Giá / Tin thủy sản

Thiếu vốn, khó bỏ việc... hủy diệt hải sản

Thiếu vốn, khó bỏ việc... hủy diệt hải sản
Tác giả: Trần Đáng
Ngày đăng: 11/07/2016

Rục rịch chuyển nghề

Ngư dân Đỗ Tấn Công (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) - chủ đội tàu 12 chiếc, trong đó 4 cặp hành nghề lưới kéo cho biết, nghề này dùng lưới dày, lại cào sát đáy biển nên có thể đánh bắt được các loại hải sản từ lớn đến bé. Trong mỗi mẻ lưới, cá nhỏ, cá tạp chiếm tới 40 - 50%, ngư dân chỉ chọn lấy những loại cá dùng được, số còn lại vụn vặt, dập nát thì đổ lại xuống biển. Hầu hết lượng cá tạp sử dụng được cũng chỉ để bán làm phân bón, bột cá.

“Hiện tôi vẫn hành nghề lưới kéo đôi, nhưng cũng nhận thấy nghề này không còn hiệu quả, tôi đang tính chuyển một đôi tàu sang nghề lưới vây. Nói thì dễ, nhưng chuyển sang nghề khác là phải thay đổi tập quán đánh bắt nên cần có thời gian tìm hiểu, làm quen và phải có vốn để đóng mới ghe tàu, mua ngư lưới cụ” - ông Công nói.

Theo Sở NNPTNT tỉnh BR-VT, trên địa bàn có gần 2.000 chiếc tàu làm nghề lưới kéo, chiếm hơn 31% trong tổng số trên 6.000 tàu đánh bắt hải sản của toàn tỉnh. Sở NNPTNT tỉnh BR-VT đang kiến nghị Bộ NNPTNT có chính sách hỗ trợ vốn cụ thể cho đối tượng hành nghề lưới kéo chuyển sang các loại nghề khác.

Tương tự, ông Bạch Lứa (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền)  - người có hàng chục năm làm nghề giã cào cho biết, hiện ông có 7 đôi tàu giã cào, trị giá hơn 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, cách đánh bắt này gây suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tầng đáy nên sắp tới ông sẽ chuyển hình thức khác. V

ề chi phí chuyển đổi, ngư dân Võ Văn Nhơn (phường 5, TP.Vũng Tàu) cho biết, để chuyển từ nghề lưới kéo sang lưới rê phải đóng mới 1 tàu 500CV khoảng 4 tỷ đồng và dàn lưới rê (có thể phủ luồng cá từ 10 - 15km) khoảng 2 tỷ đồng nữa. “Trong khi nghề đánh bắt thủy sản ngày càng khó khăn, thu nhập bấp bênh thì đây là một khoản tiền rất lớn với ngư dân. Vì vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để ngư dân chuyển đổi nghề” - ông Nhơn đề nghị.

Chính phủ phải trợ lực

Gần đây, trong hội thảo “Phát triển bền vững ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản thời hội nhập”, ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác (Tổng cục Thủy sản) nhận định, tỉnh BR-VT là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, tỉnh hiện có cơ cấu khai thác thủy sản không hợp lý. Số lượng tàu thuyền làm nghề lưới kéo chiếm hơn 30%, trong khi đây là nghề có nguy cơ hủy hoại nguồn lợi thủy sản tầng đáy rất lớn.

Ông Tuấn cũng đề xuất, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh cần có sự điều chỉnh thích hợp quy hoạch ngành nghề đánh bắt, hạn chế hoặc dừng cấp phép nghề lưới kéo, phát triển các ngành nghề đánh bắt loại thủy sản có giá trị gia tăng cao như nghề câu, lưới rê, lưới vây và chuyển dần ngư dân sang các ngành nghề này.

Tuy nhiên, ông Lê Tuấn Quốc - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh BR-VT cho hay, theo quy hoạch đến năm 2020 về phát triển số lượng tàu đánh bắt hải sản, kinh phí chuyển đổi nghề vào khoảng 1.500 tỷ đồng, việc này ngoài tầm của địa phương… Đấy là chưa kể số tàu làm nghề lưới rê, nghề câu, lưới vây đánh bắt được các loài cá có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu cũng cần được đầu tư để đạt tỷ trọng 5,52% đối với lưới rê; 13,12% đối với nghề câu và 3,4% đối với lưới vây.

Ông Lê Tuấn Quốc nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, bà con ngư dân rất cần được hỗ trợ vốn để đóng mới, nâng cấp tàu cá khai thác xa bờ có công suất trên 90CV, ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại trong khai thác và bảo quản sản phẩm...


Có thể bạn quan tâm

An Giang phát triển nuôi thủy sản theo hướng liên kết sản xuất An Giang phát triển nuôi thủy sản theo hướng liên kết sản xuất

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp.

11/07/2016
6 tháng đầu năm 2016 tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 88 ngàn tấn 6 tháng đầu năm 2016 tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 88 ngàn tấn

Chiều 5-7-2016, tại huyện Ba Tri, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chủ trì hội nghị sơ kết hoạt động đánh bắt thủy sản 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016. Đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh có liên quan, lãnh đạo các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, các xã ven biển và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản tham dự hội nghị.

11/07/2016
Bình Định khắc phục tôm chết hàng loạt Bình Định khắc phục tôm chết hàng loạt

Năm nay, người nuôi tôm ở Bình Định thả nuôi hết hầu hết diện tích theo kế hoạch. Tuy nhiên, do thời tiết quá khắc nghiệt làm tôm bùng phát dịch bệnh...

11/07/2016