnh đều đặn và giữ vệ sinh chuồng trại.

Do nguồn cung thịt lợn hiện đang khan hiếm, để thu mua được hàng, các lái buôn buộc phải đẩy giá lên 73.000 đồng mỗi cân hơi, tăng gần 50% so với dịp đầu năm. Dù thức ăn chăn nuôi có lên giá 20% như hiện nay thì người nông dân vẫn có lãi tới 3,5-4 triệu đồng mỗi con heo nặng từ một đến 1,1 tạ.

Tại Vĩnh Phúc, nhiều hộ nông dân vừa xuất đàn lợn trong tháng tỏ ra rất phấn khởi. “Đàn lợn 50 con vừa bán mang lại cho gia đình tôi gần 400 triệu, trừ tiền giống, cám và thuốc men cũng có lãi xấp xỉ tới 200 triệu đồng”, chị Nguyễn Thị Mỹ, người dân ở huyện Vĩnh Tường cho biết.

Kinh doanh chuồng trại với quy mô lớn hơn, ở thủ phủ cung ứng thịt lợn cho Hà Nội, chị Huyền (Văn Giang, Hưng Yên) sở hữu tới 120 con lợn nái và gần 2.000 con lợn nuôi thành phẩm. Mỗi tháng chị xuất từ 100 đến 200 con. Đợt xuất chuồng đầu tháng 7 này mang lại cho chị lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay.

"Tôi bán 150 con mà trừ chi phí chăn nuôi và thuê nhân công vẫn còn được tới 570 triệu, trong khi những đợt bình thường, dù xuất tới 200 con thì số lãi cũng chưa bao giờ vượt quá 400 triệu đồng", chị Huyền nói.

Để nuôi một con lợn đến khi xuất chuồng, người chăn nuôi cần đầu tư khoảng 3,5 triệu đồng. Trong đó:

- Gần 600.000 tiền mua lợn giống (giá trung bình là 90.000 đồng mỗi kg).

- Nuôi đến một hoặc 1,1 tạ (180-190 ngày) thì phải cho ăn khoảng 2,5 tạ cám, hết 2,5 triệu.

- Tiêm phòng dịch bệnh 2 lần với chi phí 100.000 đồng.

Với giá thịt lợn hơi là 73.000 đồng mỗi cân như hiện nay, một con lợn xuất ra mang về cho chủ chăn nuôi gần 8 triệu đồng, lãi khoảng 4 triệu đồng.

Giá cám hiện đã tăng khoảng 20%. Đầu năm, mỗi bao cám 40 kg được bán 320.000 đồng thì nay đã tăng lên tới 400.000 đồng. Khi đó, người chăn nuôi cho mỗi con lợn ăn hết khoảng 2 triệu tiền cám. Bán ra với giá lợn hơi (cân nguyên con) là 50.000 đồng mỗi kg, họ cũng chỉ lãi được hơn 2 triệu đồng mỗi con. Nay, dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nông dân vẫn có lãi gấp đôi nếu bán lợn tại thời điểm này.

Nhiều hộ nông dân chưa kịp hoặc chưa thể tái đàn sau các trận dịch bệnh năm 2009, 2010 khiến nguồn cung trên thị trường trở nên khan hiếm. Đây được xem là một trong những nguyên nhân đẩy giá thịt lợn hơi lên cao đỉnh điểm, giúp người chăn nuôi kiếm được số lãi lớn như vậy.

Chứng kiến nhiều hộ chăn nuôi “được mùa” như hiện nay, không ít người nông dân cũng muốn tái đàn. Nhưng “cái khó bó cái khôn”, hầu hết họ đều không thể vay được vốn để tái sản xuất, sợ rủi ro về dịch bệnh và đầu ra khi nhà nhà đều tái đàn.

Các hộ nông dân đều khẳng định chỉ những gia đình giữ được đàn lợn không bị nhiễm dịch bệnh thì mới thu được lợi nhuận cao như vậy. Do chỉ cần vài con bị nhiễm bệnh thì dù được giá, người chăn nuôi vẫn bị lỗ nặng.

Chị Nguyễn Thị Huyền (Văn Giang, Hưng Yên), người sở hữu trang trại nuôi lợn rộng 2 ha với doanh thu mỗi năm lên tới hơn 6 tỷ đồng chia sẻ, bí quyết của chị là phải luôn giữ vệ sinh chuồng trại và phòng dịch hơn chữa bệnh.

“Phải tiêm vacxin phòng bệnh từ lợn nái, cứ 6 tháng tiêm một lần. Tốt nhất, người chăn nuôi nên tiêm phòng tất cả các loại bệnh như tả, lở mồm long móng, tai xanh… Chi phí vacxin cho mỗi con lợn nái là 100.000 đồng mỗi năm. Lợn thành phẩm cũng phải tiêm phòng 2 mũi trước khi xuất chuồng. Mũi đầu tiên tiêm ngay khi lợn con được 21 ngày”, chị Huyền mách nước.

Như vậy, mỗi năm gia đình chị Huyền tốn hơn 300 triệu đồng tiền vacxin. Nhưng theo chị, số tiền đó hoàn toàn hữu ích vì nó giúp bảo vệ cơ nghiệp của anh chị. “Nhiều gia đình chủ quan không tiêm phòng dịch, cứ nuôi đến tầm 50-60 cân, đàn lợn mới lăn ra mắc bệnh, khi đó mất cả tiền giống, tiền cám, lỗ nặng, khó lòng vực lên được”, chị Huyền chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Nỗ Lực Thí Điểm Giống Cao Su Chịu Lạnh Ở Hà Giang Nỗ Lực Thí Điểm Giống Cao Su Chịu Lạnh Ở Hà Giang

Sau những khó khăn từ năm 2010, với tinh thần vượt lên khó khăn, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su (CNCS) Việt Nam, thời gian qua, Công ty Cổ phần cao su (CPCS) Hà Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu và đưa vào trồng thử nghiệm giống cao su có thể thích nghi với thời tiết tỉnh nhà. Hơn 1 năm triển khai trồng thử nghiệm giống cao su chịu lạnh và từ thực tế những cây đã trồng cách đây gần 5 năm, đã và đang củng cố niềm tin cho tương lai phát triển cây cao su.

19/07/2011
Khuyến Khích Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Hợp Tác Xã Khuyến Khích Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Hợp Tác Xã

Kinh tế trang trại, hợp tác xã là điều kiện không thể thiếu trong việc thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiện nay. Ở huyện Hàm Yên, thời gian gần đây, cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung, sự ra đời của các trang trại và hợp tác xã (HTX) đã tạo một cú huých đáng kể trong thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn..

19/07/2011
Triển Vọng Mô Hình Sản Xuất Nấm Cao Cấp Tại Điện Biên Triển Vọng Mô Hình Sản Xuất Nấm Cao Cấp Tại Điện Biên

Từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ KH&CN, Trại Giống Nông nghiệp huyện Điện Biên triển khai mô hình sản xuất nấm cao cấp trên diện tích 2.000 m². Sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện và chuyển giao công nghệ mô hình nấm cao cấp cho thấy: Khả năng sinh trưởng và phát triển của nấm tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu Điện Biên, mang lại giá trị kinh tế cao.

19/07/2011