Giá / Mô hình kinh tế

Thêm “Sức Bật” Cho Con Tôm Cao Triều Ở Thừa Thiên Huế

Thêm “Sức Bật” Cho Con Tôm Cao Triều Ở Thừa Thiên Huế
Tác giả: 
Ngày đăng: 17/04/2013

Ông Nguyễn Ngọc Song (thôn 4 Cao Triều - Quảng Công - Quảng Điền - Thừa Thiên - Huế) cho biết: Tôi đã làm nghề nuôi tôm được gần 10 năm, song trước đây, các động cơ phục vụ nuôi tôm như động cơ sục khí hay máy bơm nước đều sử dụng dầu diesel. Thời gian gần đây, tôi chuyển sang sử dụng động cơ điện.

Năm 2013, ông Nguyễn Ngọc Song thả nuôi chín vạn con tôm trên diện tích 3.600m2, mỗi năm tiêu tốn khoảng ba triệu rưỡi tiền điện. Nếu so sánh với dầu diesel thì chạy điện giúp tiết kiệm được hơn tám triệu đồng.

Gia đình ông Song chỉ là một trong những hộ gia đình đầu tiên tại Cao Triều tham gia dự án “Tăng cường năng lực về lập kế hoạch năng lượng bền vững ở miền Trung” (CESEP) tại vùng nuôi tôm Cao Triều - xã Quảng Công được tài trợ kỹ thuật bởi tổ chức Carbon Trust (Anh Quốc) và được triển khai thực hiện bởi Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế và Quỹ Bảo vệ thiên nhiên (WWF Việt Nam).

Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn và chiếm tỷ lệ cao so với các địa phương khác trong cả nước, trong khi đó, các hồ nuôi tôm chủ yếu đều sử dụng động cơ điện và tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn. Vùng Cao Triều là vùng nuôi tôm bán thâm canh tại xã Quảng Công, rộng 20 ha với 40 ao nuôi. Hiện vùng nuôi tôm cao triều Quảng Công có 34 hộ gia đình tham gia nuôi tôm sú, cá và cua nước lợ, trong đó sử dụng động cơ diesel chiếm 81,5% còn động cơ điện chỉ chếm 18,5%. Tổng tiêu thụ năng lượng của vùng Cao Triều năm 2012 là 17,5 tấn dầu quy đổi. Tổng sản lượng thủy sản của vùng trong năm 2012 là 22 tấn và đây là nguồn thu nhập chính của các gia đình.

Bà Lê Kim Thái, tư vấn WWF cho biết: “Các hộ nuôi tôm sú là nhóm tiêu thụ điện lớn thứ 2 tại huyện Quảng Điền và nuôi tôm là một trong những ngành nghề chủ đạo của tỉnh. Vì vậy, làm thế nào để tiết kiệm năng lượng TKNL cho các vùng nuôi tôm Cao Triều là một trong những vấn đề mà dự án CESEP quan tâm và mong muốn thực hiện nhằm giúp các hộ nuôi tôm giảm chi phí và bảo vệ môi trường”.

Được thực hiện từ tháng 9-2012, đã có một số hộ gia đình tại Cao Triều được hỗ trợ chuyển đổi từ động cơ diesel sang động cơ chạy điện. Theo tính toán của dự án, một động cơ điện chạy quạt sục khí bằng điện có mức tiêu hao ít hơn 4,6 lần so với chi phí chạy bằng động cơ diesel với công năng tương tự (1,34 triệu đồng so với 6,25 triệu đồng), mặc dù thời gian hoạt động của nó nhiều hơn 15% (500 giờ so với 432 giờ). Tương tự như vậy, một máy bơm nước chạy điện tiêu tốn chi phí cho điện ít hơn 6,72 lần so với một máy bơm diesel (0,36 triệu đồng so với 2,43 triệu đồng), mặc dù thời gian hoạt động của nó nhiều hơn 72% (276 giờ so với 159,96 giờ).

Đây là những bằng chứng rõ ràng cho thấy động cơ điện hiệu quả về mặt chi phí năng lượng hơn nhiều so với động cơ chạy bằng diesel. Không chỉ thực hiện trong giai đoạn hiện tại, theo tính toán của dự án, nếu đến năm 2015, mật độ nuôi tôm tăng lên 33% sẽ khiến tổng tiêu thụ năng lượng tăng thêm 29% và tổng chi phí năng lượng tăng thêm 30% nếu không có biện pháp can thiệp vào cơ cấu tiêu thụ năng lượng. Do đó, để hỗ trợ cho người dân, thay thế động cơ diesel bằng động cơ điện sẽ là giải pháp giúp giảm tổng tiêu thụ điện đáng kể. Với những ưu điểm này, dự án sẽ giúp người nông dân nuôi tôm giảm bớt chi phí, thu được lợi ích kinh tế lớn hơn mà gia đình ông Song kể trên chính là một trong những minh chứng rõ nét.

Với mục đích giảm tổng tiêu thụ năng lượng tại Cao Triều xuống khoảng 20% vào năm 2015, dự án sẽ tiếp tục lập kế hoạch và đưa ra các phương án hợp lý cũng như tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát để nắm bắt tình hình nhằm thực hiện tốt kế hoạch tại địa phương. Theo đó, dự án đang khẩn trương thành lập tổ dịch vụ năng lượng ở khu vực Cao Triều; Xây dựng kế hoạch chi tiết; Tập huấn tăng cường chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật và tổ dịch vụ; Thay thế các động cơ diesel ở các ao nuôi bằng các động cơ điện… Tổng chi phí cho dự án là 185 triệu đồng, trong đó mỗi năm sẽ tiết kiệm tiền điện 137,41 triệu đồng và tổng tiết kiệm năng lượng là 4,71 tấn dầu quy đổi.

Ông Nguyễn Duy Thành - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Chúng tôi mong muốn thúc đẩy việc sử dụng năng lượng bền vững trong các hoạt động sản xuất trên toàn tỉnh. Nếu dự án thành công trong việc giúp người dân xã Quảng Công sử dụng năng lượng hiệu quả và tạo nguồn thu nhập tốt, chúng tôi sẽ xem xét việc nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Lóc - “Lợi Bất Cập Hại!” Ở Bình Định Nuôi Cá Lóc - “Lợi Bất Cập Hại!” Ở Bình Định

Nắng tháng 5 xối vào mặt, mồ hôi ướt đẫm lưng, nhưng hoạt động thu hoạch cá lóc tại ao nuôi cá nhà anh Huỳnh Văn Lượng (xóm 7, thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) rất sôi động. Vụ này cá nuôi phát triển tốt, lại được giá nên người nuôi cá rất mừng. Tuy nhiên, một vấn đề làm bà con “đau đầu” là ô nhiễm môi trường từ nuôi cá…

17/04/2013
Xuất Khẩu Sầu Riêng Ngũ Hiệp Sang Trung Quốc Xuất Khẩu Sầu Riêng Ngũ Hiệp Sang Trung Quốc

Theo ông Lê Hữu Hải, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, từ tháng 3.2012, công ty Capital Link International Trading (Trung Quốc) đã ký hợp đồng thu mua trái sầu riêng của hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

17/04/2013
Ô Nhiễm, Tôm Chết Trắng Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Ô Nhiễm, Tôm Chết Trắng Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Vụ tôm sú năm 2011-2012, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại nặng khi tôm mới thả nuôi đã chết hàng loạt do bị bệnh hoại tử gan tụy.

17/04/2013